Thời sự 07/03/2014 13:30

"Sáp nhập Southern Bank tăng gánh nặng nợ xấu cho Sacombank"

FICA - Chứng khoán Bản Việt cho rằng, nợ xấu và chi phí dự phòng theo báo cáo của Southern Bank có thể thấp hơn thực tế. Tỷ lệ nợ xấu của Southern Bank tính tới cuối quý III/2013 là 3,79%, tăng so với 3,02% đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

Mặc dù cả Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam (Southern Bank) đều chưa công bố chính thức việc sáp nhập, nhưng gần đây, các lãnh đạo cấp cao của Sacombank khẳng định đã có đề án nhận sáp nhập Southern Bank vào Sacombank. Thương hiệu Southern Bank sẽ biến mất và nhập vào Sacombank. Chi tiết về đề án M&A này có lẽ sẽ được công bố trong vài ngày tới và được đưa ra lấy ý kiến cổ đông tại Đại hội thường niên sắp tới của 2 ngân hàng.

Trước thông tin này, nhiều nhà đầu tư cho rằng Southern Bank sẽ là đơn vị hưởng lợi vì đây là một ngân hàng quy mô nhỏ với vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, số nhân viên bằng 1/3 và mạng lưới chi nhanh bằng 1/4 của Sacombank. Kết quả hoạt động kinh doanh gần đây của Southern Bank kém khả quan với nợ xấu tăng, đặc biệt là nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn lên tới gần 1.000 tỷ đồng tại thời điểm quý III/2013, lợi nhuận liên tục giảm và tăng trưởng tín dụng âm.

Nhận định về thông tin sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, chứng khoán Bản Việt trong báo cáo ngày hôm qua cho rằng thương vụ này vẫn có những mặt tích cực nhất định. Đó là Sacombank nhanh chóng mở rộng hệ thống các chi nhánh từ 416 điểm giao dịch, lớn thứ 3 toàn hệ thống lên 558 điểm giao dịch (so với 688 của BIDV và 391 của Vietcombank).

Tổng tài sản của Sacombank sẽ tăng thêm 46%, cải thiện tính minh bạch trong việc giảm tình trạng sở hữu chéo và giao dịch của các bên có liên quan. Theo báo cáo quản trị năm 2013 của hai ngân hàng trên, gia đình Phó Chủ tịch Sacombank - ông Trầm Bê hiện sở hữu 6,78% vốn tại ngân hàng này và 20,81% cổ phần tại Southern Bank. Báo cáo của Bản Việt cho rằng, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn và có quan hệ gia đình của hai ngân hàng này lên tới 12% vốn Sacombank.

Về mặt ảnh hưởng, Bản Việt cho rằng thương vụ M&A này sẽ tăng thêm gánh nặng nợ xấu lên Sacombank và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng này do việc kinh doanh của Southern Bank thời gian gần đây diễn biến không tốt.

Tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) của PNB giảm dần từ 2,04% trong năm 2009 xuống 0,83% trong năm 2010, 0,35% trong năm 2011, âm 0,59% trong năm 2012 (lỗ 285 tỷ đồng) và 0,51% trong 9 tháng đầu năm 2013. Do vậy, lợi nhuận ròng từ lãi (NII) tăng 87% trong năm 2009, sau đó giảm 24% trong năm 2010 và giảm 46% trong năm 2011 và chuyển sang lỗ trong năm 2012.

Tuy nhiên, Bản Việt cho rằng con số NIM và NII có thể chưa phản ánh đầy đủ tình hình vì một khoản lớn dưới hình thức các khoản phải thu, có thể được phân loại là “tín dụng”. Vì vậy, nợ xấu và chi phí dự phòng theo báo cáo của Southern Bank có thể thấp hơn thực tế.

Ví dụ, tín dụng của Southern Bank tăng 107% trong năm 2009 và 58% năm 2010, sau đó giảm xuống 13% năm 2011, 23% năm 2012 và âm 0,2% trong 9 tháng đầu năm 2013. 

Trong khi đó, các khoản phải thu tăng 332% trong năm 2011 và 32% trong năm 2012. Các khoản phải thu tổng cộng chiếm đến hơn 50% tín dụng của ngân hàng. Các khoản phải thu tăng đột biến có thể phản ánh việc tránh vượt trần tăng trưởng tín dụng trong năm 2011-2012.

Southern Bank hiện chưa công bố báo cáo tài chính năm 2013 và Bản Việt ước tính ngân hàng này đạt 23 tỷ đồng lợi nhuận ròng sau thuế. Nếu đúng như ước tính này, Southern Bank sẽ báo lỗ hơn 200 tỷ đồng trong quý IV/2013 bởi 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 226 tỷ đồng.

Tóm lại, Bản Việt cho rằng, trong ngắn hạn, nếu xảy ra thương vụ M&A này có thể bất lợi hơn là có lợi cho Sacombank. Tuy nhiên, trong dài hạn, đơn vị này cho rằng Sacombank sẽ xử lý được vấn đề nợ xấu và tận dụng được hệ thống chi nhánh cho lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.

Lam Thanh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *