Thời sự 29/07/2014 19:06

Khởi tố, bắt Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh

FICA - Chiều 29/7, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có thông cáo về việc khởi tố và bắt tạm giam một số lãnh đạo tập đoàn Thiên Thanh.

Theo đó, NHNN cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang thụ lý vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh, Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Ngày 29/7/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can đối với: ông Phạm Công Danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Thiên Thanh; ông Phan Thành Mai, Nguyên thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc; ông Mai Hữu Khương, Nguyên thành viên Hội đồng quản trị, phụ trách Tài chính.
 
NHNN cho biết, những người có tên nêu trên có tham gia Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.
 
Tuy nhiên, trước đó, ngày 28/7/2014, để bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn và đúng pháp luật của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam đã có các Quyết định miễn nhiệm các đối tượng trên và đồng thời thống nhất bầu, bổ nhiệm nhân sự thay thế.
 
Cơ quan điều hành cũng khẳng định, từ năm 2012 cho đến nay, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổ Giám sát do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập. Sự việc trên không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.
 
Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

A) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

B) Có tổ chức;

C) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

D) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
 
Phương Dung
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *