Tài chính ngân hàng 12/05/2020 15:23

Ngân hàng đã cho vay mới 630.000 tỷ đồng lãi suất thấp

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi nợ có thể sẽ được áp dụng cho toàn bộ các khoản vay, chứ không chỉ là các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Nhiều chính sách hỗ trợ DN đã được NHNN thực hiện

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 8/5/2020, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 130 nghìn tỷ đồng dư nợ.

Song song với đó là miễn, giảm, hạ lãi suất cho 1 triệu tỷ đồng dư nợ (giá trị các khoản vay ước tính bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19), cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt khoảng 630 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5%; miễn, giảm phí thanh toán khoảng 1.004 tỷ đồng.

NHNN cũng cho biết việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi nợ có thể sẽ được áp dụng cho toàn bộ các khoản vay, chứ không chỉ là các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, NHNN đã chủ động đề xuất với Chính phủ cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0%, số tiền 16.000 tỷ đồng từ NHNN để Ngân hàng chính sách xã hội cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch với lãi suất 0%.

NHNN cũng cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời, căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng cao hơn so với kế hoạch từ đầu năm.

Về lãi suất, sẽ xem xét giảm tiếp lãi suất điều hành như tái cấp vốn, chiết khấu, thị trường mở,..., và chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay. NHNN cũng sẽ xem xét chủ trương kéo dài hơn thời gian cơ cấu lại nợ nếu cần thiết.

Theo nhận định của BVSC, trong bối cảnh Việt Nam đã bước đầu đạt được thành công khi không để dịch lây lan trong cộng đồng, các động thái chính sách khẩn trương và tích cực như trên từ phía Chính phủ đang ít nhiều giúp kỳ vọng của nhà đầu tư về việc các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong nước sẽ hồi phục thời gian tới.

Tuy nhiên, do dịch bệnh toàn cầu còn diễn biến phức tạp, các lệnh phong tỏa tại nhiều nước đang từng bước đầu được dỡ bỏ và có rủi ro về làn sóng thứ 2 của dịch bệnh nên các hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ du lịch, giải trí... sẽ còn nhiều khó khăn.

Mai Chi

Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *