Thời sự 04/05/2014 07:12

"Cổ đông Nhà nước chỉ nên sở hữu 15% tại các ngân hàng"

FICA - Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, một trong các giải pháp để xử lý vấn đề của hệ thống ngân hàng hiện nay là giảm được sở hữu Nhà nước tại các ngân hàng thương mại Nhà nước đến một mức có ý nghĩa. Theo ông Tuấn, tỷ lệ này chỉ là 15%.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn

Theo ông, đâu là vấn đề trọng tâm của hệ thống ngân hàng hiện nay?

Bất cập của sở hữu chéo, mà chúng tôi gọi bằng một cụm từ khác là sở hữu chồng chéo, tạo ra rất nhiều hệ lụy mà hiện nay phải giải quyết. Một trong số những hệ lụy đó chính là vấn đề nợ xấu. Nợ xấu đặt lồng ghép trong mối quan hệ với sở hữu chồng chéo nếu chúng ta xử lý được cái này thì có thể xử lý được cái kia và ngược lại.

Nếu chỉ sở hữu nợ xấu để khơi thông mạch máu của nền kinh tế nhưng không giải quyết vấn đề cơ bản đằng sau hệ thống ngân hàng thì hệ lụy tiếp theo theo 5 hay 7 năm nữa sau khi giải quyết vấn đề nợ xấu vẫn là bài toán nợ xấu.

Ngược lại nếu chúng ta xử lý vấn đề căn cơ hơn nhìn từ góc độ bản thân của cấu trúc hệ thống ngân hàng thì vấn đề nợ xấu không những có thể được giải quyết trong ngắn hạn mà nó sẽ tạo ra phân bổ nguồn lực tốt hơn trong trung và dài hạn.

Vì vậy, việc xử lý nút thắt điểm nghẽn sở hữu chồng chéo trong hệ thống ngân hàng là vấn đề trọng tâm của cải cách hệ thống ngân hàng

Hiện nay xử lý hệ thống ngân hàng chỉ mới tập trung vào xử lý các ngân hàng yếu kém, không nhìn tổng thể hệ thốngsau khi đã tái cấu trúc như thế nào. Trên một phương diện nhất định nào đó, tôi nghĩ rằng chúng ta đang dùng chính sở hữu chéo để xử lý nợ xấu chéo và thậm chí bức tranh sở hữu chéo trở lên mờ hơn, phức tạp hơn, rủi ro hơn ngay cả khi trước khi chúng ta xử lý

Vậy thì bài toán đặt ra là hiện nay chúng ta cần phải cải cách các phương diện gì?

Thứ nhất, phải làm sao đó để giảm được xung đột lợi ích bằng cách tách bạch quyền sở hữu và quyền giám sát. Nếu chúng ta không tách bạch được quyền sở hữu và quyền giám sát, đặc biệt tại các ngân hàng TMCP Nhà nước (Cổ đông Nhà nước nắm quyền chi phối) khi Ngân hàng Nhà nước vừa là người sở hữu các ngân hàng này vừa là người thực thi chức năng giám sát.

Việc không tách rời được quyền sở hữu và quyền giám sát sẽ tạo ra nhiều rủi ro mà chúng tôi hay gọi là rủi ro đạo đức.

Thứ hai là giảm tâm lý ỷ lại, tăng kỷ luật của thị trường lên. Để tăng kỷ luật thị trường thì phải xóa được những ngoại lệ trong việc tuân thủ chức năng giám sát. Hiện nay chúng ta áp dụng rất nhiều ngoại lệ và chính tính ngoại lệ đó tạo ra sự vô kỷ luật trong hệ thống ngân hàng

Đó là việc phải xóa bỏ sở hữu Nhà nước, sở hữu của các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong các ngân hàng thương mại. Chúng ta đã có tiến trình thoái vốn ngoài ngành nhưng tiến trình đó đang bị trì hoãn bằng cách này hay cách khác

Thứ 3, tăng cường sức mạnh kiểm soát của thị trường, phải bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông thực sự, giảm được sở hữu Nhà nước trong các ngân hàng thương mại Nhà nước đến một mức có ý nghĩa. Chúng ta đã cổ phần hóa nhưng sở hữu nhà nước vẫn ở mức lớn chính, vì vậy không tăng được chức năng giám sát của thị trường.

Thứ 4 là phải giảm được các hệ lụy tiêu cực từ việc tách các chức năng giám sát của ngân hàng bằng nguồn sở hữu chồng chéo

Hiện nay, có những vi phạm quy định pháp luật rất rõ ràng nhưng chúng ta không xử lý như cá nhân sở hữu hơn 5% hay một nhóm cổ đông liên quan sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một ngân hàng. Vi phạm rất rõ nhưng chúng ta không xử lý chứ không phải chúng ta không có chế tài làm cơ sở cho việc xử lý.

Tiếp theo là việc hoàn thiện các quy định đảm bảo công bằng. Hiện nay thông tư 12 tuân thủ theo Basel 1 đưa ra từ năm 1988 và tiến trình cải cách sửa đổi các thông lệ giám sát dường như rất chậm so với yêu cầu đặt ra và đặc biệt so với sự thay đổi rất nhanh chóng của hệ thống ngân hàng.

Cuối cùng, nhấn mạnh việc tạo lập 1 khuôn khổ pháp lý để tăng cường chức trách giám sát không chỉ ở cơ quan giám sát Ngân hàng Nhà nước mà ở một tầm rộng hơn nó mang tính thích hợp cho việc giám sát là cơ quan giám sát của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia.

Ông nhắc tới việc Nhà nước cần giảm tỷ lệ sở hữu xuống một mức có ý nghĩa, vậy tỷ lệ đó là bao nhiêu?

Ngân hàng Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ cổ phần chi phối trong một số lĩnh vực. Chính phủ đưa ra quan điểm là Nhà nước chỉ nắm giữ các lĩnh vực then chốt như an ninh quốc phòng và lĩnh vực thất bại của thị trường.

Xét theo góc độ này, không có lý do gì mà Nhà nước nắm tỷ lệ chi phối ở các ngân hàng thương mại Nhà nước. Một cách tốt nhất là Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu xuống không còn chi phối trong vấn đề tổ chức và điều hành.

Theo nguyên tắc như cổ đông tư nhân là hiện quy định tỷ lệ sở hữu của cổ đông cá nhân không quá 5% và tỷ lệ sở hữu của cổ đông thể nhân không quá 15%. Nhà nước cũng phải tuân thủ như vậy chứ không thể nói sở hữu tổ chức tư nhân không quá 15% mà sở hữu Nhà nước vẫn sở hữu 70%, 80% và thậm chí 90%. Cho nên, theo tôi, tỷ lệ sở hứu có ý nghĩa ở đây là 15%.

Việc sở hữu lượng cổ phần chi phối giúp Ngân hàng Nhà nước thực hiện một số chính sách tiền tệ, chẳng hạn như các gói vay ưu đãi, qua hệ thống các ngân hàng thương mại Nhà nước. Việc Nhà nước chỉ nắm tỷ lệ sở hữu thấp như ông kiến nghị thì Ngân hàng Nhà nước có mất đi sự chủ động trong việc điều hành chính sách?

Sở hữu chéo không nhất thiết xấu, mà có cái tốt, cái xấu nhưng vấn đề là điều kiện. Trong điều kiện thể chế tốt thì tốt, còn trong thể thế tồi thì nó sẽ gây hại.

Như Nhật Bản trong thập niên 50-70 là thời kỳ thực hiện chính sách công nghiệp, nhờ sở hữu chéo đó đã góp phần quan trọng tạo nên sự thành công, như việc liên kết của kagetsu với Maybank đã tạo ra nguồn vốn lớn phân bổ cho các lĩnh vực.

Nhưng ở VN với cấu trúc sở hữu đó nhưng vốn lại không phân bổ cho ngành chế biến chế tạo mà đổ vào chứng khoán, bất động sản.

Do đó, điều cuối cùng vẫn phải là tháo gỡ nút thắt về thể chế.

Chính vì lý do dựa vào chính sách nên nó là cơ chế tồi trong phân bổ nguồn vốn cho nền kinh tế. Ngân hàng tư nhân sẽ biết phân bổ vốn vào khu vực nào có năng suất cao trong giới hạn rủi ro có thể kiểm soát được. Chính việc chỉ định các lĩnh vực nhất định ưu tiên khiến cho hệ thống ngân hàng rủi ro hơn.

Theo ý ông thì việc thị trường hoàn toàn sẽ quyết định việc vận hành hiệu quả nhất cho nền kinh tế?

Thị trường có thất bại của thị trường nên Nhà nước phải nhận dạng ra thất bại tiềm tàng đó để kịp thời sửa chữa. Việc nhận định đó phải dựa trên khung giám sát mà hiện nay bị vô hiệu hóa hoàn toàn kể cả trong hệ thống ngân hàng TMCP và hệ thống ngân hàng Nhà nước.

Chẳng hạn, việc sở hữu chồng chéo hầu như không hề xuất hiện trong hệ thống Ngân hàng TMCP nhưng lại hiện diện rất phổ biến trong hệ thống ngân hàng TMCP. Lý do là các Ngân hàng TMCP Nhà nước không cần sở hữu chồng chéo thì họ vẫn có thể lách được quy định giám sát trong khi các ngân hàng TMCP thì phải sở hữu chồng chéo mới lách được quy định.

Theo ông, để giải quyết việc sở hữu chồng chéo phải giải quyết như thế nào?  Hiện nay Luật có quy định một số cá nhân đang đảm nhiệm các chức vụ sẽ không được bán ra cổ phiếu hoặc việc tăng vốn gặp khó khăn?

Vấn đề không thể nói là không bán được mà bán ở mức giá nào. Còn về vấn đề một giới hạn chuyển nhượng với các thành viên sáng lập, tôi có thể khẳng định là không có. Ngay cả trường hợp có thì chúng ta hoàn toán sửa ngay được quy định đó.

Vấn đề quan trọng nhiều là thể chế và trên hết sự thượng tôn pháp luật.


Lam Thanh thực hiện

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *