Thời sự 25/07/2014 15:14

Hàng loạt "ông lớn" ngân hàng huy động vượt trần, đầu tư thua lỗ

FICA - Báo cáo kiểm toán do Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy nhiều sai phạm và rủi ro trong hoạt động của các ngân hàng.

Ngân hàng hạ lãi suất, đầu tư vào đâu sinh lợi nhất? - Ảnh 1

Theo Báo cáo kiểm toán được Kiểm toán Nhà nước công bố sáng nay (24/7), trong năm 2012, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiệm kiểm toán tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và 3 ngân hàng thương mại là Vietcombank, Agribank, VietinBank.

3 ông lớn huy động vượt trần

Theo báo cáo kiểm toán, các ngân hàng thương mại đều huy động vốn của Bảo hiểm Xã hội bằng hình thức vay phù hợp với Luật BHXH nhưng không đúng quy định của Luật các TCTD và chưa điều chỉnh sang hợp đồng tiền gửi theo chỉ đạo của NHNN, dẫn đến huy động vượt trần lãi suất. 

Cụ thể, số tiền lãi huy động vượt trần của Agribank là 10,57 tỷ đồng; Vietcombank là 25,56 tỷ đồng; VietinBank là 30,79 tỷ đồng.

Trong khi đó, VDB chưa cân đối được nhu cầu vốn với huy động vốn, dẫn đến tồn đọng vốn lớn, làm tăng cấp bù từ ngân sách nhà nước. Số dư tiền gửi bình quân năm tại VDB là 25.140 tỷ đồng, trong đó tiền gửi có kỳ hạn là 22.392 tỷ đồng.

Nợ xấu vượt an toàn

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, các ngân hàng thương mại được kiểm toán đều có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức bình quân của toàn hệ thống (8,85%) song tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 31/12/2012 của các ngân hàng đều tăng so với cuối năm 2011 và đến 30/6/2013, tỷ lệ nợ xấu của 2/3 ngân hàng tiếp tục tăng so với cuối năm 2012. Trong đó, nợ xấu của VietinBank là 2,21%, tăng 47,33%; VCB 2,66%, tăng 10,83%.

Nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ lệ lớn trên tổng nợ xấu (VietinBank là 2.132 tỷ đồng, chiếm 42,8% nợ xấu; Agribank là 23.652 tỷ đồng, chiếm 59,23% tổng dư nợ xấu, bằng 89% vốn điều lệ). Nếu tính cả nợ được cơ cấu theo quyết định 780, 2/3 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt quá mức an toàn (VietinBank là 5,23%, Agribank là 15,68%).

Agribank tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo Kiểm toán Nhà nước, Agribank có nhiều sai phạm trong hoạt động cho vay, tiềm ẩn rủi ro và khó thu hồi vốn. Tại chi nhánh TPHCM của Agribank, dư nợ của công ty TNHH Bạch Diệp đến 21/12/2012 là 3.700 tỷ đồng (gốc 2.967,7 tỷ đồng; lãi 732,3 tỷ đồng); tại chi nhánh Tân Bình đến 30/6/2013 tổng dư nợ của nhóm khách hàng Đông Á là 200,5 tỷ đồng (gốc 148,1 tỷ đồng; lãi 52,4 tỷ đồng), của nhóm khách hàng là cán bộ tín dụng là 24,2 tỷ đồng...

Về hoạt động bảo lãnh, 2/3 ngân hàng thương mại được kiểm toán thực hiện theo quy định hiện hành, riêng Agribank thực hiện không đúng quy trình, vi phạm quy định về phát hành, theo dõi và quản lý thư bảo lãnh.

Cụ thể, chi nhánh Agribank Tràng An không hạch toán trong thời gian dài khoản bảo lãnh 518,56 tỷ đồng cho công ty REVN vay ngân hàng nước ngoài (Landesbank), phê duyệt bảo lãnh vượt quyền, vi phạm nguyên tắc quản lý an toàn vốn vay nhưng không báo cáo cấp trên 134,9 tỷ đồng; nguyên giám đốc Agribank chi nhánh Tây Hà Nội ký phát hành bảo lãnh 389 tỷ đồng nhưng không lưu hồ sơ và chứng thư bảo lãnh, không hạch toán, hiện có 2 đơn vị đã khởi kiện yêu cầu Agribank thực hiện trách nhiệm thanh toán.

Ngoài những sai phạm trên, Agribank còn là ngân hàng thường xuyên vi phạm tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất, tỷ lệ khả năng chi trả ngay và tỷ lệ khả năng chi trả 7 ngày đối với VND. 

Cũng theo báo cáo Kiểm toán, các tổ chức tín dụng theo dõi tài sản ngoài bảng chưa kịp thời, hầu hết phản ánh thu nhập chưa chính xác, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa đảm bảo theo quy định, do sai sót trong phân loại nợ, xác định giá trị tài sản đảm bảo và tỷ lệ khấu trừ tài sản đảm bảo...

Các ngân hàng thương mại góp vốn, mua cổ phần trong giới hạn cho phép nhưng hiệu quả đầu tư hấp, một số khoản đầu tư chưa thu được lợi nhuận, nhiều khoản đầu tư bị suy giảm giá trị, đầu tư vào một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ không bảo toàn được vốn. Trong đó, đáng lưu ý, một số khoản đầu tư của Agriank đã suy giảm tới 60% như: khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư Vietnamnet; Vận tải Vinaconex, Xi măng Hà Tiên, Tập đoàn CMC. Khoản thua lỗ khó bảo toàn vốn như tại Công ty cho thuê tài chính I và II, Ngân hàng Đại Tín...

Cùng với Agribank, VietinBank cũng có một số khoản đầu tư thua lỗ. Cụ thể, 3/4 mã chứng khoán đã bị suy giảm trong đó khoản đầu tư vào CTCP Xi măng Hà Tiên suy giảm 84%; CTCP Cao su Phước Hòa giảm 49,57%; công ty Gang thép Thái Nguyên giảm 38,61%.

 

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *