Thời sự 27/12/2013 17:38

Áp dụng Thông tư 02: Lùi, sẽ càng tụt hậu

Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng đề xuất: nếu Thông tư 02 được áp dụng đồng bộ cùng với các cơ chế khác liên quan, thì: một mặt tạo áp lực cho các ngân hàng tích cực xử lý vấn đề tồn tại như nợ xấu, quản trị rủi ro nhưng đồng thời cũng sẽ tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng tăng trưởng lành mạnh hơn.

TCTD lại xin… hoãn

 

Mặc dù còn nửa năm nữa mới đến thời hạn áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN. Nhưng dường như lường đón thách thức khi Thông tư này có hiệu lực, những ngày qua, khá nhiều đại diện NHTM đề xuất NHNN cân nhắc thời điểm áp dụng Thông tư 02, dù nó đã được NHNN cho phép lùi thời gian áp dụng một lần.

 

Tại sao Thông tư 02 lại khiến các ngân hàng dè chừng như vậy. Đó là bởi các quy định khắt khe hơn trong vấn đề phân loại tài sản, mức độ và phương pháp trích lập cũng như quy định sử dụng khoản dự phòng để xử lý rủi ro sẽ tác động đến khả năng TTTD cũng như lợi nhuận của hệ thống ngân hàng. Vì thế, xét phạm vi ảnh hưởng của tín dụng tác động đến tăng trưởng kinh tế khi còn ở giai đoạn khó khăn đầu năm 2013, NHNN đã “nhân nhượng” lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02 đến 1/6/2014 thay vì 1/6/2013.

 


Không nên trì hoãn áp dụng Thông tư 02.

 

Những tháng qua, mặc dù TTTD của các NHTM không đạt mức kỳ vọng, theo đó lợi nhuận và các chỉ tiêu tài chính đều thấp hơn trước đây, nhưng các NHTM vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) để có nguồn xử lý nợ xấu. Theo lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng (NHNN), tổng số nợ xấu đã được xử lý và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 10 tháng đầu năm 2013 là 105,9 nghìn tỷ đồng.

 

Về phía mình, các NHTM cho rằng, theo chu kỳ kinh tế, phải mất ít nhất 3 năm mới trở lại giai đoạn tăng trưởng. Do đó, nếu NHNN chỉ lùi thời gian áp dụng Thông tư đến tháng 6/2014 sản xuất kinh doanh vẫn chưa thoát ra được trạng thái trì trệ. Khi sức khoẻ của ngành Ngân hàng cũng như các DN vẫn chưa hồi phục hoàn toàn thì việc áp quy định của Thông tư 02 sẽ tạo thêm “khó chồng lên khó”.

 

Theo lý giải của lãnh đạo một NHTMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, việc lùi thời gian áp dụng Thông tư 02 đã giúp TCTD gia tăng giải ngân. Nhưng nếu áp dụng Thông tư 02 với những yêu cầu chặt chẽ thì các NHTM sẽ không còn nguồn lực giải ngân nhu cầu vay mới do phải chuyển vốn khả dụng cho kinh doanh sang tăng mức trích lập DPRR của các khoản nợ cũ.

 

Tổng giám đốc MB Lê Công thừa nhận: dù thời hạn áp dụng Thông tư 02 đã được hoãn tới 1/6/2014, nhưng ông vẫn mạnh dạn đề nghị với Thủ tướng và Thống đốc NHNN cân nhắc thêm việc chọn thời điểm áp dụng Thông tư 02 phù hợp hơn.

 

Khó, nhưng có thể áp dụng được

 

Về phía cơ quan tham mưu của NHNN, Phó chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát NHNN - ông Đặng Văn Thảo bày tỏ quan điểm là không nên tiếp tục trì hoãn áp dụng Thông tư 02, vì đã lùi lại một năm rồi. Mặt khác, theo ông Thảo, nếu không áp dụng chuẩn mực mới thì tiếp tục kéo dài tình trạng ngành Ngân hàng Việt Nam ngày càng “tụt hậu” với quốc tế. Do vậy, với tư cách là cơ quan tham mưu, quan điểm của ông Thảo là vẫn nên áp dụng triệt để vào ngày 1/6/2014. NHNN cũng đã chỉ thị cho cơ quan thanh tra yêu cầu TCTD tự tính toán mức độ, khoản nợ xấu tăng lên cũng như các khoản đầu tư không sinh lời. Trên cơ sở đó, có kế hoạch trích lập DPRR.

 

Một lãnh đạo NHTMCP tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng: mặc dù áp dụng các tiêu chuẩn của Thông tư 02 là rất quan trọng đối với hệ thống Ngân hàng Việt Nam, nhưng không còn tính cấp thiết như trước nữa. Theo vị này, cơ chế giám sát của NHNN hiện đã đủ tốt để thực hiện ngăn chặn, phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm của TCTD yếu kém. “Trong bối cảnh kinh tế cần phục hồi khuyến khích đầu tư, nếu áp dụng những quy định của Thông tư 02 đúng thời hạn 1/6/2014 có thể các NHTM sẽ rất thận trọng khi cho vay mới. Như thế, sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như tăng trưởng của cả nền kinh tế”, vị này nói.

 

Bình luận về vấn đề này, lãnh đạo một số ngân hàng nước ngoài lại cho rằng, việc sớm thực hiện quy định trong Thông tư 02 là cần thiết. Đồng quan điểm, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng đánh giá Thông tư 02 là bước tiến trong quá trình quy chuẩn hóa hệ thống NHTM Việt Nam. Nhưng, cũng theo ông Tùng: “Khi áp Thông tư 02, đương nhiên ảnh hưởng đến các con số tài chính của ngân hàng. Tuy OCB đã có sự chuẩn bị, nhưng nếu Thông tư 02 lùi lại hơn một chút thì có nhiều thời gian chuẩn bị và ngân hàng triển khai tốt hơn”.

 

Còn quan điểm của Phó tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung cho rằng, chúng ta vẫn có thói quen mỗi khi có khó khăn do chính sách mới ban hành lại đề xuất hoãn thời hiệu áp dụng cho dù thấy nội dung rất cần thiết, đúng đắn. Hiện tại bảng tổng kết tài sản của hệ thống ngân hàng đang ở mức quy mô vừa phải thì nên áp dụng sớm, tránh để khi nó đã trở nên quá lớn thì bong bóng tài sản xấu sẽ to lên và nếu vỡ, mức độ ảnh hưởng càng lớn. Do đó, “việc đưa vào quy chuẩn để cho hệ thống NHTM Việt Nam tịnh tiến đạt chuẩn mực quốc tế là điều cần”, ông Trung bày tỏ.

 

Vậy thời điểm nào sẽ là phù hợp để áp dụng Thông tư này để không làm khó ngân hàng, DN và nền kinh tế?

 

Ông Trung cho rằng, thời gian bao nhiêu tùy năng lực quản trị của mỗi ngân hàng. Mặc dù mong muốn được thêm thời gian chuẩn bị, nhưng ngay cả việc xác định thời gian cần hoãn là bao nhiêu thì bản thân chính các ngân hàng cũng chưa thể đưa ra được. Lùi 3 hay 6 tháng? Theo ông Tùng, có thể 6 tháng sẽ giúp ngân hàng rảnh rang hơn, nhưng cũng có thể làm cho họ “lười” hơn.

 

Để đưa ra một con số thời điểm này là rất khó nên ông Tùng cho rằng, với những nhà làm chính sách họ sẽ có sự trao đổi, đánh giá để đưa ra quyết định cho phù hợp. Nhưng ông Tùng đề xuất: nếu Thông tư 02 được áp dụng đồng bộ cùng với các cơ chế khác liên quan, thì: một mặt tạo áp lực cho các ngân hàng tích cực xử lý vấn đề tồn tại như nợ xấu, quản trị rủi ro nhưng đồng thời cũng sẽ tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng tăng trưởng lành mạnh hơn.

 

Ví dụ, hiện nay, trên thực tế, những NHTM đã bán nợ xấu cho VAMC nhưng họ vẫn phải cắt cử nhân viên đi thu nợ kèm theo các chi phí có liên quan đến thủ tục đòi nợ. Như vậy, nếu các tiến trình cải tiến được bổ sung khung khổ pháp lý, hình thành cơ chế xử lý tài sản đảm bảo… thì tốc độ xử lý nợ xấu sẽ nhanh hơn.

 

Theo Hà Thành
TBNH

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *