Thời sự 30/11/2018 13:29

Bộ KH&ĐT khuyến cáo thận trọng dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam

Theo Bộ KH&ĐT, việc Hoa Kỳ áp thuế với Trung Quốc có thể dẫn tới xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia ổn định hơn. Việt Nam có thể sẽ là ưu tiên khi Trung Quốc chuyển hướng đầu tư, tuy nhiên cần có đối sách thận trọng trong việc cấp phép và kiểm soát đầu tư, đảm bảo có chọn lọc.

Báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 11 tháng năm 2018, Bộ KH&ĐT cho biết, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 16,5 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Tính đến ngày 20/11 năm 2018, cả nước có 2.714 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới là 15,78 tỷ USD, bằng 79,7% so với cùng kỳ năm 2017; có 954 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 7,4 tỷ USD, bằng 92,6% so với cùng kỳ năm 2017. Cũng trong 11 tháng năm 2018, cả nước có 5.882 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 7,6 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2017.

Bộ KH&ĐT cảnh báo vốn của Trung Quốc đổ bộ vào các dự án ở Việt Nam

Tính chung trong 11 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN là 30,8 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo lĩnh vực đầu tư, trong 11 tháng năm 2018 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà ĐTNN với tổng số vốn đạt 14,2 tỷ USD, chiếm 46,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 6,5 tỷ USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,1 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư đăng ký...

Theo đối tác đầu tư, có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là gần 8 tỷ USD, chiếm 25,9% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,8 tỷ USD, chiếm 22,3% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,1 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư...

Đồng thời, tính lũy kế đến ngày 20/11/2018, cả nước có 27.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 337,8tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 188,8 tỷ USD, bằng 55,8% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Theo địa bàn, đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 44,9 tỷ USD (chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Hà Nội với 33 tỷ USD (chiếm 9,7 % tổng vốn đầu tư), Bình Dương với 31,4 tỷ USD (chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư).

Nhận định về xu hướng đầu tư FDI vào Việt Nam trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT đánh giá chính sách thương mại Mỹ - Trung căng thẳng như hiện nay sẽ có khả năng ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới.

Việc Hoa Kỳ áp thuế với Trung Quốc có thể dẫn tới xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia ổn định hơn. Với ưu thế về vị trí địa lý, chính sách, Việt Nam có thể sẽ là ưu tiên khi Trung Quốc chuyển hướng đầu tư.

Theo Bộ KH&ĐT, đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức đối với Việt Nam bởi cùng với xu hướng chuyển dịch đầu tư nêu trên, Việt Nam cần có đối sách thận trọng trong việc cấp phép và kiểm soát đầu tư, đảm bảo có chọn lọc, tránh việc lợi dụng nhằm lẩn tránh thuế hoặc dẫn tới Việt Nam cũng bị áp thuế như đã xảy ra ở ngành thép, ảnh hưởng không chỉ tới các doanh nghiệp đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam mà với cả các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu khác của Việt Nam.

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *