Thời sự 02/08/2014 14:18

Phải xử lý sạch tài chính trước khi cổ phần hóa

Trả lời báo chí mới đây, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết

Trả lời báo chí mới đây, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết, một trong những điểm “vướng” trong thực hiện cổ phần hóa (CPH) DNNN là ai cũng sợ trách nhiệm khi xử lý tài chính của DN. “Do né tránh nên quá trình CPH mới lâu như vậy!”, ông Tiến nói.

Xử lý tài chính là khâu khó nhất trong CPH DN. Ảnh Internet.

Tránh dồn rủi ro cho nhà đầu tư

Theo ông Đặng Quyết Tiến, việc kiểm kê, xác định công nợ, trích lập dự phòng, xử lý công nợ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là trách nhiệm của DNNN. Tuy nhiên, vấn đề này thường chưa được các DNNN thực hiện tốt, nên nhiều vấn đề tồn tại “treo” lâu, không được giải quyết. Như vậy, trong trường hợp nếu DN không xử lý thì rõ ràng những khoản nợ đó vẫn tồn tại và khi DN chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, mang tính đa sở hữu, thì các cổ đông mới sẽ không nhận, vì nếu nhận thì cổ đông sẽ phải hứng chịu những rủi ro.

Do đó, theo ông Tiến, để đảm bảo cho việc chuyển giao tài sản khi CPH thành công và đúng theo luật, nhất thiết DN phải xử lý sạch tài chính trước khi CPH.

Theo yêu cầu của Chính phủ, tại thời điểm chuẩn bị CPH, trước khi chốt thời điểm để xác định giá trị DN, DN phải kiểm kê, xác định và xử lý tất cả các tồn tại, để tìm giá trị thực của DN, sau đó mới bán cổ phần cho nhà đầu tư khác.

Trên thực tế có một số DNNN sau CPH, chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, hoạt động kém hiệu quả, trong đó nguyên nhân chính là vì DN không xử lý hết những tồn tại về tài chính.

Để giải quyết vấn đề này, điều cốt lõi là kiểm điểm trách nhiệm. “Tuy nhiên, nếu khi xử lý tồn tại của DN mà chúng ta tập trung xử lý tài chính thì sẽ nhanh, còn kiểm điểm trách nhiệm là khâu của chủ sở hữu, chúng ta xử lý sau. Hiện nay trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề xử lý tài chính thì vẫn phải xử lý, còn vấn đề trách nhiệm của ai thì tính sau và sẽ xem xét, có xử lý riêng”, theo ông Tiến.

Sở dĩ làm như vậy là để đảm bảo tiến độ CPH đúng thời điểm, cũng như xác định rõ trách nhiệm cũng như mức đền bù của cá nhân làm thất thoát tài sản Nhà nước theo quy định của pháp luật nếu có.

Đã có khuôn phép

Về lâu dài, để kiểm soát được vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, thời gian tới, trong quá trình CPH DNNN cần phải đảm bảo tính minh bạch. Có nghĩa, DNNN phải có trách nhiệm công bố nợ cũng như những vấn đề chưa xử lý được cho các nhà đầu tư biết, tránh “đẩy qua đẩy lại, người mua cuối cùng phải xử lý”.

“Đối với việc kiểm kê, xác định công nợ, trích lập dự phòng, xử lý công nợ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nay đã theo khuôn phép, cho nên không còn đáng ngại, còn đối với những tồn tại từ những giai đoạn trước để lại thì lãnh đạo DN kế nhiệm phải tiếp tục xử lý”, ông Tiến cho hay.

Chia sẻ thêm với báo chí, vị lãnh đạo Cục Tài chính DN nói: “Kinh nghiệm cho thấy, việc xử lý tài chính rất quan trọng, bởi khi xử lý dứt điểm tồn tại tài chính sẽ bộc lộ ngay những điểm yếu, điểm mạnh của DN. Có những DN mất vốn thì không thể thực hiện CPH, Nhà nước sẽ phải cho phá sản. Nhưng cũng có không ít DN lại có tiềm năng hơn, quy mô vốn lớn hơn do đó sẽ có hướng phát triển tốt hơn!”.

Được biết, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý tài chính khi thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Phương.

Trong đó Phó Thủ tướng cho phép xử lý đối với khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi số tiền 14.978.106.435 đồng. Phó Thủ tướng giao các Bộ Tài chính, Công Thương và Tập đoàn Dệt may Việt Nam hướng dẫn và giám sát Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Phương thực hiện.

Có thể thấy nỗ lực vào cuộc kịp thời từ phía Chính phủ và các bộ, ngành trong xử lý vướng mắc cổ phần hóa DNNN. Chính vì vậy, trả lời phỏng vấn của Báo Hải quan mới đây, đại diện Lãnh đạo Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho rằng, việc thực hiện cổ phần hóa 432 DN đến năm 2015 là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 4-6-2014, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.971 DN, trong đó cổ phần hóa được 4.066 DN. Trong 5 tháng đầu năm 2014 đã cổ phần hóa được 17 DN, trong đó có 13 tổng công ty.

Năm 2013 đã thực hiện sắp xếp được 101 DN. Trong đó: cổ phần hóa: 74 doanh nghiệp, chuyển thành Công ty TNHH một thành viên 12 doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất 12 doanh nghiệp, bán 3 doanh nghiệp. Theo kế hoạch đã phê duyệt, trong 2 năm 2014-2015, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 DN. Dự kiến cả năm 2014 sẽ sắp xếp, cổ phần hóa 174 DN, trong đó cổ phần hóa 163 DN.

Đánh giá chung về tình hình triển khai tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, theo Bộ Tài chính, về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN.

Theo Minh Anh
Hải Quan
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *