Thời sự 03/11/2014 16:38

Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam với triển vọng ổn định

FICA - Việc nâng cấp IDR của Việt Nam từ "B+" lên "BB-" là nhờ triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được điều chỉnh theo hướng ổn định.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa nâng bậc xếp hạng nhà phát hành (IDR) nội và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ "B+" lên "BB-" với triển vọng từ "tích cực" sang "ổn định".

Bên cạnh đó, Fitch cũng được nâng xếp hạng đối với số trái phiếu không đảm bảo có độ ưu tiên cao bằng nội và ngoại tệ từ "B+" lên "BB-". Trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được Fitch nâng từ "B+" lên "BB-" trong khi xếp hạng IDR ngắn hạn bằng ngoại tệ được giữ nguyên ở mức "B".

Theo Fitch Ratings, việc nâng cấp IDR của Việt Nam từ "B+" lên "BB-" là nhờ triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được điều chỉnh theo hướng ổn định. 

Hãng xếp hạng này đánh giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành theo thắt chặt tiền tệ, góp phần hạ nhiệt tăng trưởng tín dụng từ 32% vào năm 2010 xuống còn khoảng 12% dự kiến vào năm 2014. Tăng trưởng GDP thực tế vẫn tương đối mạnh với tốc độ trung bình 5,6% trong 3 năm qua, cao hơn đáng kể so với mức 3,7% của các quốc gia được xếp hạng "BB". Lạm phát đã giảm từ mức trung bình 6,6% trong năm 2013 xuống còn 3,2% trong 10 tháng đầu năm nay.

Fitch cũng cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô đã góp phần vào sự chuyển biến mạnh trong cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam từ mức thâm hụt 3,7% trong năm 2010 sang thặng dự 4,1% vào năm 2014. Fitch dự báo, Việt Nam đang trên đà thặng dư tài khoản vãng lai năm thứ 4 liên tiếp nhờ xuất khẩu và lượng kiều hối đạt tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI ròng duy trì phù hợp với mức tăng trưởng GDP trung bình 4,5% trong giai đoạn 2011 - 2013 đã góp phần tăng thặng dư cán cân thanh toán và tích lũy dự trữ ngoại hối của Việt Nam. 

Fitch đánh giá, nợ nước ngoài ròng của Việt Nam chiếm 14% GDP là phù hợp với nhóm xếp hạng "BB" vốn duy trì tỷ lệ này trung bình khoảng 16%.

Tuy nhiên, Fitch cho rằng, tỷ lệ nợ công của Việt Nam là cao hơn các quốc gia trong nhóm và nợ công tiềm tàng có mức rủi ro lớn nhưng có thể quản lý được. Thâm hụt ngân sách liên tục và bội chi sẽ khiến nợ Chính phủ của Việt Nam năm 2014 ước tính sẽ lên đến 44% (cao hơn so với trung bình 39% của các nước trong nhóm "BB"). 

"Các quyết sách tài khóa mới đây như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP. Việt Nam còn thiếu một khuôn khổ tài chính trung hạn chính thức, mặc dù các nhà chức trách đã đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách vào năm 2020 và giám sát trần nợ công trên GDP là 65%. Gánh nặng nghĩa vụ đối với các khoản nợ nước ngoài tại Việt Nam tương đối khiêm tốn bởi một thực tế là có tới 94% nợ nước ngoài được hưởng ưu đãi", Fitch đánh giá. 

Ngoài ra, Fitch cũng ước tính tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam lên tới 15%, so với con số 4,2% theo báo cáo chính thức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Với tỷ lệ nợ xấu 15%, Fitch ước tính tổng vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể giảm xuống còn 10 tỷ USD từ mức 32 tỷ USD.

Cải cách khu vực nhà nước của Việt Nam cũng được Fitch đánh giá là không thuyết phục. Nợ doanh nghiệp nhà nước ở mức xấp xỉ 42% GDP và các đề xuất cải cách còn quá thận trọng. Trong khi đó, thu nhập trung bình của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp hơn so với các quốc gia cùng nhóm.

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *