Quốc tế 24/04/2020 15:54

Tỷ phú "số 1" Ấn Độ sẽ giàu hơn nhờ khoản đầu tư của Facebook?

Mạng xã hội Facebook vừa “rót” 5,7 tỷ USD (tương đương 125.000 tỷ đồng) vào công ty kỹ thuật số thuộc sở hữu của tỷ phú giàu nhất Ấn Độ - Mukesh Ambani nhằm tìm kiếm chỗ đứng tại thị trường lớn nhất toàn cầu này.

Người đàn ông giàu nhất Ấn Độ, Mukesh Ambani, Chủ tịch của Reliance Industries, có thể sẽ giàu hơn khi Facebook đầu tư vào Ấn Độ. Ảnh: AFP

Theo đó, gã khổng lồ mạng xã hội của Mỹ sẽ mua khoảng 10% cổ phần của công ty Jio Platforms, trở thành cổ đông thiểu số lớn nhất, thông cáo của Tập đoàn Reliance – chủ sở hữu của Jio Platforms, cho biết trong một thông cáo mới đây.

Trong khi đó, Facebook cho biết, thoả thuận này sẽ mang lại lợi ích cho cả JioMart – một công ty thương mại điện tử của Ambani và nền tảng WhatsApp, cho phép mọi người kết nối với các doanh nghiệp trong một nền kinh tế số đang tăng trưởng.

Công ty Ấn Độ này cũng cho biết, thoả thuận này định giá giá trị doanh nghiệp của Jio Platforms ở mức 66 tỷ USD.

Việc hợp tác với Jio sẽ cho phép Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đẩy mạnh việc mở rộng thị trường tại Ấn Độ - quốc gia đang thúc đẩy thương mại trực tuyến và thanh toán điện tử khi ngày càng có nhiều người sử dụng điện thoại thông minh.

Reliance Jio Infocomm đã đầu tư vào thị trường viễn thông di động của Ấn Độ vào khoảng 4 năm trước và nhanh chóng vượt qua các đối thủ, chiếm lĩnh vị trí thống trị tại thị trường này bằng việc cung cấp các dịch vụ miễn phí. Do đó, hợp tác với Facebook sẽ thúc đẩy tham vọng của ông Ambani – người giàu nhất châu Á – nhằm biến tập đoàn năng lượng của mình thành tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Ấn Độ.

Đối với Facebook thì đây là thương vụ lớn nhất mà công ty này thực hiện kể từ sau khi mua nền tảng WhatsApp vào năm 2014 - cho thấy Facebook đã nhìn rõ được tiềm năng tại thị trường Ấn Độ. Facebook có thể hưởng lợi từ người đồng minh có kết nối tốt ở quốc gia này – nơi mà WhatsApp của Facebook đang cố gắng triển khai dịch vụ thanh toán nhưng chưa thành công.

"Khoản đầu tư này nhấn mạnh sự cam kết của chúng tôi với thị trường Ấn Độ và chúng tôi rất phấn khích trước sự chuyển đổi mạnh mẽ mà Jio đã thực hiện ở nước này", Facebook cho biết trong tuyên bố của mình.

Tỷ phú Zuckerberg từ lâu đã có ý định tung ra một loại tiền kỹ thuật số cũng như các công cụ cho phép người dùng thanh toán hoặc mua bán các sản phẩm qua các dịch vụ nhắn tin trên mạng xã hội ở Ấn Độ.

Với nửa tỷ người dùng internet, quốc gia Nam Á này đang là thị trường hấp dẫn của các công ty công nghệ lớn nhất thế giới như Google, Amazon, Microsoft và Alphabet của Google. Tại Ấn Độ, Facebook có khoảng 250 triệu người dùng, trong khi WhatsApp có hơn 400 triệu người dùng .

Ngoài việc xem Ấn Độ là nơi thử nghiệm cho các dịch vụ thanh toán của WhatsApp, Zuckerberg cũng xem xét riêng thị trường cho dự án tiền điện tử của mình có tên Libra. Zuckerberg cho rằng, thanh toán và thương mại là ưu tiên hàng đầu của mạng xã hội này và là cơ hội kinh doanh lớn mà công ty đang nhắm đến.

Đối với tỷ phú Ambani (63 tuổi), thỏa thuận với gã khổng lồ công nghệ diễn ra trong bối cảnh tập đoàn của ông đang phải đối mặt với những tác động của đại dịch virus corona và sự sụt giảm nhu cầu về dầu mỏ. Ông này cũng đang tìm cách trấn an các nhà đầu tư rằng sẽ cố gắng giảm nợ ròng của tập đoàn về 0.

Tập đoàn của ông Ambani đã chi gần 50 tỷ USD - chủ yếu là các khoản vay - để xây dựng Jio Infocomm, nhà cung cấp dịch vụ di động, khiến cho khoản nợ ròng của tập đoàn này lên hơn 20 tỷ USD vào tháng 3/2019. Vào tháng 8/2019, ông Ambani đã nói với các cổ đông rằng ông dự định bán cổ phần trong bộ phận dầu và hóa chất của Reliance Industries cho Tập đoàn Aramco, như một phần của lộ trình cắt giảm nợ ròng về 0 vào tháng 3/2021.

Cuộc đàm phám với Aramco đã diễn ra trong nhiều tháng và khi đại dịch Covid-19 bùng phát cùng với sự sụp đổ của giá dầu khiến nhiều người nghi ngờ về việc đạt được ký kết này.

Tuy nhiên, tham vọng của ông Ambani là sau khi xây dựng một công ty cung cấp dịch vụ không dây và kinh doanh bán lẻ, ông sẽ kết nối với các đối tác toàn cầu để phát triển mảng kinh doanh thương mại điện tử nhằm cạnh tranh với Amazon và Walmart ngay tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.

Nhật Linh

Theo Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *