Thời sự 27/06/2014 15:32

Trái phiếu USD của Việt Nam tốt nhất châu Á bất chấp căng thẳng trên biển Đông

FICA - Các chuyên gia nước ngoài cho rằng, những vấn đề trong mối quan hệ với Trung Quốc không phải là một tiêu chí quan trọng tác động tới quyết định đầu tư trái phiếu USD của Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam hồi phục giúp trái phiếu USD mang lại lợi nhuận tốt nhất châu Á
 
Quý này, các trái phiếu USD của Việt Nam mang lại lợi nhuận tốt nhất châu Á khi các nhà đầu tư toàn cầu đặt cược vào sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam bất chấp những căng thẳng với Trung Quốc trên biển Đông.
 
Theo số liệu của Bank of America Merrill Lynch, thu nhập từ đầu tư trái phiếu USD của Việt Nam đạt 4,2%, cao hơn 14 quốc gia châu Á khác. 
 

Theo HSBC, trái phiếu USD của Việt Nam đã mang lại lợi nhuận 15,49% trong 12 tháng qua, cao hơn bất kỳ quốc gia châu Á nào khác. Trái phiếu của Sri Lanka mang lại khoản lời 15,45%, chứng khoán bằng USD của Singapore là 7,46%, Indonesia là 14,27%, Thái Lan là 8,9% và tại Philippines là 11,8%.

Lợi suất trái phiếu Tập đoàn Vingroup - Công ty CP (mã chứng khoán VIC) giảm 81 điểm cơ bản trong quý này xuống 8,213%. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - CTG) giảm 63 điểm xuống 5,315%. (Lợi suất giảm làm giá trái phiếu tăng, sẽ giúp sẽ đầu tư kiếm được nhiều lợi nhuận hơn).

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết chi phí vay giảm sẽ hỗ trợ kế hoạch bán trái phiếu của ngân hàng này. Ngân hàng có tài sản lớn thứ hai tại Việt Nam chỉ mới vay nợ tại thị trường trong nước, theo Bloomberg. Hiện BIDV đang có khoảng 645 triệu USD trái phiếu và nợ với lãi suất bình quân là 10,45%.

Các nhà quản lý tiền tệ cho rằng căng thẳng về vấn đề Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào Biển Đông sẽ sớm kết thúc và việc khan hiếm trái phiếu sẽ làm tăng nhu cầu.

Sergey Dergachev, nhà quản lý danh mục đầu tư cao cấp hiện đang quản lý khoảng 10 tỷ USD trái phiếu các thị trường mới nổi tại Union Investment Privatfonds GmbH, Frankfurt Đức cho rằng, những vấn đề trong mối quan hệ với Trung Quốc không phải là một tiêu chí quan trọng tác động tới quyết định đầu tư. "Tại châu Á, trái phiếu của Pakistan, Sri Lanka và Việt Nam hiện nay đang mang lại lợi suất tốt, và các nhà đầu tư sẽ tận dụng điều này".

Mặc dù NHNN Việt Nam đã hạ lãi suất cơ bản chủ chốt trong tháng 3, giảm lãi suất tái chiết khấu từ 5% xuống 4,5% và lãi suất tái cấp vốn từ 7% xuống 6,5%, chi phí vay gần bằng 0% tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản vẫn khiến việc huy động vốn trên thị trường quốc tế hấp dẫn hơn nhiều.
 
Khi triển vọng kinh tế Việt Nam cải thiện, chi phí bảo hiểm nợ vay cũng giảm. Các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng swaps cho trái phiếu chính phủ đã giảm xuống 18,95 điểm % trong ngày 11/6, thấp nhất kể từ tháng 5/2013. Moody's hiện xếp hạng Việt Nam ở mức B2. Standard & Poor's xếp hạng tín dụng Việt Nam cao hơn 2 bậc ở BB - còn Fitch xếp ở mức B+.
 
Lợi suất trái phiếu USD của Việt Nam ở mức trung bình 3,64%, theo JPMorgan Chase & Co., so với mức 4,53% và 4,32% tại Philippines và Thái Lan. Một mức lợi suất thấp hơn chứng tỏ trái phiếu Việt Nam là khoản đầu tư an toàn hơn.
 
"Chúng tôi nhận thấy biểu hiện tốt tại tất cả các thị trường sơ khai châu Á", Rajeev de Mello, người đứng đầu bộ phận trái phiếu châu Á tại Schroder Investment Management Singapore nhận định. Theo ông Mello, các quốc gia xếp hạng tín dụng thấp với rủi ro cao hơn đang hưởng lợi rất lớn từ các điều kiện vĩ mô toàn cầu ổn định hơn. 
 
ANZ dẫn nguồn số liệu của EPFR cho biết, dòng vốn đổ vào trái phiếu thị trường mới nổi đã chạm mức kỷ lục khi vượt 2 tỷ USD trong tuần đầu tháng 6 giữa bối cảnh nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn từ nước ngoài.
 
"Mong muốn gia nhập thị trường nợ và gắn với lợi suất thấp của các doanh nghiệp Việt Nam là cao và dễ hiểu", ông Dergachev nói. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nợ của các doanh nghiệp Việt Nam đang có một hồ sơ không mấy tốt, ông nói.
 
Lam Thanh
Theo Business Week
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *