Thời sự 09/01/2014 13:14

Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm xuống mức nào?

Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, với mục tiêu lạm phát kỳ vọng năm 2014 dự kiến được kiểm soát ở mức 6 - 6,5% như năm 2013, khả năng lãi suất huy động khó có thể biến động so với mặt bằng chung hiện nay, nhưng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm để khơi thông dòng vốn.

Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh.

 

Hiện nay, tình hình thanh khoản khá dồi dào, theo ông lãi suất huy động có giảm thêm?

 

Thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện, kể cả mùa kinh doanh cuối năm, các ngân hàng cũng không phải lo thanh khoản như trước đây. Có thể nói, 2013 được xem là năm điều hành chính sách lãi suất thành công của NHNN. Tuy nhiên, khi trần đầu vào được điều chỉnh xuống 7%/năm, lãi suất sẽ khó giảm thêm. Bởi lạm phát mục tiêu năm qua được kiểm soát ở mức 6,2 - 6,5% và dự kiến lạm phát mục tiêu năm nay cũng được kiểm soát ở mức này thì trần đầu vào 7%/năm được xem là hợp lý. Hơn nữa, dù trên thực tế các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… chưa hồi phục và thanh khoản dồi dào, song các ngân hàng cũng phải duy trì mức lãi suất phù hợp để có thể thu hút được nguồn tiết kiệm.

 

Lãi suất ổn định, dần trở lại đường cong truyền thống, vậy có nên bỏ trần, thưa ông?

 

Hiện trần lãi suất 7%/năm chỉ được áp dụng đối với kỳ hạn tiền gửi dưới 6 tháng. Còn với các kỳ hạn dài, NHNN không còn áp trần, ngân hàng được phép thỏa thuận. Mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 12 tháng hiện nay cũng được các NHTM áp dụng cao hơn so với mức trần 7%/năm, đặc biệt là ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Vì thế, để có mức lãi suất cao hơn so với trần huy động hiện nay, khách hàng sẽ chọn kỳ hạn tiền gửi dài ngày, từ 6 tháng trở lên. Qua đó, các ngân hàng cũng sẽ dễ dàng cơ cấu được nguồn vốn cho vay trung, dài hạn.

 

Còn đối với lãi suất cho vay thì thế nào trong bài toán kích cầu tín dụng năm nay?

 

Lãi suất huy động hiện đã giảm 2 - 4%/năm và cho vay ra giảm 3 - 5%/năm so với năm 2012. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay chỉ dao động 10 - 12%/năm và còn thấp hơn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, để có thể kích cầu tín dụng tăng trưởng, khả năng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm 1 - 1,5%/năm trong năm nay, cho dù lãi suất huy động khó có thể giảm sâu trong thời gian tới. Đặc biệt với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ và công nghiệp phụ trợ) hiện trần cho vay chỉ 9%/năm, nhưng nếu diễn biến thị trường phù hợp, lạm phát được kiểm soát tốt, khả năng NHNN sẽ xem xét để điều chỉnh giảm thêm.

 

Lãi suất giảm tín dụng vẫn khó tăng, theo ông mục tiêu tín dụng 12 - 14% có khả thi? Ngoài lãi suất, vấn đề cần được giải quyết để kích cầu tín dụng là gì?

 

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng kỳ vọng 12 - 14% đưa ra cho năm nay không hẳn dễ dàng trong bối cảnh thị trường còn có khó khăn. Tồn kho và sức mua chưa cải thiện nhiều thì nhu cầu vốn của DN sẽ khó có thể tăng cao. Thực tế trong năm qua lãi suất cho vay đã giảm nhiều, đồng thời yếu tố lãi suất và quan hệ tín dụng không còn là rào cản đối với DN trong quá trình tiếp cận vốn vay, song nhu cầu vốn của DN vẫn không tăng đột biến, kể cả thời điểm cuối năm. Vì thế, bên cạnh việc giảm lãi suất và các biện pháp kích cầu được Chính phủ đưa ra đang dần phát huy tác dụng, cũng cần có thêm các giải pháp kích cầu sức mua để giải quyết tồn kho cho DN.

 

Lãi suất cho vay mua nhà của gói 30.000 tỷ đồng vừa được NHNN điều chỉnh giảm thêm 1%. Liệu tiến độ giải ngân gói vốn này có nhanh hơn trong năm nay?

 

Theo tôi, đây là điều kiện tốt để người có thu nhập thấp tiếp cận vốn vay mua nhà. So với mặt bằng lãi suất chung đang được các ngân hàng áp dụng cho khách hàng cá nhân vay mua nhà là 11 - 14%/năm và tương đương mức này đối với DN, thì lãi suất được điều chỉnh xuống 5%/năm sẽ là cơ hội tốt cho giải ngân gói vốn 30.000 tỷ đồng, phần nào hỗ trợ thị trường bất động sản. Khi bất động sản được kích cầu từ tín dụng, thị trường nhà đất sẽ ấm dần và ngân hàng có điều kiện để xử lý các khoản nợ xấu. Thực tế hiện nay, 70% nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng trên địa bàn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản và vay tiêu dùng.

 

Có ý kiến cho rằng, với giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng - DN tại văn bản 7558 đã có hiệu quả, nhưng do thời gian áp dụng quá ngắn nên chưa phát huy hết tác dụng và đề nghị được gia hạn sang năm 2014. Ông nghĩ sao về điều này?

 

Để thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, NHNN đã ban hành văn bản số 7558/NHNN-TD. Đây được xem là giải pháp mạnh nhất, nối tiếp các giải pháp trước đó như Quyết định 780. Đến nay, mặc dù không đánh giá định lượng hiệu quả của chính sách này mang lại cho DN, do thời gian triển khai còn ngắn, nhưng cùng với cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng, hoạt động cho vay của các ngân hàng trên địa bàn đã có sự chuyển biến tích cực. Vì thế, chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến của các ngân hàng để trình lên Ngân hàng Trung ương xem xét. Đồng thời, NHNN TP. HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối giữa ngân hàng với DN như đã thực hiện trong năm qua.

 

Theo Thùy Vinh
ĐTCK

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *