Đầu tư 10/09/2014 16:31

80% các chương trình trợ giúp DNNVV không có đánh giá kết quả

FICA - Còn khoảng 30% số địa phương chưa phê duyệt và triển khai kế hoạch phát triển DNNVV của tỉnh.

Tại Hội thảo "Đánh giá tình hình thực hiện chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV)" vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 9/9, Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, đến nay, có 8 nhóm trợ giúp DNNVV bao gồm: Trợ giúp tài chính; mặt bằng sản xuất; đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc tiến mở rộng thị trường; tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công; thông tin và tư vấn; trợ giúp phát triển nguồn nhân lực; vườn ươm doanh nghiệp.

Một số nhóm chính sách trợ giúp có quy định cụ thể cho đối tượng DNNVV đã đạt được những kết quả trợ giúp khá rõ như tín dụng, đào tạo, tư vấn, xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kịp thời ban hành các quyết sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt đối tượng DNNVV phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, hiện việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho các DNNVV còn nhiều hạn chế. Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, hơn 80% các chính sách/chương trình trợ giúp DNNVV không có đánh giá kết quả hỗ trợ cho DNNVV. 

Một số chương trình mới dừng ở mức ước tính tỉ lệ DNNVV có thể tham gia hoặc rất chung chung (với giải thích 97% doanh nghiệp là DNNVV nên đa số là DNNVV tham gia), thậm chí có chương trình không thể đánh giá được mức độ tham gia của các doanh nghiệp (sở hữu trí tuệ). Đồng thời thiếu các tiêu chí đánh giá tác động của chính sách/chương trình đến sản xuất, kinh doanh của DNNVV như các chương trình nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới và nâng cao năng lực công nghệ, sở hữu trí tuệ, tư vấn thị trường, đào tạo nghề.

Các chính sách, chương trình trợ giúp DNNVV hiện đang được thực hiện rời rạc, manh mún và dàn trải. Trong khi đó đối với một doanh nghiệp, muốn phát triển bền vững thì phải có cả yếu tố nguồn lực, tài chính, trình độ công nghệ, khả năng tiếp cận thông tin thị trường, hiểu biết pháp lý... nên cần có sự hỗ trợ mang tính tổng thể của Nhà nước. 

Vì vậy, mặc dù hàng năm Chính phủ đã bố trí nguồn lực để hỗ trợ cho DNNVV nhưng hiện nay không thể đo lường được hiệu quả thực hiện cũng như đánh giá tác động rõ rệt đối với các doanh nghiệp. Nhiều DNNVV phản ánh không biết hoặc không tiếp cận được với chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Một số cho rằng các chính sách và chương trình trợ giúp chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, thủ tục tham gia phức tạp và không có hướng dẫn cụ thể.

Theo Cục phát triển doanh nghiệp, còn khoảng 30% số địa phương chưa phê duyệt và triển khai kế hoạch phát triển DNNVV của tỉnh cũng như chưa có báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời tổng hợp và tháo gỡ các kiến nghị, khó khăn.

Bên cạnh những yếu tố khách quan và liên quan đến hoạt động triển khai không đồng bộ của cơ quan nhà nước thì còn phải kể đến những yếu kém xuất phát từ nội tại DNNVV. 

Theo đó, thông tin về doanh nghiệp không đầy đủ, độ tin cậy không cao đặc biệt các thông tin về tài chính của doanh nghiệp đã gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, trợ giúp cho DNNVV (thuế, tín dụng…). 

Bên cạnh đó, năng lực và tầm nhìn của DNNVV còn hạn chế. Hầu hết các DNNVV chưa có chiến lược phát triển dài hạn. Do đó, nhận thức và mức độ quan tâm của các DNNVV tới các chương trình trợ giúp về đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh còn thấp.

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *