Thời sự 25/10/2014 07:59

Nợ công và “vách đá tài chính”

FICA - Năm 2013, nước Mỹ đã phải đối mặt với nguy cơ “vách đá tài chính” trong nền kinh tế, và Chính phủ đứng trước khả năng phải cắt giảm chi tiêu và tăng thuế trên diện rộng.

TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG
Thứ Bảy, 25/10/2014 - 07:20

Nợ công và “vách đá tài chính”

(DĐDN) -  Năm 2013, nước Mỹ đã phải đối mặt với nguy cơ “vách đá tài chính” trong nền kinh tế, và Chính phủ đứng trước khả năng phải cắt giảm chi tiêu và tăng thuế trên diện rộng. Nước Mỹ đã giải quyết được “vách đá tài chính” trong cuộc thương thảo giữa lưỡng Đảng và dẫn đến thỏa hiệp tạm thời nâng trần nợ công.


Nợ công của Việt Nam 10 năm gần đây

Việt Nam, tuy chưa thực sự đối mặt với “vách đá tài chính” khi ngưỡng nợ công hiện tại vẫn còn cách một khoảng ngưỡng nợ công được đặt ra tới 2020. Nhưng tốc độ tăng nợ công “chóng mặt” như lo ngại của các đại biểu Quốc hội đang dẫn kinh tế Việt Nam đến nguy cơ tương tự như nước Mỹ chừng hơn năm trước.

2015 sẽ đụng “vách đá tài chính”?

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc dẫn lại số liệu của Bộ Tài chính, thâm hụt ngân sách không bao gồm chi trả nợ trung bình trong giai đoạn 2003-2007 chỉ chiếm 1,3% GDP, nhưng con số này đã tăng lên gấp đôi với 2,7% GDP vào giai đoạn 2008-2012. Tổng nợ công theo đó cũng có tỷ lệ tăng từ 40% GDP cuối 2007 đến 56,3% GDP vào cuối 2010 và giảm đôi chút vào 54,9% GDP cuối 2011 nhưng lại đã tăng lên 55,4% GDP ở 2012. Đáng chú ý con số cao với tỷ lệ không ngừng tăng này theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế vẫn chưa phản ánh đúng bản chất thâm hụt ngân sách. Điều đó có nghĩa là tổng nợ công cũng sẽ ở một mức cao hơn so với những con số mà Bộ Tài chính đã nêu.

Báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội cập nhật số liệu nợ công năm 2014 ước sẽ khoảng 60,3% GDP và năm 2015 sẽ chạm ngưỡng 64% GDP, sát mức “trần” nợ công 65% GDP quốc gia đã được “thiết lập” cho đến 2020. Như vậy, nợ công thực sự đã gần chạm ngưỡng và việc tiềm ẩn rủi ro khi nền kinh tế và các nhà quản lí phải đối mặt với “vách đá tài chính” là điều đã quá rõ ràng.

Cũng phải nói rõ rằng mặc dù Việt Nam trên thực tế không hề có siêu ủy ban và cũng không có một đạo luật kiểm soát ngân sách theo kiểu BCA của nước Mỹ khiến dẫn đến yếu tố tạo “vách đá tài chính” và đây chỉ là cách nói hình ảnh ví von nguy cơ đụng trần nợ công của Việt Nam, nhưng xét về bản chất, câu chuyện vẫn nằm ở bốn chữ: Nợ công vượt trần. Và gần như ở mọi quốc gia, giải pháp giải quyết “nóng” nợ công vượt trần sẽ thường xoay quanh các yếu tố: Thỏa thuận nâng trần nợ lên thêm; Giảm chi tiêu chính phủ và Tăng thuế để bù đắp thâm hụt ngân sách quốc gia.

Việt Nam có thể sử dụng cách thức như của Mỹ?

Đồng hồ nợ công thế giới đã chỉ rằng số nợ của Việt Nam sắp cán ngưỡng 90 tỉ USD, tức mỗi người VN gánh khoảng 1.000 USD nợ công.


Xét trên các yếu tố cơ bản như đã nêu, khả năng thỏa thuận nâng trần nợ thêm rất khó xảy ra. Bởi có rất nhiều nguyên do mà trước đó Chính phủ và Quốc hội đã đặt trần nợ công tới 2020 là 65% GDP. Cần nhớ 65% GDP so với tỷ lệ nợ công của một vài quốc gia như Mỹ, hay Nhật, không phải là quá lớn, nhưng cấu trúc, bản chất nợ và sự phản ánh con số đúng bản chất số nợ… đã khiến cho dù chúng ta chỉ ở mức nợ 65% GDP, cũng khiến nợ công đã tới mức báo động.

Giảm chi tiêu Chính phủ cũng là trường hợp khó xảy ra khi nợ của ngân sách Nhà nước lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng mà theo Chính phủ, cũng sẽ được tính vào nợ công khi ngân sách Nhà nước không bố trí được nguồn và phải vay từ các nguồn khác để trả nợ. Ngoài ra, tương ứng với các con số nợ công tăng nhanh trong từng năm, số tiền mà nền kinh tế phải gánh để thực thi nghĩa vụ và trả nợ cũng lên tới xấp xỉ 300.000 tỷ đồng. Đây là một con số đáng kể khi nền kinh tế vẫn đang cần huy động mọi nguồn lực để kích hoạt cơ thể phát triển và lấy lại đà tăng trưởng đã có trước đây. “Chia sẻ” nguồn lực đó cho nghĩa vụ nợ là bài toán đau đầu trong tương lai, đặc biệt nếu nợ công tiếp tục duy trì tốc độ tăng như hiện tại.

Có một yếu tố khiến nợ công tăng nhanh tuy không trực tiếp được hạch toán vào nợ quốc gia, là nợ của DN Nhà nước, cũng là khối đang chiếm khoảng 70% khối nợ xấu của hệ thống nhà băng. Tuy rằng không phải khoản nợ nào của Tập đoàn, TCty Nhà nước cũng được tính vào nợ công nhưng với mức độ phát hành trái phiếu vay nợ hoặc trong số các khoản vay có nhiều khoản được Chính phủ đứng ra bảo lãnh hay hỗ trợ khi DN làm ăn thua lỗ, đặc biệt đã làm tăng dư nợ nước ngoài và có nhiều tình huống Nhà nước phải đứng ra thu xếp. Những khoản nợ mà khối DNNN không trả được và nếu DN thua lỗ phá sản thì cơ bản tương lai  cũng sẽ được tính vào ngân sách Nhà nước phải gánh trả. Tức sẽ quay trở lại gây áp lực lên ý chí duy trì nợ công dưới mục tiêu 65% mà tất cả chúng ta đang cố gắng.

Một khi các yếu tố bày ra đều chứa đựng quá nhiều rủi ro, có lẽ một yếu tố cơ bản giúp nền kinh tế đối mặt và vượt qua “vách đá tài chính”  mà không suy chuyển. Nghe thì có vẻ hoang đường nhưng rất cần lại là ý chí. Xin dẫn một ví dụ tưởng chẳng liên quan nhưng rất mật thiết với chuyện ngân sách và mới diễn ra gần đây: Bộ Giáo dục và Đào tạo trước đây đã đề xuất chương trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa và giáo dục phổ thông trị giá 34.000 tỷ đồng. Sau rất nhiều chỉ trích của dư luận, chương trình được rút xuống còn 800 tỷ đồng mà chẳng cơ sở khoa học nào có thể chứng minh vì sao giảm được nhiều đến vậy... Đặt giả thiết nếu bất kì hạng mục đầu tư nào, từ ngân sách quốc gia hiện nay và tương lai, đều được rà soát kĩ lưỡng và rút trị giá với tốc độ chóng mặt như chương trình này, tin rằng Việt Nam sẽ còn lâu mới đụng “vách đá tài chính”!

Theo Nguyễn Lê Ngọc Hoàn
Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Middle Tennessee State University - Mỹ

DĐDN

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *