Tài chính ngân hàng 17/10/2018 09:08

VDSC: “Định giá các ngân hàng Việt đang tương đối cao”

Báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về ngành ngân hàng vừa công bố cho rằng, định giá các ngân hàng Việt Nam có vẻ đang tương đối cao so với các ngân hàng tại các thị trường mới nổi, cả khi so sánh về phân tích cơ bản và định giá trong quá khứ.

Ngân hàng Việt Nam đang được xếp hạng tốt nhất về kiểm soát rủi ro tín dụng

Các ngân hàng Việt Nam đang giao dịch ở mức PE dự phóng 2019 là 11,4x (ngân hàng tại các thị trường cận biên là 6,7x) và dự kiến sẽ trả 1,8% lợi suất cổ tức tiền mặt (ngân hàng tại các thị trường cận biên là 4,9%).

Các ngân hàng Việt Nam đang được giao dịch với mức PB cao hơn 33% và PE cao hơn 10% so với mức trung bình của 5 năm qua (trong khi ngân hàng tại các thị trường cận biên đang giao dịch ở mức thấp hơn lần lượt là 8% và 7% so với quá khứ).

Điều này trái ngược với định giá của các ngân hàng Sri Lanka, hiện có mức chiết khấu định giá so với 5 năm qua cao nhất (thấp hơn 33% cho cả PB và PE).

Trong khi đó, về biên lợi nhuận thì các ngân hàng Việt Nam lại chỉ xếp hạng trung bình. Mặc dù NIM khá thấp (3,0% so với trung bình 4,6% đối với các ngân hàng tại các thị trường cận biên) và dự kiến vẫn giữ nguyên trong năm 2019 (so với mức tăng dự kiến 10 điểm cơ bản của các ngân hàng tại các thị trường cận biên) nhưng tăng trưởng thu nhập lãi thuần vẫn sẽ tích cực, dự kiến đạt mức 22% trong năm 2018.

Bangladesh có biên lợi nhuận cao (dự báo sẽ được cải thiện hơn nữa), trong khi Ai Cập xếp hạng thấp nhất (biên lợi nhuận thấp do do lãi suất cho vay giảm).

Về rủi ro tín dụng, các ngân hàng Việt Nam xếp hạng tốt nhất, vì cả chất lượng tài sản và đà cải thiện đều tích cực. Tỷ lệ nợ xấu đứng ở mức trung vị 1,4% trong năm 2019 so với mức 4,0% của các ngân hàng tại các thị trường cận biên. Chi phí rủi ro ở mức khoảng 10%, thấp hơn so với các ngân hàng khác (13%), và dự kiến sẽ giảm còn 7,5% vào năm 2020.

Sri Lanka kiểm soát rủi ro tín dụng tốt; chi phí rủi ro nhiều khả năng được cải thiện trong năm 2019 và 2020 sau khi tăng mạnh trong năm nay. Bangladesh xếp hạng thấp nhất vì chi phí rủi ro tăng và tỷ lệ NPL chậm cải thiện.

Về khả năng sinh lời thì các ngân hàng Việt Nam lại được đánh giá cao hơn so với các ngân hàng ở các thị trường cận biên, với ROE trung bình dự phóng ở mức 19,8% và tăng trưởng lợi nhuận trung bình dự phóng ở mức 23,2% trong giai đoạn 2018-2020 (so với mức 15,9% của các ngân hàng ở các thị trường cận biên). Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là mức ROA tương đối thấp (1,3% so với 1,5% của các ngân hàng thị trường cận biên).

Uganda và Rwanda có khả năng sinh lời tốt (nhờ biên lợi nhuận cao), trong khi các ngân hàng loại 2 của Nigeria xếp hạng thấp nhất, do các vấn đề về chất lượng tài sản vẫn chưa được giải quyết.

Xét về đà tăng trưởng lợi nhuận thì các ngân hàng Việt Nam tương đương với các ngân hàng thị trường cận biên. VDSC cho rằng, ROE dự kiến sẽ mở rộng đến 20,5% vào năm 2020 so với mức 18,2% của năm 2018 trong khi tăng trưởng lợi nhuận có thể chậm lại, mặc dù đang ở mức tốt là 23%.

 Các ngân hàng loại 2 của Nigeria xếp hạng tốt nhất về đà tăng trưởng lợi nhuận, do chi phí rủi ro tín dụng có xu hướng giảm, trong khi các ngân hàng Ai Cập xếp hạng thấp nhất (do lãi suất giảm làm giảm biên lợi nhuận).

Mai Chi

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *