Thời sự 22/01/2015 18:44

“Mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm tới 1% trong 2015”

FICA - Hiện mặt bằng lãi suất đã xuống khá thấp và sát với kỳ vọng lạm phát trong năm 2015, do vậy BVSC cho rằng lãi suất huy động sẽ không còn nhiều dư địa để tiếp tục giảm mạnh trong năm 2015. Tuy vậy, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn có thể được giảm thêm 0,5-1% một cách chọn lọc tùy từng ngân hàng.

CTCK Bảo Việt (BVSC) vừa công bố Báo cáo năm 2014, triển vọng 2015. Tại báo cáo này, BVSC cho biết, trong năm 2014, NHNN đã hai lần có quyết định cắt giảm trần lãi suất huy động.

Lần thứ nhất diễn ra vào ngày 18/3 cho kỳ hạn dưới 6 tháng được giảm từ 7% xuống mức 6%/năm. Lần thứ hai diễn ra vào ngày 29/10 khi trần lãi suất huy động lại được điều chỉnh một lần nữa, từ mức 6% xuống còn 5,5%/năm.

Như vậy, NHNN đã có 9 lần cắt giảm liên tiếp kể từ khi trần lãi suất huy động lần đầu tiên được thiết lập ở mức 14% vào tháng 10/2011.

Theo đó, biểu lãi suất huy động của các ngân hàng cũng đã liên tục được điều chỉnh giảm trong quý II, ổn định trong quý III và lại tiếp tục giảm nhẹ trong quý IV. Tuy nhiên một đặc điểm nổi bật trong năm 2014 là xu hướng giảm lãi suất đã phân hóa rất mạnh trong hệ thống ngân hàng.

Lãi suất không còn cào bằng cho tất cả như trước nữa mà các ngân hàng có quy mô vốn lớn, thanh khoản tốt đã luôn chủ động điều chỉnh biểu lãi suất huy động, thậm chí xuống những mức thấp hơn hẳn mức trần mà NHNN đặt ra. Tiêu biểu trong số này vẫn là bốn NHTM cổ phần gốc quốc doanh và các NHTM cổ phần thuộc tốp đầu.

Tại thời điểm cuối năm 2014, lãi suất huy động của các TCTD phổ biến ở mức dưới 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng khoảng 4-6%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng trở lên khoảng 6-8%/năm.

Song hành cùng diễn biến giảm của lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2014 tiếp tục xu hướng giảm so với năm 2013 (khoảng 2-2,5%). Đây là năm thứ ba liên tiếp, lãi suất có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 7-9%; trung và dài hạn ở mức 10-13%; “trần lãi suất” cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm thêm 2% so với cuối năm 2013, hiện chỉ còn 7%/năm.

Với dự báo lạm phát ở mức quanh 4-5%, BVSC cho rằng, trong năm 2015, chính sách tiền tệ – chính sách tiền tệ sẽ được NHNN điều hành theo hướng thận trọng nhưng linh hoạt. Hiện mặt bằng lãi suất đã xuống khá thấp và sát với kỳ vọng lạm phát trong năm 2015, do vậy BVSC cho rằng lãi suất huy động sẽ không còn nhiều dư địa để tiếp tục giảm mạnh trong năm 2015. Tuy vậy, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn có thể được giảm thêm 0,5-1% một cách chọn lọc tùy từng ngân hàng.

Lợi thế sẽ thuộc về các ngân hàng có lãi suất huy động bình quân thấp nhờ lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn và các ngân hàng đã hạch toán đáng kể nợ xấu nên chi phí dự phòng rủi ro phải trích thêm không còn quá nhiều. Bức tranh phân hóa trong ngành ngân hàng theo đó sẽ ngày càng phân hóa rõ nét.

Nợ xấu có thể tăng mạnh sau thời điểm 1/4/2015

Bên cạnh đó, theo định hướng của NHNN, tăng trưởng tín dụng trong năm 2015 sẽ ở mức từ 13-15%, tăng nhẹ so với mức 12-14% trong năm 2014. Theo đánh giá của BVSC, đây là một mục tiêu tương đối “vừa phải” với sức hấp thụ của nền kinh tế hiện nay, thể hiện sự điều hành thận trọng của NHNN muốn tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất trực tiếp thay vì chảy vào các lĩnh vực tăng trưởng nóng, dễ tạo ra bong bóng.

Về cơ cấu, tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu và bất động sản có thể sẽ là các lĩnh vực dẫn đầu mức tăng trưởng trong năm 2015.

Năm 2015 cũng là thời điểm một loạt các quy định liên quan đến phân loại nợ xấu và xử lý sở hữu chéo có hiệu lực. Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2015, theo một số nội dung của Thông tư 09, các ngân hàng sẽ phải phân loại nợ dựa trên kết quả phân loại nhóm nợ do Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (CIC) cung cấp. Song hành cùng với đó là việc quyết định 780 về việc giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản nợ được cơ cấu lại cũng sẽ chính thức hết hiệu lực vào ngày 1/4/2015.

Theo báo cáo của TCTD, đến cuối tháng 11/2014, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng khoảng 3,8% còn theo đánh giá của cơ quan thanh tra giám sát đánh giá trên cơ sở của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), kết hợp cả định tính định lượng để phục vụ cho công tác điều hành thì tỷ lệ này là 5,3%.

Như vậy là sau thời điểm 01/04/2015, bức tranh nợ xấu ngành ngân hàng nhiều khả năng sẽ trở nên rõ ràng hơn, tỷ lệ nợ xấu theo đó có thể sẽ tăng lên mức cao hơn so với những con số công bố ở trên và sẽ tiếp tục gây áp lực lên KQKD của các ngân hàng một cách rất phân hóa. Tuy vậy, điểm tích cực là cơ quan quản lý nhờ các số liệu xác thực và cụ thể về nợ xấu sẽ có thể đề ra các giải pháp giải quyết nợ xấu hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, BVSC đánh giá, tiến trình tái cơ cấu các TCTD trong năm 2015 sẽ ở mức độ sâu hơn chứ không chỉ dừng ở việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém (NHNN dự kiến sẽ có thêm 6 thương vụ mua bán, sáp nhập trong năm 2015). Đích ngắm của NHNN trong năm nay sẽ tập trung ở vấn đề sở hữu chéo. Đây là những quy định rất quan trọng để kiểm soát một ngân hàng cùng với thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên có “sân sau” của mình trong hoạt động cấp tín dụng, góp vốn mua cổ phần.

Bích Diệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *