Đầu tư 15/12/2014 09:43

Việt Nam ở đâu trong làn sóng đầu tư FDI của Hàn Quốc

FICA - Cùng với việc Việt Nam sẽ gia nhập TPP, ký Hiệp định FTA Việt - Hàn ... trong thời gian tới, làn sóng FDI từ Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục có bước tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lường lẫn chất lượng.

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay, Hàn Quốc đã đầu tư ra nước ngoài khoảng 59 nghìn dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 387,5 tỷ USD và 270 tỷ USD tỷ USD vốn giải ngân.

Hàn Quốc có dự án đầu tư ra tất cả các khu vực trên thế giới với dự án tại 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, tập trung vào các quốc gia Trung Quốc (tổng vốn đăng ký đạt 83.3 tỷ USD bao gồm Hong Kong), Hoa Kỳ (76.5 tỷ USD), Việt Nam, Úc, Hà Lan, Canada, Indonesia ...              

Về lĩnh vực đầu tư, Hàn Quốc đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo (122 tỷ USD vốn đăng ký); khai khoáng (85 tỷ USD); tài chính, bảo hiểm (41 tỷ USD); bán buôn, bán lẻ (33,7 tỷ USD); kinh doanh bất động sản (26,3 tỷ USD); dịch vụ chuyên môn, khoa học và kỹ thuật (20,4 tỷ USD); xây dựng (9,9 tỷ USD); CNTT (7,1 tỷ USD); giao thông (5,5 tỷ USD) dịch vụ lưu trú ăn uống (5 tỷ USD)...

Nét chính trong đầu tư ra nước ngoài của DN Hàn Quốc

Theo phân tích của Cục Đầu tư nước ngoài, việc tập trung 56% tổng vốn đầu tư vào 2 lĩnh vực công nghiệp chế tạo và khai khoáng xuất phát từ nhu cầu khách quan của nền kinh tế Hàn Quốc với thế mạnh về lĩnh vực điện tử, may mặc, công nghiệp nặng, ô tô, cơ khí, sản xuất thép... cũng như nguồn tài nguyên trong nước gần như bằng không.

Bên cạnh đó, sau một thời gian dài tích lũy tư bản, kinh nghiệm quản lý, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, thành công trong việc quảng bá văn hóa Hàn Quốc... các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đẩy mạnh việc đầu tư ra nước ngoài trong các lĩnh vực phi sản xuất như: tài chính, bảo hiểm; bán buôn, bán lẻ; kinh doanh bất động sản; dịch vụ chuyên môn khoa học và kỹ thuật, CNTT, dịch vụ lưu trú, ăn uống ...

Về mục đích đầu tư, Hàn Quốc đầu tư ra nước ngoài với các mục tiêu tiếp cận thị trường (chiếm 36% mục đích đầu tư); tiết giảm chi phí sản xuất (31%); tiếp cận nguồn nguyên liệu; tiếp cận công nghệ nguồn; tránh rảo cản thương mại và đầu tư kết hợp phát triển thương mại.

Về dòng vốn đầu tư qua các năm, sau khi bắt đầu thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài từ năm 1968, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc cơ bản được chia thành 3 giai đoạn thăng, trầm chính sau (1) sau khi tổ chức Olympics 1988, Chính phủ nới lỏng các quy định về quản lý đầu tư ra nước ngoài và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, làn sóng đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc bắt đầu có sự tặng trưởng mạnh (cùng với năng lực cạnh tranh quốc gia, lớn mạnh của các Chaebol); (2) sau khi Hàn Quốc gia nhập tổ chức OECD và GDP đầu người đạt ngưỡng 10.000 USD vào năm 1995 và giai đoạn tăng trưởng nóng của kinh tế thế giới giai đoạn 1994 - 1997; (3) giai đoạn phát triển nóng của kinh tế thế giới giai đoạn 2004 - 2008. Xen kẽ với 3 giai đoạn trên là 2 thời kỳ trầm lẳng về đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc do khó khăn của thời điểm khủng hoảng kinh tế Đông Á năm 1997 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Nhìn chung, Chính phủ Hàn Quốc không xây dựng những chính sách, định hướng cụ thể cho các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài mà đề Bàn tay vô hình (Invisible hand) tự động điều tiết các hoạt động đầu tư, kinh doanh của khối doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, Chính phủ có xu hướng ủng hộ (thông qua 4 hình thức hỗ trợ nêu phía dưới cũng như một số tác động chính trị hoặc kết hợp đầu tư và cho vay ưu đãi EDCF) các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khai khoáng, sử dụng nhiều năng lượng, đầu tư với mục tiêu tiếp cận thị trường nước sở tại, đầu tư với mục tiêu tiếp cận công nghệ nguồn, hiện đại (thông qua hình thức M&A các công ty thuộc các nước OECD) ... đầu tư ra ngoài ngoài.

Hàn Quốc cũng không khuyến khích doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư ra nước ngoài với mục tiêu sản xuất để xuất khẩu sang các nước thứ 3 để duy trì nguồn thu thuế, việc làm và dịch vụ liên quan trong nước. Tuy nhiên, nhằm khuyến khích và hỗ trợ việc đầu tư ra nước ngoài tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng 4 nhóm chính sách lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ về tài chính (1) Chủ yếu thông qua Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc Korea Eximbank như hỗ trợ cho vay tối đa 90% tổng vốn đăng ký đầu tư đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (2) Tổng công ty bảo hiểm xuất khẩu nhà nước bảo lãnh các khoản đầu tư trực tiếp và gián tiếp; hỗ trợ về thuế và thúc đẩy ký các hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và bảo hộ đầu tư (3) hỗ trợ xúc tiến đầu tư thông qua Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc KOTRA chủ yếu cung cấp thông tin và thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và (4) nới lỏng và đơn giản hóa các quy định về đăng ký đầu tư ra ngước ngoài.

Hoạt động đầu tư vào Việt Nam

Sau 26 năm thực hiện các hoạt động đầu tư vào Việt Nam, xu hướng và mục đích đầu tư của Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng với xu thế đầu tư  ra nước ngoài nói chung của Hàn Quốc. Đến nay, Hàn Quốc là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cả về quy mô với tổng vốn đầu tư và số dự án với tổng vốn đăng ký đạt 36,71 tỷ USD và 4.063 dự án đầu tư còn hiệu lực.

Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng trên 50 vạn lao động và đống góp trên 25% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam năm 2013.

Việt Nam là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 3 của Hàn Quốc sau Mỹ, Trung Quốc (với 3.112 dự án; 18.1 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký và 10,7 tỷ USD vốn giải ngân lũy kế theo thống kê của Ngân hàng Korea Eximbank).

Chính phủ Hàn Quốc nói chung khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài, trong đó coi Việt Nam là một địa bàn đầu tư chiến lược với ưu thế về (1) nguồn lao động cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và lắp ráp (2) thị trường tiêu thụ tiềm năng, có nhiều điểm tương đồng với các sản phẩm Hàn Quốc và tương đối mở - dễ tiếp cận (3) ổn định chính trị và quan hệ chính trị, văn hóa 02 nước liên tục phát triển (4) vị trí địa lý thuận lợi (5) chính sách ưu đãi tương đối cạnh tranh (6) Chiến lược đầu tư China +1 ... so với mặt bằng chung các quốc gia thu hút FDI Hàn Quốc có cùng trình độ phát triển như Indonesia, Sri Lanka, Phillipines, Thái Lan, Cambodia, Myanmar... Các doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm tới Việt Nam thể hiện qua số doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư có xu hướng tăng lên trong những năm qua.

Trong những năm qua, các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc hoạt động tương đối tốt. Hiện nay, khoảng 95% các dự án đầu tư của Hàn Quốc được thực hiện bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (quy mô dưới 500 người, doanh thu dưới 150 triệu USD) chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ. Trong đó, các dự án này chủ yếu tập trung vào các dự án gia công trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ như ngành may mặc, sản xuất giày, dép... Tuy nhiên, thời gian gần đây đã bắt đầu có sự chuyển biến về chất khi xuất nhiều khối doanh nghiệp vệ tinh cho các doanh nghiệp đa quốc gia Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ điện tử ...

Các Tập đoàn lớn của Hàn Quốc tuy chỉ chiếm khoảng 5% số dự án nhưng đạt hơn 70% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; xây dựng, dịch vụ ...  đóng góp tích cực cho ổn định và phát triển kinh tế như Samsung, Doosan, LG, Posco,CJ, Taekwang, Hyosung, ...

Phân theo ngành, Hàn Quốc đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (2.471 dự án, tổng vốn đầu tư 23,649 tỷ USD, chiếm 60,81% tổng vốn đầu tư đăng ký và 63,93% số dự án). Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản (80 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 6,98 tỷ USD, chiếm 19,69 %  tổng vốn đầu tư đăng ký và chỉ 1,9% số dự án). Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng (555 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,395 tỷ USD chiếm 13,66% tổng vốn đăng ký và 6,52 % số dự án).

Từ năm 2009, FDI Hàn Quốc vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng mạnh, từ mức 60% giai đoạn trước lên mức trên 80%. Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, công nghiệp, công nghệ cao chiếm ưu thế so với các dự án công nghiệp nhẹ, thâm dụng lao động trước đây.

Phân theo địa phương, trừ 2 dự án thăm dò, khai thác dầu khí, các nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt ở 49 địa phương của cả nước theo thứ tự: Hà Nội (848 dự án có tổng vốn đăng ký 5,284 tỷ USD);  Thái Nguyên (40 dự án có tổng vốn đăng ký đạt 4,643 tỷ USD); Đồng Nai (307 dự án có tổng vốn đăng ký 4,437 tỷ USD);  TP Hồ Chí Minh (979 dự án có tổng vốn đăng ký 3,954 tỷ USD); Bà Rịa -Vũng Tàu (59 dự án có tổng vốn đăng ký 3,64 tỷ USD); Hải Phòng (61 dự án có tổng vốn đăng ký 2,75 tỷ USD).

Nhìn chung các địa phương có nhiều dự án FDI Hàn Quốc đều có đặc điểm chung nằm tại 2 đầu tàu kinh tế của cả nước quanh 02 đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có lợi thế về hạ tầng giao thông, năng lượng, nguồn nhân lực, logistic, điều kiện sinh sống cho người nước ngoài thuận lợi, thị trường tiêu thụ lớn và tiềm năng...

Về lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, Việt Nam hiện có 24 dự án đã đầu tư sang Hàn Quốc với quy mô khiêm tốn, với tổng số vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam là 10,48 triệu USD, đứng thứ 31/63 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Các dự án đều có quy mô nhỏ chủ yếu trên lĩnh vực dịch vụ, thương mại (trung bình mỗi dự án có quy mô 436.666 USD).

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *