Thời sự 01/11/2014 08:43

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Yêu cầu xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém

FICA - Việc sắp xếp, chấn chỉnh trong hệ thống ngân hàng chưa có sự thay đổi lớn về chất, chưa có sự tham gia của các ngân hàng thương mại lớn, có tiềm lực tài chính mạnh trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng nhỏ, yếu kém…

Hôm nay 1/11, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.

Đây là vấn đề “nóng”, bởi việc tái cơ cấu không chỉ đụng chạm đến lợi ích của toàn bộ các ngành kinh tế, các địa phương mà còn liên quan trực tiếp đến đời sống việc làm và thu nhập của đại bộ phận tầng lớp nhân dân. Còn Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Đây là cuộc giám sát tối cao của Quốc hội.

Tiến độ thực hiện tái cơ cấu các DNNN chậm so với yêu cầu

Theo báo cáo giám sát của Ủy Ban Thường vụ của Quốc hội, hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, các cân đối lớn có chuyển biến rõ rệt: Cân đối cung cầu hàng hóa được bảo đảm; Cân đối lương thực tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu an ninh lương thực, đồng thời tăng số lượng xuất khẩu. Cán cân vãng lai, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư liên tục 3 năm liền.

Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, chất lượng nền kinh tế có sự chuyển biến tích cực với việc duy trì tốc độ tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tăng, lạm phát được kiềm chế. Tốc độ tăng trưởng năm 2011: 6,24%; năm 2012: 5,25%; năm 2013: 5,42%, năm 2014 ước đạt 5,8%; năm 2015 dự báo tăng 6,2%. GDP bình quân đầu người năm 2011 là 1.543 USD, năm 2012 là 1.755 USD, năm 2013 là 1.911 USD.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 không đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội (6,5-7%): giai đoạn 2011-2014 tăng trưởng tăng bình quân 5,67%, ước thực hiện 5 năm 2011-2015 là 5,78% . Điều này cho thấy những tồn tại yếu kém nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế…

Cũng theo Ủy ban Thường vụ của Quốc hội, việc giảm nhanh tốc độ tăng vốn đầu tư thời gian qua đặt ra thách thức phải tăng vốn đầu tư toàn xã hội trong hai năm 2014 và 2015 nếu muốn đạt chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm khoảng 33,5% - 35% GDP để tác động tăng trưởng kinh tế cao hơn, tạo việc làm nhiều hơn.

Về việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong 3 năm 2011-2013, cả nước đã sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp  với số cổ phần chào bán giá trị gần 19 nghìn tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2014, đã tiếp tục sắp xếp 92 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa (CPH) 71 doanh nghiệp, giải thể 2 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp, sáp nhập 15 doanh nghiệp và đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp. Theo kế hoạch đến cuối năm 2014 sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa và cuối quý III/2015 toàn bộ các doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa để tiến hành bán cổ phần lần đầu . Bên cạnh hình thức CPH, trong giai đoạn 2011-2013 cũng đã có 81 doanh nghiệp cũng được thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác.

Theo báo cáo, có gần 22.000 tỷ đồng các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính cần thoái vốn thì số vốn đã thực hiện thoái vốn trong 7 tháng đầu năm 2014 đã gấp 3 lần so với năm 2013. Nhìn chung, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tiếp tục nắm thị phần lớn, tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính, góp phần vào ổn định kinh tế-xã hội, ngăn chặn suy giảm. Tỷ trọng đóng góp vào GDP của các DNNN đạt mức 34,72% (năm 2009) và đạt 32,4% (năm 2013).

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ, tiến độ thực hiện tái cơ cấu các DNNN chậm so với yêu cầu, chưa có chuyển biến mang tính đột phá, nhất là phân bổ lại nguồn lực hiện có và phương thức quản trị doanh nghiệp hiện đại phù hợp và xu hướng cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường. Việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN có tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước tại các doanh nghiệp trên 51% vốn điều lệ, không thuộc diện Nhà nước cần chi phối còn chậm, nhất là tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Tái cơ cấu ngành ngân hàng: Chưa có sự tham gia của các ngân hàng lớn

Về thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, báo cáo cho hay: Trong vòng 15 năm trở lại đây, nước ta đã tiến hành 3 lần thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, một lĩnh vực rất nhạy cảm với thị trường, xã hội: giai đoạn sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 từ năm 1998 đến 2003; giai đoạn bắt đầu gia nhập Tổ chức thương mại thế giới 2005-2008; giai đoạn cơ cấu lại nền kinh tế 2011-2015.

Tuy nhiên, việc tái cơ cấu các gắn vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong tái cơ cấu rất quan trọng nhưng còn thiếu quyền hạn xử lý, hiệu quả còn hạn chế. Các giải pháp được triển khai trong thời gian qua chủ yếu là tổ chức tín dụng (TCTD) tự xử lý nợ xấu, đã làm giảm mức độ năng lực tài chính, hiệu quả kinh doanh của TCTD trong ngắn hạn.

“Đến nay, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD Việt Nam thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số NHTM cổ phần không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng TCTD nói riêng cũng như toàn hệ thống TCTD nói chung, gây cản trở đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD”, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội nhận xét.

Đặc biệt, các giải pháp vừa qua về sắp xếp, chấn chỉnh trong hệ thống ngân hàng chưa có sự thay đổi lớn về chất, chưa có sự tham gia của các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn, có tiềm lực tài chính mạnh trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng nhỏ, yếu kém. Thực tế trong 15 năm qua, nước ta đã thực hiện ba lần tái cơ cấu chỉ ra hạn chế đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là việc cấp phép thành lập các ngân hàng mới và chuyển đổi loại hình. Sự phát triển nhanh về số lượng các NHTM, chuyển đổi các NHTM cổ phần nông thôn lên NHTM cổ phần đô thị chưa thực sự gắn kết với việc đánh giá chất lượng quản trị ngân hàng (vốn chủ sở hữu, trình độ, chuẩn mực và công nghệ quản trị), tạo sự bất ổn, mất an toàn cho hoạt động ngân hàng.

Trước những tồn tại trên, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội kiến nghị phải “xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% tổng dư nợ. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế hoạt động cho Công ty quản lý tài sản của tổ chức tín dụng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với tổ chức tín dụng, giám sát chặt chẽ, thực chất sở hữu chéo, đầu tư chéo để xử lý kịp thời các vi phạm và ngăn chặn rủi ro phát sinh”.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *