Tài chính ngân hàng 23/04/2020 06:00

Tín dụng có dấu hiệu giảm, tiền “đọng” trong hệ thống ngân hàng

Thanh khoản ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào do tín dụng có dấu hiệu giảm trở lại trong nửa đầu tháng 4. Trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,5%.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào

Báo cáo trái phiếu của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, trong tuần vừa qua, lãi suất liên ngân hàng trong tuần tiếp tục giảm ở cả 3 kỳ hạn: qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với mức giảm lần lượt là 0,34%; 0,29% và 0,09%, lần lượt xuống mức 1,59%/năm; 1,88%/năm và 2,14%/năm.

Thanh khoản ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào do tín dụng có dấu hiệu giảm trở lại trong nửa đầu tháng 4. Trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,5%.

Điều này diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp tập trung thu hồi vốn, xuất hàng và trả nợ, ít có nhu cầu vay mới tiếp. Đây cũng là thời điểm mà Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc cũng khiến hoạt động vay cá nhân tiêu dùng bị ảnh hưởng mạnh.

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 20.836 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Đây chính là lượng tín phiếu mà NHNN phát hành trong tuần 06-10/04 đáo hạn.

Đồng thời, NHNN cũng chỉ phát hành thêm một lượng nhỏ tín phiếu (1 tỷ đồng với kỳ hạn vẫn là 14 ngày và lãi suất 3,5%). Như vậy, lượng OMO đang lưu hành giảm xuống 4.657 tỷ đồng và lượng tín phiếu đang lưu hành vẫn đang ở mức 147.000 tỷ đồng.

Trong tuần từ ngày 20-24/04 sẽ bắt đầu có 15.000 tỷ lượng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày (phát hành trong tháng 1/2020) đáo hạn. Do vậy, BVSC cho rằng, rất có thể NHNN sẽ tiếp tục thực hiện hút ròng trên kênh tín phiếu để hấp thụ lượng vốn đáo hạn này.

Trên thị trường ngoại hối, tuần qua, tỷ giá tại ngân hàng thương mại tiếp tục giảm 55 đồng xuống mức 23.436 VND/USD. Tỷ giá trung tâm lại tăng nhẹ 20 đồng, lên mức 23.241 VND/USD.

Theo BVSC, động thái bơm tiền của FED và sự ổn định trở lại của USD Index đã giúp VND tăng giá trong tuần qua.

Chỉ số DXY đóng cửa tuần ở mức 99,95 điểm, tăng 0,61% so với tuần trước đó. Cụ thể, USD tăng giá lần lượt 0,58%; 0,48%; 0,12%; 1,73% và 0,06% so với GBP, EUR, SEK, CAD và CHF.

Ngược lại, USD giảm giá 0,14% so với JPY. Đồng Euro và GBP chịu áp lực giảm mạnh trong bối cảnh IMF đưa ra dự báo tăng trưởng u ám đối với khu vực EU và nước Anh.

Theo đó, tăng trưởng GDP khu vực EU có thể ở mức âm 7,5% và Châu Âu sẽ là khu vực có hoạt động kinh tế giảm sút nhất so với các khu vực khác trên thế giới.

Kinh tế Anh cũng được dự báo giảm 6,5 % trong năm nay, cụ thể trong Quý II/2020, mức giảm sẽ ở mức cao nhất là khoảng 30-35% với giả định là lệnh phong tỏa sẽ kéo dài trong 3 tháng.

Tại Mỹ, tuần qua các số liệu cho thấy kinh tế Mỹ vẫn đang chịu những hậu quả nặng nề từ dịch Covid-19. Cụ thể, số đơn thất hiệp trong 4 tuần gần nhất đã lên mức kỷ lục 22 triệu. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ ở mức khoảng 17% trong tháng 4.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng việc mở cửa lại đối với một số thành phố lớn của Mỹ sau thời gian dài thực hiện lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại sẽ bắt đầu giúp nền kinh tế phục hồi bắt đầu từ ngày 03/05.

Mai Chi

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *