Thời sự 25/12/2018 14:08

Chính phủ dùng 42.850 tỷ đồng chi trả nợ nước ngoài năm 2018

Bộ Tài chính cho biết, công tác trả nợ nước ngoài năm 2018 được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng hạn. Tổng trị giá chi trả nợ nước ngoài năm 2018 của Chính phủ là 42.850 tỷ đồng.

 

Thông tin tại một hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và chương trình công tác năm 2019 diễn ra mới đây,  bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN) cho biết, năm 2018, Cục đã chủ trì đàm phán ký kết 14 hiệp đinh vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với tổng trị giá 1.25 tỷ USD.

Theo bà Thảo, công tác trả nợ nước ngoài năm 2018 được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng hạn. Tổng trị giá chi trả nợ nước ngoài năm 2018 của Chính phủ là 42.850 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2018, các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội cho phép và thấp hơn dự kiến trong kế hoạch tài chính trung hạn. Theo đó, nợ công của Việt Nam dự kiến bằng 61,1% GDP.

Bà Thảo cũng cho biết, công tác xếp hạng tín nhiệm đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Kết quả đáng chú ý trong là năm 2018, lần đầu tiên, 2 trong số 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn của quốc tế là Moody’s và Fitch đã liên tiếp quyết định nâng bậc tín nhiệm cho Việt Nam.

"Việc nâng hạng tín nhiệm giúp nâng cao uy tín của quốc gia, đồng thời gia tăng niềm tin của cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam. Bên cạnh đó việc nâng bậc tín nhiệm, chi phí huy động vốn nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp sẽ giảm đi. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam đang giảm dần và có thể sẽ kết thúc vào năm 2019…", bà Thảo cho hay.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã chỉ đạo một số nhiệm vụ mà Cục QLN&TCĐN cần tiếp tục củng cố, rà soát trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Theo đó, Cục QLN&TCĐN cần chủ động trong việc hoạch định chiến lược quản lý nợ của giai đoạn 2021-2030, trong đó phải quan tâm tới kế hoạch vay và trả nợ công giai đoạn 2021-2026 bởi ngay từ bây giờ, Cục đã phải thực hiện việc đàm phán, kí kết các khoản vay nợ. Do vậy, cần phải có định hướng để sau khi đàm phán, kí kết xong, giai đoạn 2021-2026 có nguồn lực giải ngân kịp thời.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho rằng, Cục QLN&TCĐN cũng cần quan tâm tới chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia. Trong năm 2018, nợ Chính phủ và nợ được bảo lãnh Chính phủ đang giảm dần nhưng nợ nước ngoài, tự vay, tự trả của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây.

"Dù Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát vấn đề này nhưng Cục QLN&TCĐN cũng cần quan tâm và phải phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để báo cáo các cấp có thẩm quyền có những chỉ đạo phù hợp", Thứ trưởng yêu cầu.

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *