Thời sự 03/12/2014 15:54

World Bank "bắt mạch" tình trạng ốm yếu của hệ thống ngân hàng Việt Nam

FICA - Mức độ sở hữu chéo dày đặc với "cấu trúc chưa hiểu rõ được", nút thắt nợ xấu, tình trạng thiếu minh bạch trong các báo cáo...đang là những "điểm đen" của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Báo cáo điểm lại kinh tế Việt Nam 2014 vừa được phát hành, đối với một quốc gia có thu nhập trung bình thấp thì hệ thống tài chính của Việt Nam là lớn, với tổng tài sản lên đến 200% GDP vào năm 2011.

Trong đó, khu vực ngân hàng chi phối hệ thống tài chính, với tổng tài sản tương đương 183% GDP (bao gồm cả hai ngân hàng chính sách) và 92% tài sản của các định chế tài chính.

Dễ bị tác động bởi bất ổn bên ngoài

Mặc dù có quy mô lớn so với chuẩn quốc tế nhưng sự phát triển của hệ thống tài chính trong những năm gần đây có nhiều biến động, phản ánh môi trường bất ổn bên ngoài cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô thất thường.

Tăng trưởng tín dụng có diễn biến thất thường kể từ năm 2006 thể hiện qua việc tín dụng tăng đột ngột rồi giảm mạnh. Trong năm 2007, tín dụng tăng 54%/năm (tương đương 20% GDP) chủ yếu do luồng vốn vào lớn sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vào cuối năm 2008, tín dụng và hoạt động kinh tế đã chậm lại do tác động của khủng hoảng toàn cầu, buộc các cơ quan chức năng phải ứng phó.

Việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ đã gây ra một đợt bùng nổ tín dụng khác vào năm 2009 và 2010, dẫn đến một đợt thắt chặt chính sách và tín dụng giảm mạnh trong năm 2011. Lo ngại về việc có thể đã thắt chặt quá mức trong bối cảnh môi trường toàn cầu suy yếu đã đưa đến một đợt nới lỏng mạnh chính sách khác trong năm 2012 bằng cách cắt giảm lãi suất chính sách và thực hiện một nhóm các biện pháp hành chính.

Tuy nhiên, dù đã nới lỏng chính sách nhưng lần này tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp phản ánh chất lượng bảng cân đối tài sản của các ngân hàng đã suy giảm và đòi hỏi phải giảm tỷ lệ đòn bẩy. Mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô có vẻ đã ổn định kể từ năm 2012 nhưng vẫn cần có một chương trình kết nối chặt chẽ để xử lý các điểm yếu của hệ thống tài chính.

Minh bạch yếu

Cũng theo đánh giá WB, hệ thống ngân hàng Việt Nam có đặc điểm là mức độ sở hữu chéo cao giữa các ngân hàng với nhau và giữa các ngân hàng và doanh nghiệp. Mức độ sở hữu này bao gồm sở hữu các NHTMCP bởi các ngân hàng khác và bởi các tập đoàn kinh tế (gồm cả DNNN) với cấu trúc chưa hiểu rõ được.

Cơ cấu cổ đông phức tạp đã gây ra những quan ngại sâu sắc về xung đột lợi ích và hoạt động cho vay bên có quan hệ/liên quan nhằm tài trợ cho các dự án thiếu minh bạch. Cơ cấu này cũng đã dẫn đến tình trạng phóng đại vốn do cho vay mua cổ phần lẫn nhau và đã tạo điều kiện lách các quy định an toàn như giới hạn tập trung tín dụng.

WB cũng cho rằng, kết quả hoạt động của khu vực ngân hàng đã xấu đi trong những năm gần đây và có lẽ còn kém hơn so với báo cáo. ROA bình quân của tất cả các ngân hàng giảm từ 1,8% năm 2007 xuống  0,5% năm 2012, trong đó con số 0,5% có vẻ là đã bị phóng đại do chất lượng số liệu tài chính còn thấp.

Nói một cách khái quát hơn thì chất lượng số liệu tài chính thấp đã ảnh hưởng đến việc đo lường một cách chính xác hầu hết các chỉ số hiệu quả hoạt động như ROA (lợi nhuận ròng/tài sản), tỷ lệ nợ xấu và các hệ số vốn.

Yếu kém về số liệu bắt nguồn từ một số yếu tố như các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng còn chưa thỏa đáng (bao gồm cả việc phân loại các khoản nợ được tái cơ cấu), định giá tài sản thế chấp không đáng tin cậy và phân loại một số tài sản nhất định là thanh khoản cần đặt dấu hỏi.

Thêm vào đó, còn có những quan ngại về việc xác định giá trị các tài sản phi tín dụng lớn trên bảng cân đối của các ngân hàng, đặc biệt là xác định chưa đầy đủ các khoản đầu tư (một số khoản liên quan đến các nghiệp vụ nhằm báo cáo thấp nợ xấu) và thiếu minh bạch khi báo cáo về các hạng mục khác như các khoản phải thu. Và do tình trạng sở hữu chéo phổ biến nên hoạt động cho vay góp vốn mua cổ phần lẫn nhau cũng là nội dung cần lưu ý.

Tốc độ tái cơ cấu chậm hơn kỳ vọng

Tốc độ tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng chậm hơn so với kỳ vọng, đặc biệt là quá trình hợp nhất trong ngành vực ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu 6-7 thương vụ Mua lại & Sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng trong năm 2014 và giảm 50% số lượng ngân hàng thương mại trong vòng 3 năm tới. Song trong năm nay vẫn chưa có thương vụ M&A mới nào.

Công tác xử lý nợ xấu trong hệ thống vẫn là vấn đề quan ngại chính cho dù các cơ quan chức năng đã áp dụng phương pháp xử lý nợ “đa chiều”. Vào tháng 9/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông báo giá trị nợ xấu xử lý đạt 249 nghìn tỷ đồng so với con số 464 nghìn tỷ đồng tại thời điểm tháng 9/2012.

Kể từ khi thành lập vào tháng 7 năm 2013 tới nay Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) đã mua lại khối lượng nợ xấu đáng kể (khoảng 90 nghìn tỷ đồng hay xấp xỉ 4,2 tỷ đô la). Tuy nhiên, VAMC vẫn chưa đưa ra được một chiến lược rõ ràng và khả thi để giải quyết số nợ xấu đã mua một cách hiệu quả.

Mặt khác, nỗ lực của VAMC trong hoạt động xử lý nợ còn đang bị cản trở do thiếu khung pháp lý liên quan tới phá sản và sở hữu tài sản nhằm bảo vệ VAMC và các ngân hàng thương mại tránh khỏi những kiện tụng pháp lý trong trường hợp gây ra tổn thất tiềm ẩn cho Nhà nước khi chưa thể thiết lập một cơ chế thị trường xử lý nợ xấu rõ ràng.

Câu hỏi về quy mô nợ xấu thực tế vẫn chưa được giải đáp triệt để mặc dù Thông tư số 02 và 09 về phân loại và dự phòng tổn thất nợ vay ra đời là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, hiệu lực thực thi đầy đủ Thông tư số 02 đã hoãn lại tới tháng 4/2015.

Bích Diệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *