Doanh nghiệp 23/04/2014 09:35

Vietcombank: Trả cổ phiếu thưởng 15%, chuẩn bị kế hoạch M&A

FICA - Cổ phiếu thưởng sẽ được phân phối cho cổ đông, nâng vốn điều lệ từ 23.174 tỷ đồng lên 26.650 tỷ đồng.

Sáng 23/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 7.

Báo cáo tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hòa Bình cho biết, tính đến cuối năm 2013, hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh của Vietcombank đã được hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch, Các chỉ tiêu an toàn hoạt động được đảm bảo, bọ máy kiểm toán, kiểm tra kiểm soát được củng cố và tăng cường.

Tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2013 đạt 469 nghìn tỷ đồng, tăng 13,15% so với cuối năm 2012, vượt tăng trưởng kế hoạch (9%); Lợi nhuận hợp nhất năm 2013 đạt 5.743 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2012 do lãi suất giảm mạnh, chi phí dự phòng rủi ro tăng...

Huy động vốn từ nền kinh tế đạt 340,3 nghìn tỷ đồng, tăng 11,98%; Dư nợ cho vay đạt 274,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13.74%, vượt chỉ tiêu kế hoạch và cao hơn mức trung bình toàn ngành; Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,73%, thấp hơn so với kế hoạch 3% và thấp hơn tỷ lệ nợ xấu toàn ngành.

Trong năm 2014, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.500 tỷ đồng trên cơ sở đảm bảo trích lập dự phòng rủi ro tín dụng ở mức 5.000 tỷ đồng; Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động vốn ở mức 13%; Khống chế tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Ngân hàng này dự kiến mở thêm 16 chi nhánh trong năm 2014 và tăng thêm gần 1.000 nhân sự.

Theo Tổng Giám đốc Nghiêm Xuân Thành, trong năm 2014, Vietcombank sẽ tiếp tục xây dựng đề án thành lập công ty tín dụng tiêu dùng; nghiên cứu chuẩn bị điều kiện cho mở chi nhánh ở Myanmar, Lào; Triển khai thành lập công ty chi trả kiều hối trong nước.

Chuẩn bị kế hoạch M&A

Đáng lưu ý, trong năm 2014, Vietcombank xem xét phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc sử dụng vốn thặng dư phát hành (khi IPO và bán cổ phần cho đối tác chiến lược) và lợi nhuận chưa chia; thông qua hoạt động M&A khi có điều kiện.

"Vietcombank sẽ nghiên cứu và sẵn sàng tham gia tái cơ cấu, sắp xếp lại các Ngân hàng thương mại cổ phần theo chủ trương của Chính phủ, NHNN, đồng thời cũng góp phần nâng cao vị thế hiện tại của Vietcombank", ông Thành cho biết.

 Trả lời cổ đông về chi tiết kế hoạch sáp nhập với ngân hàng khác, Chủ tịch Nguyễn Hòa Bình cho biết, xu hướng sáp nhập là tất yếu nhưng quá trình tìm kiếm đối tác không thể hoàn toàn theo ý mình và chưa định được thời gian. "Việc sáp nhập chắc chắn sẽ xảy ra và tất yếu phải xảy ra để phát triển. Tuy nhiên hiện về mặt đối tác, cách thức mới chỉ đang ở khâu chuẩn bị", ông Bình nói.

Lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết, để chuẩn bị cho kế hoạch sáp nhập, ngân hàng hiện cũng đã chuẩn bị về mặt nhân sự, vốn và cơ cấu tổ chức.

Thoái vốn ngân hàng, bán 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC

Về việc thoái vốn tại một số tổ chức tín dụng khác, ông Bình cho biết, định hướng của Vietcombank là sẽ thoái vốn tại các ngân hàng yếu kém, còn tại các ngân hàng tốt như Eximbank hay Mbbank thì sẽ giữ lại. "Thời điểm nào rút lui không hoàn toàn do ngân hàng quyết định mà sẽ tùy cơ ứng biến. Tuy nhiên, sẽ lựa chọn sở hữu không nhiều và thoái vốn khi điều kiện cho phép", ông nói.

Về thị phần thanh toán xuất nhập khẩu liên tục giảm sút trong một vài năm gần đây,lãnh đạo Vietcombank cho rằng nguyên nhân là do có nhiều ngân hàng mới gia nhập vào mảng kinh doanh này và đặc biệt là mảng xuất khẩu tăng trưởng mạnh ở các doanh nghiệp FDI - nhóm khách hàng thường lựa chọn ngân hàng nước ngoài.

Đối với con số nợ xấu, đại diện Vietcombank khẳng định, hiện tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank rất thấp so với mặt bằng chung. Nếu phân loại nợ theo Thông tư 09 và Quyết định 493 thì chênh lệch không lớn (chỉ khoảng 1%) nên ngân hàng tự tin tỷ lệ nợ xấu sẽ duy trì dưới 3% ngay cả khi phân loại theo quy định mới. Năm 2014, Vietcombank cũng dự kiến sẽ bán 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.


Tăng 3.476 tỷ đồng vốn điều lệ

Tại Đại hội lần này, Vietcombank trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2014. Theo đó, Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 3.476 tỷ đồng (15% vốn điều lệ) từ 23.174 tỷ đồng lên 26.650 tỷ đồng thông qua phương án phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu.

Nguyên tắc xác định: cổ đông sở hữu 100 cổ phần tại thời điểm chốt danh sách thực hiện quyền sẽ được nhận cổ phiếu thưởng là 15 cổ phần.

Thời điểm thực hiện dự kiến trong quý 2/2014, thời điểm cụ thể ủy quyền cho HĐQT quyết định sau.

Vốn điều lệ tăng thêm theo kế hoạch trên được chuyển từ khoản mục lợi nhuận giữ lại và thặng dư vốn sang khoản mục vốn điều lệ. Vốn chủ sở hữu nói chung sẽ tiếp tục phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh: đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng đầu tư góp vốn, để chuẩn bị cho khả năng M&A khi điều kiện cho phép, mở rộng tín dụng...

Ngoài ra, Vietcombank cũng trình cổ đông tờ trình mức thù lao 0,35% lợi nhuận sau thuế cho HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2014. Tổng thù lao của HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2013 theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên lần thứ 6 là 15,3 tỷ đồng (0,35% lợi nhuận sau thuế), tổng số tiền đã chi đến nay là hơn 8,6 tỷ đồng.

Chuyển đại diện pháp luật

Theo quy định tại Điều lệ hiện nay của Vietcombank thì Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của ngân hàng. Để thống nhất trong công tác quản lý, NHNN đã có công văn yêu cầu người đại diện phần vốn Nhà nước tiến hành các thủ tục liên quan để Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của ngân hàng.

Do đó, tại Đại hội lần này, Vietcombank trình sửa đổi Điều lệ hoạt động. Theo đó, Vietcombank trình cổ đông thông qua sửa đổi quy định Tổng giám đốc là đại diện theo pháp luật của ngân hàng sang Chủ tịch HĐQT.

Theo đó, Chủ tịch HĐQT sẽ có quyền ký kết hợp đồng nhân danh ngân hàng theo quy định. Tổng giám đốc sẽ có quyền ký kết hợp đồng nhân danh ngân hàng theo văn bản ủy quyền của người đại diện pháp luật của ngân hàng.

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *