Thời sự 08/09/2018 18:20

Bùng nổ chiến tranh thương mại: Kích cung là giải pháp căn cơ cho kinh tế Việt Nam

Theo SSI, trong kích cung một hướng đi cần chú trọng xây dựng và phát triển “Đàn Sếu Lớn”, một hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lớn, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Đây sẽ là đầu tàu kéo tăng trưởng thông qua các sản phẩm có thể thay thế được hàng nhập khẩu và/hoặc tiến tới xuất khẩu.

Với độ mở cao, kinh tế Việt Nam khó tránh khỏi tác động bởi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Tăng trưởng công nghiệp điện tử chậm lại

Báo cáo vĩ mô của Công ty chứng khoán SSI cho thấy, trong tháng 8, sản lượng tivi bất ngờ tăng mạnh lên 1,5 triệu chiếc, tăng 28% so với tháng 7 và phá vỡ kỷ lục trước đó là 1,26 triệu chiếc vào tháng 12/2017.

Nhờ tivi, chỉ số công nghiệp điện tử đã có phần khởi sắc với mức tăng 217% so với cùng kỳ, kéo chỉ số chung 8 tháng lên 17,7%. Ngược với tivi, sản lượng điện thoại di động tháng 8 giảm 15,4% và theo đó, tăng trưởng chung 8 tháng âm 2,3%.

Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp điện tử đưa ra bức tranh tích cực, số liệu xuất nhập khẩu linh kiện và thành phẩm điện tử lại không cho thấy sự cải thiện. Tăng trưởng của cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu sản phẩm điện tử và linh kiện đều đang chậm dần trong đó nhập khẩu chỉ tăng 13,7%, mức thấp nhất 19 tháng. Tương tự, tăng trưởng xuất khẩu điện thoại đang ở mức thấp nhất 13 tháng.

Theo nhận xét của SSI, tăng trưởng xuất, nhập khẩu điện thoại có mối liên hệ chặt chẽ với tăng trưởng của ngành công nghiệp điện tử do giá trị sản xuất của điện thoại rất lớn. Ngay cả khi sản xuất tivi có tăng trưởng khả quan thì chỉ số công nghiệp điện tử vẫn bám rất sát với tăng trưởng xuất khẩu điện thoại.

Với tốc độ xuất, nhập khẩu điện thoại đang ở mức tương tự như thời kỳ cuối 2016, đầu 2017, SSI cho rằng, nhiều khả năng chỉ số công nghiệp điện tử trong quý 3 cũng sẽ dao động trong khoảng 16-17%, xấp xỉ quý 2 và thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ 2017 là 25,1%.

Mặc dù vậy, nhìn chung, theo SSI, có thể lạc quan hơn với tăng trưởng của quý 3 do: ngành khai khoáng hưởng lợi từ giá cả hàng hóa;ngành công nghiệp chế biến chế tạo có các động lực tăng trưởng mới giúp bù đắp cho sự giảm sút của điện tử; ngành dịch vụ tăng trưởng ổn định và có thể có cải thiện nhẹ.

Lưu ý rủi ro từ chiến tranh thương mại

Tại báo cáo này, các nhà phân tích từ SSI vẫn tiếp tục nhấn mạnh rủi ro từ chiến tranh thương mại. Do sự đối đầu có tính chiến lược giữa 2 cường quốc, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ khó sớm chấm dứt. Điều này đang đẩy cao rủi ro cho Việt Nam, một quốc gia có độ mở của nền kinh tế rất lớn.

Trong nhiều năm qua dòng tiền nước ngoài, thông qua đầu tư và thị trường xuất khẩu đã là chỗ dựa cho tăng trưởng kinh tế cũng như ổn định vĩ mô của Việt nam. Khi chỗ dựa này yếu đi, Việt nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào nội lực với 2 nhóm giải pháp kích cầu và kích cung.

Trong khi đó, kích cầu ở Việt nam thường chỉ chú trọng vào nới lỏng tiền tệ. Đây là một giải pháp đầy rủi ro và cần hạn chế sử dụng. Thay vào đó cần chú ý tới vào kích cầu tài khóa thông qua tháo gỡ các rào cản pháp lý để khơi thông nhanh nguồn vốn đầu tư phát triển đang bị ách tắc tại Kho bạc nhà nước.

Do dư địa kích cầu không lớn, giải pháp căn cơ để phát triển kinh tế Việt Nam là kích cung. Trước mắt, bảo hộ chính là một giải pháp kích cung nhưng giải pháp này sẽ không hiệu quả nếu doanh nghiệp trong nước chưa đủ sức cạnh tranh.

Chính vì vậy, theo SSI, trong kích cung một hướng đi cần chú trọng xây dựng và phát triển “Đàn Sếu Lớn”, một hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lớn, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Đây sẽ là đầu tàu kéo tăng trưởng thông qua các sản phẩm có thể thay thế được hàng nhập khẩu và/hoặc tiến tới xuất khẩu.

“Trong nguy luôn có cơ, mặc dù chiến tranh thương mại mang đến nhiều rủi ro nhưng đây là cơ hội để Việt Nam củng cố nội lực, thúc đẩy sáng tạo và đổi mới, tạo ra một nền tảng vững chắc để có tăng trưởng cao và bền vững trong tương lai”, báo cáo của SSI kết luận.

Bích Diệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *