Thời sự 12/01/2015 21:31

Điều chỉnh tiếp tỷ giá, NHNN sẽ cân nhắc kỹ lưỡng

FICA - Sau lần điều chỉnh tăng 1% tỷ giá vừa qua, việc có tiếp tục điều chỉnh hay không trong năm 2015, NHNN cần theo dõi sát diễn biến tình hình và cân nhắc kỹ lưỡng…

Từ ngày 7/1, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ (USD) từ mức 21.246 VND/USD lên 21.458 VND/USD (mức điều chỉnh 1%). Với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21.673 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.243 VND/USD.

Đề cập tới cam kết giữ tỷ giá 2% trong năm 2015 của NHNN, theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, chính sách giữ tỷ giá VND/USD danh nghĩa tương đối ổn định, (phá giá không quá 2%/năm) nhằm chống lạm phát, và cùng với chính sách lãi suất (lãi suất VND cao hơn nhiều lãi suất USD) để hạn chế đô la hóa (sự dịch chuyển từ VND sang USD). Chính sách này cũng góp phần tạo môi trường vĩ mô ổn định để doanh nghiệp tính toán tốt hơn trong làm ăn. Tuy nhiên, chính sách này cũng có thể có mặt hạn chế như khó đủ độ linh hoạt cho chính sách tiền tệ và có tác động tích cực đến xuất khẩu.

Xét tổng thể, theo ông Thành, Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện được cam kết như 3 năm vừa qua (2012-2014). Một là dự trữ ngoại tệ đã tăng đáng kể, có con số cho rằng đạt khoảng 37 - 38 tỷ USD.

Hai là dù cán cân thương mại được dự báo thâm hụt trên dưới 6 tỷ USD năm 2015, cán cân thanh toán tổng thể vẫn có thể thặng dư khá lớn. Ba là ngân hàng nhà nước cũng còn những công cụ, điều tiết khá hữu hiệu để kiểm soát những trạng thái ngoại tệ trên thị trường.

“Việc phá giá 1% đầu năm là giải pháp được cho là hợp lý trong bối cảnh đồng USD đang lên giá. Nó vừa giảm bớt 1 phần áp lực lên VND, song vẫn có dư địa ít nhiều để điều chỉnh nếu cần thiết”, ông Thành bình luận.

Với nhiều áp lực về tỷ giá, liệu trong năm tới NHNN có thể ổn định được thị trường này? Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho hay: Mặc dù trong năm 2015 tỷ giá có áp lực khi thị trường thế giới USD tăng giá, FED dừng gói QE và có thể tăng lãi suất trong năm, tuy nhiên đối với Việt Nam cũng có một số yếu tố thuận lợi như:

Năm 2015, áp lực về nhập siêu không quá lớn bởi xuất khẩu được dự báo tiếp tục tăng cao; nhập khẩu có thể tăng lên nhưng với dự kiến tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 30-32% GDP, tín dụng được kiểm soát trong khoảng 13-15% dẫn đến nhập khẩu cũng sẽ không tăng mạnh như những năm trước đây (trước đây tín dụng tăng bình quân trên 30%/năm; tổng đầu tư toàn xã hội chiếm trên 40% GDP).

Cho dù có nhập siêu thì với nguồn kiều hối hàng năm khá dồi dào, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp tiếp tục vào Việt Nam khi kinh tế vĩ mô dần ổn định, Chính phủ quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, dự báo năm 2015, cán cân thanh toán của Việt Nam tiếp tục thặng dư. Như vậy có cơ sở để NHNN ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá.

Năm 2015, để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, NHNN tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ, chính sách để điều tiết cả thị trường nội tệ và ngoại tệ, các giải pháp thực hiện theo hướng nâng cao vị thế của đồng Việt Nam...

Cũng theo đánh giá của bà Hồng, tỷ giá USD/VND chịu tác động của nhiều yếu tố, diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ trong nước và quốc tế.

Bởi vậy, sau khi điều chỉnh 1% tỷ giá trong thời gian vừa qua, việc có tiếp tục điều chỉnh hay không trong năm 2015 (và nếu có) thì điều chỉnh vào thời điểm nào và với mức độ bao nhiêu, NHNN cần theo dõi sát diễn biến tình hình và cân nhắc kỹ lưỡng rồi mới quyết định chứ không điều chỉnh theo một quy luật thời gian nào.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *