Thời sự 25/08/2014 07:31

Vay vốn tín chấp: Tiền sẽ lại chọn tập đoàn, DNNN?

Dù NHNN yêu cầu các NHTM nới lỏng tín dụng bằng cách cho vay tín chấp, song xem ra các doanh nghiệp tư nhân khó mà đáp ứng đủ điều kiện.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) khẳng định: "Tín chấp thì cũng phải có tiêu chí. Các NHTM đều phải có tiêu chí riêng để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn".

 

Món "xương gà chiên bơ"?

 

Dù đã bước qua 6 tháng đầu năm song tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 3,52%. Đây được xem là mức tăng trưởng thấp so với mục tiêu đề ra của cả năm 2014 là 12-14%.

 

Để đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng lên cao hơn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) nới lỏng tín dụng bằng cách xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (DN). Điều kiện mà DN có thể vay tín chấp dựa vào tiêu chí đánh giá dòng tiền và hiệu quả của các dự án.

 

Không ít doanh nghiệp khấp khởi mừng khi chính sách này được đưa ra, song cũng có nhiều người cho rằng rồi cũng như món "xương gà chiên bơ" của gói hỗ trợ bất động sản 30.000 tỉ.

 

Trong vai một doanh nghiệp tư nhân đi hỏi thủ tục vay vốn mà không có tài sản đảm bảo, phóng viên Đất Việt được nhân viên tư vấn của Ngân hàng ACB giới thiệu một loạt điều kiện để được cấp vốn.

 

Theo đó, nhân viên này cho biết, doanh nghiệp để được cấp tín dụng theo hình thức tín chấp cũng có nhưng tương đối nhiều...điều kiện. Trước hết vốn điều lệ phải là 100 tỷ đồng trở lên. Ngoài ra có một hướng nữa là doanh nghiệp có thể lập tài khoản của ngân hàng và dòng tiền mỗi tháng chuyển qua tài khoản này khoảng 5-10 tỷ đồng. Khi đó ngân hàng sẽ cấp hạn mức chi tối đa 10% doanh số báo có trên tài khoản.

 

"Ngoài ra cũng tùy theo mức độ hoạt động của doanh nghiệp có thể có ngoại lệ", nhân viên này cho biết.

 

Còn tại Ngân hàng Techcombank, nhân viên giao dịch cho biết ngân hàng không triển khai gói vay tín chấp cho doanh nghiệp!

 

Theo ông Nguyễn Thanh Toại, việc triển khai cho doanh nghiệp vay vốn bằng hình thức tín chấp đã được nhiều ngân hàng triển khai từ lâu. Nay NHNN muốn đẩy mạnh hơn, song để các doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện cũng không phải đơn giản.

 

"Doanh nghiệp được vay cũng phải đáp ứng 4-5 trang giấy A4 quy định về các điều kiện thì mới được vay. Các Ngân hàng thương mại cũng sẽ phải có tiêu chí riêng để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn", ông Toại nói.

 

Nhìn vào các điều kiện yêu cầu các doanh nghiệp vay vốn phải đảm bảo như: thanh khoản tốt, thị trường rộng, thị phần cao, khả năng sinh lời lớn… Song song đó, DN cần đảm bảo báo cáo tài chính minh bạch 2 - 3 năm, đòn bẩy tài chính khả quan, tín nhiệm cao, đảm bảo trả được nợ… cộng với các điều kiện về vốn điều lệ.

 

Một chuyên gia kinh tế khẳng định: Chỉ có các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước mới đảm bảo được các tiêu chí này.

 

"Các doanh nghiệp vừa và nhỏ mấy năm qua hút chết vì điều kiện khó khăn, không tiếp cận được nguồn vốn và càng không có ai đứng ra đảm bảo trả nợ thì mức độ để chấm điểm uy tín chắc chắn không đạt. Vậy thì lọc ra chỉ có các tập đoàn nhà nước mới đáp ứng được các yêu cầu trên cho dù chưa biết họ có làm ăn và sinh lời thực sự hay không", vị chuyên gia này nói.

 

Việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là không đơn giản
Việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là không đơn giản

Không ngại nợ xấu của tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước?

 

Trước câu hỏi về sự lo ngại đối với vấn đề nợ xấu mà không ít tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước gây ra trước đó, ông Toại cho rằng: "Không có gì đáng ngại và mọi việc vẫn đang vận hành bình thường vì nợ xấu có cách giải quyết của nợ xấu".

 

Song TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cho rằng: Chắc chắn các ngân hàng sẽ phải chọn lọc kỹ lưỡng, kiểm tra chặt chẽ. Nếu hời hợt trong việc cho vay tín chấp rất nguy hiểm vì không những ảnh hưởng đến độ an toàn của thanh khoản mà còn ảnh hưởng đến nợ xấu. Do vậy không phải đơn giản mà nhiều doanh nghiệp "lọt" danh sách được vay.

 

Và như khẳng định của ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc khối khách hàng DN, NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thì: “tín chấp” là tín nhiệm giữa 2 bên, trong khi DN nhỏ, thời gian hoạt động chưa nhiều nên chưa tạo được chữ tín với NH.

 

"Do đó, các DN vừa và nhỏ cần phải có chiến lược hoạt động kinh doanh minh bạch, có thể mở tài khoản NH, thực hiện các giao dịch thông qua tài khoản và hạn chế dùng tiền mặt. Về lâu dài, các NH mới đánh giá độ tín nhiệm của DN để cân nhắc cho vay…", ông Tuấn nói.

 

Như vậy chiểu theo các điều kiện được đặt ra thì những e ngại của vị chuyên gia kinh tế về việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó mà tiếp cận được nguồn vốn bằng hình thức tín chấp là có cơ sở.

 

Theo Phương Nguyên

Đất Việt

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *