Quốc tế 06/01/2015 12:32

Vì đâu nhiều đại gia Nhật thoái lui khỏi Trung Quốc?

FICA - Sau Daikin, Nissan và nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài dừng mở rộng sản xuất và đầu tư vốn vào Trung Quốc, mới đây hãng điện tử lớn của Nhật là Panasonic đã tuyên bố rút toàn bộ hoạt động sản xuất và kinh doanh của mình tại Trung Quốc về Nhật.

Đây tiếp tục là tin không vui cho môi trường đầu tư Trung Quốc. Theo kế hoạch, hãng điện tử Panasonic sẽ chuyển hoạt động sản xuất sản phẩm máy giặt, lò vi sóng, điều hòa nhiệt độ tại Trung Quốc về nước.

 

Hãng này cũng đã đề nghị các doanh nghiệp cung cấp linh kiện, phụ tùng chuyển mảng sản xuất về Nhật Bản.

 

 

Trước quyết định chuyển về “cố hương” của Panasonic, hãng điện tử Daikin cũng đã quyết định chuyển 1 phần hoạt động sản xuất tại Trung Quốc về nước từ giữa năm 2014. Đặc biệt, theo TTXVN tại Nhật, mới đây, hãng chế tạo xe hơi Nissan cũng tỏ ý định quay trở về Nhật Bản để mở rộng sản xuất.

 

Không chỉ có các hãng điện tử của Nhật có ý định rời bỏ Trung Quốc mà trước đó, một số hãng lớn của thế giới đã rút vốn khỏi Trung Quốc, trong đó có Tập đoàn điện tử Samsung (Hàn Quốc) hay tập đoàn chế tạo ô tô của Mỹ General Motors, Công ty nông nghiệp Archer Daniels Midland, Tập đoàn IBM cũng đã có nhiều kế hoạch rút lui khỏi thị trường Trung Quốc trong năm 2014.

 

Việc nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn thế giới rút khỏi Trung Quốc được các cho có nguyên nhân từ các chính sách phát triển của Trung Quốc.  Theo đó, năm 2014, Trung Quốc tiếp tục quá trình tái cơ cấu nền kinh tế bằng việc cắt giảm tăng trưởng xuống mức an toàn 7,5% đồng thời thực hiện chiến lược phát triển kinh tế bền vững sau nhiều thập kỷ tăng trưởng nóng.

 

Đây là nguyên nhân khiến rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc khó khăn trong hoạt động kinh doanh do chính sách hạn chế tăng trưởng và đầu tư của chính phủ Trung Quốc.

 

Đặc biệt, lo ngại lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài chính là môi trường đầu tư tại Trung Quốc hiện không được đánh giá cao do nạn đánh cắp bản quyền tràn lan, quyền sở hữu trí tuệ không được thực hiện, chính sách ưu tiên doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc… đang khiến doanh nghiệp nước ngoài khó tiếp cận những ngành nghề kinh doanh có lợi nhuận.

 

Theo Bộ Công Thương Trung Quốc tính đến hết tháng 9/2014 đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư của Nhật Bản đã giảm nhanh, trong bảy tháng đầu năm 2014, đầu tư từ Nhật Bản giảm 45,4% xuống còn 2,83 tỉ USD, từ Liên minh châu Âu (EU) giảm 17,5% xuống còn 3,83 tỉ USD và Mỹ giảm 17,4% xuống còn 1,81 tỉ USD.

 

Bên cạnh đó, mức tăng trưởng tiền lương nhân công cao tại Trung Quốc bình quân trên 20%/năm khiến lợi thế chi phí rẻ của Trung Quốc đang mất dần, trong khi đó năng suất lao động của Trung Quốc vẫn được đánh giá ở mức độ thấp so với các nước khu vực. Bên cạnh đó, nhiều đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc như các nước ASEAN, Ấn Độ đang có nhiều chiến lược để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc về chi phí nhân công, chính sách đầu tư và cơ sở hạ tầng.

 

Theo giới phân tích, việc rút vốn manh mẽ của Panasonic sẽ tác động lớn đến quyết định đầu tư và mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp khác của Nhật Bản cũng như rất nhiều doanh nghiệp nước khác.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *