Thời sự 21/07/2014 13:58

Tại sao Ngân hàng Nhà nước lại tập trung tái cấu trúc ngân hàng cổ phần lớn?

Trong bối cảnh thanh khoản, tài chính của hệ thống ổn định, việc Thống đốc đặt ra vấn đề tái cấu trúc các ngân hàng TMCP lớn do nguyên nhân nào?

Tại hội nghị sơ kết ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2014, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, 6 tháng cuối năm sẽ tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) lớn, thay vì chỉ tái cấu trúc ngân hàng TMCP nhỏ như thời gian vừa qua.
 

Trong bối cảnh thanh khoản, tài chính của hệ thống ổn định, việc Thống đốc đặt ra vấn đề tái cấu trúc các ngân hàng TMCP lớn do nguyên nhân nào?

6 tháng đầu năm 2014, vốn chủ sở hữu của các TCTD tăng trên 3%, trong đó, vốn điều lệ tăng khoảng 2,2% 

Thanh khoản dồi dào, rủi ro thấp

Một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, 6 tháng đầu năm, hoạt động của các TCTD tiếp tục được đảm bảo an toàn và tăng trưởng để hỗ trợ cho nền kinh tế. Cụ thể, vốn chủ sở hữu của các TCTD tiếp tục tăng lên, góp phần tăng cường năng lực tài chính và khả năng chống đỡ rủi ro. Trong 6 tháng đầu năm 2014, vốn chủ sở hữu của các TCTD tăng trên 3%, trong đó, vốn điều lệ tăng khoảng 2,2%; tỷ lệ an toàn vốn ổn định ở mức trên 13%.

Bên cạnh đó, thanh khoản của các TCTD dồi dào và rủi ro thanh khoản ở mức thấp. Tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng/huy động vốn từ thị trường 1 liên tục giảm, từ 91,91% (cuối tháng 12/2013) xuống 89,05% (cuối tháng 6/2014), do tín dụng tăng chậm hơn so với huy động vốn. Các tài sản có tính thanh khoản cao, đến cuối tháng 5/2014 đã tăng 24,15% so với cuối năm 2013, cao gần gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng trong cả năm 2013.

“Điều này cho thấy dự trữ thanh khoản của hệ thống không ngừng được nâng lên nhờ nguồn vốn huy động dồi dào và việc gia tăng đầu tư vào trái phiếu chính phủ, tín phiếu NHNN”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng nhận định.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết, trong phiên đấu thầu ngày 11/7, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã huy động thành công 5.950 tỷ đồng trên 6.000 tỷ đồng gọi thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) đối với 3 kỳ hạn 2 năm, 3 năm và 5 năm (tỷ lệ trúng thầu gần như tuyệt đối). Lãi suất trúng thầu tiếp tục hạ ở cả 3 kỳ hạn, đặc biệt ở kỳ hạn 2 năm, giảm thêm 0,27%/năm. Hiện giao dịch ở mức thấp kỷ lục: 5,37%/năm; 5,89%/năm và 6,94%/năm cho các kỳ hạn 2 năm, 3 năm và 5 năm. Nhu cầu mua TPCP ở mức rất cao, thể hiện qua khối lượng dự thầu cao gần gấp 4 lần khối lượng gọi thầu, số thành viên tham dự khá đông khoảng 15 - 16 thành viên.

Ngoài ra, nhu cầu vay trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm. Tính đến cuối tháng 6/2014, dư nợ huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng giảm 5,28% so với cuối năm 2013. Tỷ trọng tiền gửi tiết kiệm trong tổng huy động vốn thị trường 1 đang ở mức khá cao và tiếp tục tăng từ 52,3% (cuối năm 2013) lên 58,95% (cuối tháng 6/2014). Điều này cho thấy, cơ cấu nguồn vốn của các TCTD tiếp tục cải thiện theo chiều hướng ổn định.

“Đặc biệt, tỷ lệ khả năng thanh toán ngay tăng từ xấp xỉ 23% (cuối tháng 12/2013) lên gần 26% (cuối tháng 6/2014) và hầu hết các TCTD đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ về khả năng chi trả theo quy định”, vị lãnh đạo NHNN trên cho biết.

Câu chuyện về năng lực quản trị, quản lý ngân hàng

Một chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, đối với các ngân hàng Việt Nam, tái cấu trúc thường bắt đầu từ vấn đề tổ chức hoạt động, vận hành và quản trị, bởi không phù hợp với thông lệ quốc tế. Chẳng hạn, câu chuyện liên quan đến việc vận hành của HĐQT, đây là cơ quan đầu não, mang tính định hướng cho doanh nghiệp, chứ không tham gia quản lý, việc quản lý là công việc của ban điều hành. Tuy nhiên, các ngân hàng tại Việt Nam lại chưa phân định rõ ràng hai khái niệm này, nên HĐQT vẫn can thiệp trực tiếp vào điều hành.

“Từ năm 2012, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo Thẻ điểm quản trị công ty Việt Nam năm 2012 cho thấy, không doanh nghiệp nào đạt kết quả đáng hài lòng, vì toàn bộ điểm quản trị công ty đều ở dưới mức 60% và điểm bình quân của các DN chỉ đạt 42,5%. Đến bây giờ, tình hình này vẫn chưa khả quan hơn”, vị chuyên gia kinh tế trên nói.

Theo Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP, một số ngân hàng TMCP lớn hiện vẫn còn tồn tại các sai phạm trong việc huy động vốn như quy định về trần lãi suất, khiến nguy cơ bị lợi dụng, trục lợi chênh lệch lãi suất là không nhỏ, mà nguyên nhân xuất phát từ việc nguyên tắc thị trường không được tôn trọng, hệ thống quản trị yếu kém; sai phạm trong hoạt động tín dụng như thẩm định, xét duyệt cho vay sơ sài, thiếu chặt chẽ, vượt giới hạn cấp tín dụng theo quy định; vi phạm các quy định cho vay người có liên quan; thiếu kiểm tra, giám sát sử dụng tiền vay, khách hàng vay vốn sử dụng vốn sai mục đích…

“Các ngân hàng vẫn chưa rạch ròi quan điểm, chức năng, nhiệm vụ quản trị và quản lý, cơ cấu tổ chức khá nhiêu khê. Việc quản lý rủi ro chưa được quan tâm đúng mực, dẫn đến việc nhiều ông chủ ngân hàng đã dành phần lớn số vốn huy động trung dài hạn (thậm chí, tại không ít ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn) tập trung cho các dự án lớn của họ”, vị Tổng giám đốc trên thừa nhận.

Phó tổng giám đốc một công ty kiểm toán cho biết, NHNN đã gửi công văn yêu cầu tới 22 TCTD ký hợp đồng kiểm toán với các công ty kiểm toán nhằm thực hiện kiểm toán độc lập chất lượng tín dụng.

Báo cáo về triển vọng khu vực ngân hàng Việt Nam năm 2014, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s đánh giá, các ngân hàng Việt Nam tiếp tục đối diện với những thách thức về chất lượng tài sản, lợi nhuận thấp và năng lực về vốn còn yếu, nếu không cải thiện được những vấn đề này, mức tín nhiệm đối với các ngân hàng có thể giảm xuống.

Đánh giá về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, năng lực quản trị, quản lý là một trong những lý do chính khiến câu chuyện tái cơ cấu không chỉ còn ở các ngân hàng TMCP nhỏ, mà cả những ngân hàng TMCP lớn sắp tới cũng sẽ sáp nhập với nhau. Điều này phù hợp với tuyên bố của Thống đốc NHNN, đến năm 2015, số lượng ngân hàng sẽ giảm còn một nửa, từ 35 ngân hàng xuống còn 14 - 17 ngân hàng”.

Được biết, NHNN đã có tờ trình và Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận về chủ trương phê duyệt phương án cơ cấu lại 3 ngân hàng thương mại nhà nước, bên cạnh đó, tiếp tục đôn đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam khẩn trương triển khai Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Theo Nhuệ Mẫn
ĐTCK
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *