Đầu tư 27/06/2014 06:40

Doanh nghiệp nước ngoài đang được “o bế” ?

Theo chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn, trường hợp một doanh nghiệp xin thành lập đặc khu kinh tế từ trước nay không có, nhưng ý tưởng thì không mới.

Động thái này của doanh nghiệp Đài Loan tương đối táo bạo và Chính phủ cần phải xem xét, đánh giá một cách thận trọng để đảm bảo sự công bằng cho mọi doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế.
Liên quan đến việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan) – chủ đầu tư của dự án 9,9 tỷ USD tại khu vực Vũng Áng, vừa trình lên Chính phủ xin thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng đang gây xôn xao dư luận, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright về vấn đề này.
Một doanh nghiệp của Đài Loan vừa đề xuất lên Chính phủ xin thành lập đặc khu kinh tế với nhiều ưu đãi. Vậy từ trước đến nay đã có trường hợp nào mà một doanh nghiệp có thể xin thành lập đặc khu kinh tế chưa, thưa ông?
Trường hợp một doanh nghiệp trực tiếp xin thành lập đặc khu từ trước đến nay không có, nhưng ý tưởng thành lập đặc khu xuất phát từ phía những nhà lập chính sách, tức là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), và từ phía các doanh nghiệp tự vận động cho việc thành lập đặc khu kinh tế thì đã có rồi.
Từ trước đến nay có rất nhiều địa phương đề xuất lên Chính phủ, thông qua Bộ KHĐT xin cơ chế đặc quyền để thành lập các đặc khu kinh tế với nhiều chính sách ưu đãi. Ví dụ như những ưu đãi về thuế, về đất đai, về các luật lệ chính sách và về môi trường kinh doanh... 
Những ý tưởng này đã xuất phát từ phía các doanh nghiệp, nhưng không đi thẳng từ doanh nghiệp lên Chính phủ mà thường trình lên Bộ KHĐT, sau đó Bộ KHĐT mới xem xét, xây dựng đề án tổng thể và trình lên Chính phủ. Một số địa phương cũng tự lập đề án xin thành lập đặc khu kinh tế và trình lên chính phủ. Tất nhiên mọi con đường đều phải có quy trình chính trị, sự tiếp xúc và thương lượng trước để nắm bắt quan điểm và động thái của các lãnh đạo nhằm tìm sự ủng hộ trước. 
Riêng trường hợp Formosa Hà Tĩnh là trường hợp khá mới. Xét về ý tưởng thì không mới, nhưng cách thức tiếp cận thì rất khác biệt và tôi đánh giá là mang tính táo bạo. Rõ ràng, Formosa là một dự án lớn, có vai trò quan trọng đối với đặc khu kinh tế này, cho nên nếu Chính phủ dành cho đặc khu kinh tế này những chính sách ưu đãi cũng tức là đang dành cho Formosa những ưu đãi đó, và như vậy câu chuyện sẽ trở nên khác. 
Tức là ở đây không còn là sự ưu đãi cho một đặc khu kinh tế mà thực ra là đang ưu đãi cho một nhà đầu tư cụ thể. Nếu sau này có thêm những nhà đầu tư khác tham gia vào đặc khu kinh tế thì những nhà đầu tư này cũng có thể được lợi nhưng trước mắt và trên hết thì chính bản thân Formosa mới là người được hưởng lợi trước. Trong trường hợp này thì cách tiếp cận của những nhà hoạch định chính sách phải khác, tức không còn chỉ nhìn nhận ở góc độ ưu đãi cho một đặc khu kinh tế mà là một nhà đầu tư, cụ thể là một nhà đầu tư nước ngoài. 
Theo ông, chúng ta cần phải xem xét cụ thể những vấn đề gì từ việc xin thành lập đặc khu kinh tế của Formosa?
Tôi cho rằng, các đánh giá của Chính phủ phải xuất phát từ lợi ích kinh tế tổng thể. Tức là Chính phủ phải xem những ưu đãi mà bản chất là một dạng nguồn lực đang phân bổ cho một nhóm các địa phương có đặc khu kinh tế hoặc thậm chí là một nhà đầu tư cụ thể nào đó được lấy ra từ đâu ra? Những đặc quyền này không phải tự nhiên có mà phải lấy từ nguồn lực của khu vực này hoặc nhóm đối tượng này để phân bổ cho một khu vực khác hoặc nhóm đối tượng khác. 
Ví dụ như về việc miễn thuế, nếu Chính phủ không giảm thuế thì sẽ có được nguồn thu cho ngân sách. Từ nguồn thu này Chính phủ có thể dùng để tăng chi tiêu cho ai đó hoặc việc gì đó. Bây giờ Chính phủ miễn thuế thì người này sẽ khó có cơ hội được tăng chi, hoặc nếu vẫn cần phải tăng chi cho người này thì Chính phủ sẽ phải lấy đi của người khác, trừ người được miễn thuế. Rõ ràng, lợi ích mà Chính phủ dành cho người này phải được lấy từ người nào đó khác trong xã hội này chứ không phải tự nhiên sinh ra. 
Trong điều kiện doanh nghiệp Nhà nước vẫn giữ vai trò đầu tàu và như vậy sẽ vẫn phải tiếp tục ban ưu đãi thêm chứ rất khó để có thể lấy bớt đi, thì một sự ban ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài sẽ buộc phải lấy đi từ khu vực nào đó khác, thay vì là khu vực DNNN. Ở đây có thể là khu vực doanh nghiệp trong nước. Nếu đây không phải nhìn ở góc độ ban ưu đãi thì ngay cả việc tạo ra một môi trường cạnh không lành mạnh giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước (trừ DNNN) thì cũng đủ để bóp chết khu vực sản xuất trong nước. 
Chúng ta biết rằng, vai trò của Chính phủ là tái phân bổ nguồn lực, nhưng quan trọng nhất là tái phân bổ nguồn lực dựa trên hiệu quả kinh tế và công bằng xã hội. Hiệu quả và công bằng thường có sự đánh đổi, ít nhất là trong ngắn hạn nên điều quan trọng là Chính phủ phải tìm được điểm cân bằng. Nếu Chính phủ chấp nhận lấy nguồn lực từ nhóm đối tượng này để phân bổ cho nhóm đối tượng khác trong khi chiếc bánh vẫn giữ nguyên thì thật khó để nói đến sự công bằng. 
Formosa Hà Tĩnh đã gửi yêu cầu lên Chính phủ, đề xuất thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng và trong đặc khu thành lập ban quản lí, trực thuộc Văn phòng Chính phủ.
Với đặc khu này, Formosa đề xuất một loạt biện pháp ưu đãi như được Chính phủ thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép, được Chính phủ ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh, được vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài, được miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn..., miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu... Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đề xuất được cắt đất để bán lâu dài cho nhân viên.
Một chiếc bánh kem, sau khi đã cắt và mỗi người đã có một phần rồi thì thật khó để dành thêm cho người này mà không lấy đi của người khác. Như vậy, để đánh đổi với sự công bằng này, Chính phủ phải đảm bảo rằng việc tái phân bổ nguồn lực trên phải mang lại hiệu quả kinh tế. Một khi chiếc bánh to hơn thì có thể có người được thêm phần nhiều hơn và người được thêm phần ít hơn nhưng nói chung là mọi người đều có thêm phần. 
Cho nên, khi chúng ta nhìn ở góc độ như vậy có nghĩa là xem xét lợi ích tổng thể của nền kinh tế có tăng thêm hay không? Nói cụ thể trường hợp Formosa là Chính phủ phải đánh giá xem khi Chính phủ trao đặc quyền cho các đặc khu kinh tế này thì liệu chúng có thể tạo ra thêm giá trị kinh tế hay không. Nói một cách kỹ thuật là giá trị hiện tại ròng kinh tế phải dương. 
Tức là lợi ích gì cho bản thân các địa phương có đặc khu kinh tế đó, có nâng cao được năng lực và sức cạnh tranh của địa phương đó không, có tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập bền vững cho  người dân không, có tạo tác động lan tỏa sang các lĩnh vực hay những địa phương lân cận hay không, v.v… Những lợi ích này liệu có lớn hơn chi phí hoặc nguồn lực mà Chính phủ phải bỏ ra hay các đối tượng, nhà đầu tư hoặc địa phương khác phải mất đi khi phải dành nguồn lực cho một địa phương khác hoặc một nhà đầu tư khác?
Tôi cho rằng, Chính phủ phải biện luận một cách rõ ràng và đưa là những luận chứng kinh tế thuyết phục để chứng minh rằng việc ưu đãi sẽ có hiệu quả kinh tế dương, khi đó mới quyết định là nên hay không nên đưa ra những hỗ trợ về chính sách và các ưu đãi liên quan. 
Nếu không cẩn trọng thì không những nguồn lực sẽ không được phân bổ một cách có hiệu quả, mà thậm chí còn tạo ra cơ hội cho lợi ích nhóm, những đặc quyền, đặc lợi được phân phát không rõ ràng, không minh bạch, không có tiêu chí, không thông qua thị trường, không hài hòa giữa các nhóm, v.v… sẽ chỉ tiếp tục bóp chết môi trường cạnh tranh và thu hút đầu tư của chúng ta mà thôi. 
 Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright
Ông vừa đề cập đến sự công bằng, minh bạch trong việc phân bổ nguồn lực. Vậy theo đánh giá của ông, việc phân chia ưu đãi về chính sách đối với các thành phần kinh tế hiện nay có công bằng?
Tôi cho rằng, thông qua việc đề xuất thành lập đặc khu kinh tế của Formosa, Chính phủ phải đặt lại lời giải cho bài toán tối ưu hóa các ưu đãi dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặt nó trong mối liên hệ với các thành phần kinh tế khác, bao gồm các DNNN và các nhà đầu tư trong nước, các doanh nghiệp dân doanh. 
Trong khi các doanh nghiệp trong nước đang rất khó khăn và những chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp và đầu tư trong nước vẫn còn do dự, hoặc chưa thể cứu được hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản mỗi năm. Chính phủ đã không có nhiều giải pháp hữu hiệu để cứu trợ cho doanh nghiệp trong nước, trong khi đối với các doanh nghiệp nước ngoài thì lại xảy ra tình trạng "o bế", ưu đãi. 
Hãy thử phân tích, chúng ta tạm chia nền kinh tế Việt Nam ra làm 3 khu vực: doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Mỗi một khu vực có những đóng góp khác nhau. 
Chẳng hạn, doanh nghiệp Nhà nước đóng góp nhiều về mặt ngân sách. Nguyên nhân là vì các doanh nghiệp Nhà nước ít có động cơ trốn thuế hơn so với hai khu vực còn lại, và mặc dù doanh nghiệp Nhà nước đóng thuế nhiều, nhưng thuế đó lại có bản chất là những đặc quyền mà Chính phủ ban cho khu vực này để rồi sau đó được trích lại cho ngân sách. 
Tuy nhiên, hai yếu tố quan trọng khác là giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho người dân và đóng góp cho xuất khẩu của quốc gia thì các doanh nghiệp Nhà nước lại gần như “lép vế”. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài có đóng góp rất lớn cho xuất khẩu, chiếm đến 60 - 65% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của cả nước, nhưng điểm yếu của họ là không tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động so với khu vực doanh nghiệp trong nước, mặc dù rất nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến Việt Nam là thâm dụng lao động. 
Khu vực còn lại của nền kinh tế là doanh nghiệp trong nước mới chính là khu vực tạo ra rất nhiều việc làm cho người dân, đóng góp cho sự gia tăng thu nhập của người Việt, góp phần cải thiện năng lực kinh doanh tự chủ của đất nước.
Thế nhưng thời gian qua Chính phủ đã không có nhiều giải pháp hữu hiệu cho khu vực này mà thay vào đó là sự tiếp tục ban ưu đãi nhất định dành các doanh nghiệp nước ngoài. Các chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp trong nước dường như mới chỉ nghe nói qua các hô hào và kêu gọi mà không thấy các giải pháp cụ thể được triển khai thực sự, hoặc ở đâu đó cũng có làm nhưng chỉ là làm có chừng mực, không nhiệt huyết. 
Tôi nghĩ rằng, khi chúng ta xem xét đề xuất của Formosa thì cũng cần phải nhìn lại bài toán tổng thể về tái phân bổ nguồn lực của đất nước này, bao gồm cả các ưu đãi được ban phát. Điều này đồng nghĩa với việc phải làm sao để đảm bảo các chính sách ưu đãi phải công bằng đối với mọi thành phần trong nền kinh tế, như đúng phương châm và thông điệp mà Chính phủ đã tuyên bố. Có như vậy thì mới tạo dựng được môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, công bằng và lành mạnh, tạo dựng được niềm tin và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của triệu người dân Việt Nam.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Bộ KHĐT cũng vừa gửi văn bản cho Văn phòng Chính phủ bày tỏ sự không đồng tình với kiến nghị thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng của Formosa Hà Tĩnh. Theo đó, cơ quan này cho rằng đề nghị hình thành Ban quản lý đặc thù trực thuộc Văn phòng Chính phủ là chưa có tiền lệ và không cần thiết. 

Theo Bộ KHĐT, hiện tại dự án Formosa đang được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, các loại thuế, đất đai... áp dụng đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế (bao gồm ưu đãi về thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu; vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được). Các kiến nghị khác của công ty áp dụng cho dự án (bảo hộ ngành thép, kinh doanh tàu lai dắt...) đang được các bộ, ngành xem xét giải quyết.

Đồng thời, Bộ KHĐT cũng kiến nghị đến Thủ tướng cho phép thành lập Tổ công tác liên ngành Trung ương để hỗ trợ dự án Formosa.
 
Theo Duyên Duyên
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *