Quốc tế 19/03/2014 12:00

Ukraine dọa quốc hữu hóa tài sản của Nga trên lãnh thổ Ukraine

FICA - Ngoài ra, Ukraine cũng lên tiếng đòi chia tài sản từ thời Xô Viết và yêu cầu Nga trả lại khoản tiền gửi 80 tỷ USD tại Ngân hàng Nhà nước Liên Xô.

Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/3 ký thông qua hiệp ước sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga – hành động bị phương Tây coi là vi phạm luật pháp quốc tế, Ukraine đe dọa sẽ quốc hữu hóa tài sản của Nga ở Ukraine và ở nước ngoài.


Đây được coi là nhằm trả đũa việc giới chức Crimea tuyên bố kế hoạch quốc hữu hóa tài sản như đường ống dẫn dầu, giàn khoan dầu và khí đốt của 2 công ty năng lượng quốc doanh là Chornomorneftegaz và Ukrtransgaz. Ngược lại, Crimea cũng cảnh báo quốc hữu hóa một số ngân hàng Ukraine.


Bộ trưởng Tư pháp Ukraine Pavlo Petrenko cho rằng đây là hành động phi pháp và cảnh báo: "Nếu Liên bang Nga chính thức công nhận hành động của Crimea, Ukraine có quyền thực thi các biện pháp để bù đắp thiệt hại bằng các tài sản thuộc về Liên bang Nga trên lãnh thổ Ukraine và ở các quốc gia khác”. Ông cũng cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ hành động theo đúng luật pháp Ukraine và luật pháp quốc tế”.


Tuy nhiên, ông Petrenko không đề cập cụ thể những tài sản nào của Nga và phương cách để Ukraine có thể quốc hữu hóa tài sản Nga ở quốc gia khác.


Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga có một hệ thống đường ống lớn chạy qua Ukraine để cấp khí đốt cho thị trường Tây và Nam Âu. Những tài sản khác của Nga ở Ukraine còn có các chi nhánh ngân hàng Sberbank – ngân hàng lớn nhất ở Nga và lớn thứ 3 ở Đông Âu.


Tuy nhiên, theo trang tin Liga.net, ông Petrenko trước đó cho phóng viên hay, Kiev sẽ cân nhắc bù đắp thiệt hại bằng cách tịch thu tài sản thuộc về Gazprom – tập đoàn vốn được coi là vũ khí chính trị của Nga. Gazprom có quan hệ không mấy suôn sẻ với Ukraine. Những bất đồng về giá năng lượng từng khiến Gazprom 2 lần ngừng cấp khí đốt cho Ukraine kể từ năm 2006. Mới đây, Gazprom tuyên bố sẽ ngừng chính sách giảm giá cho Ukraine từ ngày 1/4 tới.


Trong một diễn biến liên quan khác, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Yatsenyuk vừa ủy thác cho Bộ Ngoại giao nước này chuẩn bị cơ sở lập trường pháp lý để “bảo vệ lợi ích quốc gia” về phân chia tài sản Liên bang Xô Viết.


Khi Liên bang Xô Viết tan rã, theo các điều khoản của Công ước Vienna năm 1983, phân định tỷ lệ của từng quốc gia trên cơ sở phân tích đóng góp và phần của các nước Cộng hòa được phân chia như sau: Nga được 61,34 %, Ukraine được chia 16,37%, Belarus có 4,13%, Uzbekistan nắm 3,27%, Kazakhstan chiếm 3,86%, Gruzia được 1,62%, tiếp theo ít dần đến Estonia với 0,62%.


Sau đó các bên đã thông qua quyết định ký thỏa thuận về "phương án 0", theo đó Nga cần phải trả các khoản nợ nước ngoài của Liên Xô, đổi lại sẽ được nhận toàn bộ tài sản của Liên bang.


Tuy nhiên, theo Chính phủ lâm thời Ukraine, nước này chưa ký vào thỏa thuận ngày 9/12/1994 về việc công nhận Nga là quốc gia kế thừa Liên Xô về tài sản hay các khoản nợ nước ngoài của nhà nước này. Do đó, Thủ tướng Yatsenyuk cho rằng, Ukraine có quyền sở hữu những tài sản còn lại ở Nga.

Theo Bộ trưởng Tư pháp lâm thời Ukraine Pavlo Petrenko, quốc gia này đang tính tới chuyện yêu cầu Nga trả lại khoản tiền gửi 80 tỷ USD tại Ngân hàng Nhà nước Liên Xô.



Phương Linh
Theo Bangkok Post, Itar - Tass

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *