Quốc tế 17/04/2019 08:25

Trung Quốc: Nở rộ dịch vụ bán video lái xe sang, ở resort để “sống ảo” trên mạng

Các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến đang làm hài lòng những “thánh sống ảo” muốn thể hiện cuộc sống đẳng cấp với giá chỉ khoảng 10 nhân dân tệ (khoảng 35.000 đồng).

Trung Quốc: Nở rộ dịch vụ bán video lái xe sang, ở resort để “sống ảo” trên mạng - 1

Người dùng chỉ phải trả khoảng 10 nhân dân tệ là có thể được dùng cả thư viện video để "sống ảo" trên mạng xã hội. (Nguồn: Pear Video)

Người dùng Internet chỉ phải trả khoảng 10 nhân dân tệ để được dùng hàng chục dịch vụ với các thư viện video về cuộc sống xa xỉ để đăng lên trang mạng cá nhân như của chính họ.

Các video về những chiếc xe đắt tiền, khu nghỉ dưỡng, ở cạnh những người nổi tiếng Trung Quốc và đồ ăn sang trọng luôn có để người dùng có thể lựa chọn.

Theo một số nguồn tin, dịch vụ này nhắm đến “zhuangbi”, một từ lóng để nói về những người tự phụ. Đáng nói, những người này có thể mua video về để biên tập và lồng tiếng của chính họ vào rồi mới up lên mạng xã hội.

Trong một bài đánh giá trực tuyến, một khách hàng ẩn danh cho biết, cuối cùng anh ta cũng được tận hưởng cảm giác có tiền mà nhiều người khoe trên mạng xã hội.

“Có đến 700 video để lựa chọn, nên tôi có thể sống ảo rằng mình giàu có trong nhiều năm nữa”, người này cho biết.

Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã chế giễu những người mua các video “sống ảo” này.

“Đối với một số người, họ càng nghèo, thì họ càng thể hiện”, một người dùng đã viết trên Sina Weibo, một nền tảng blog nổi tiếng của Trung Quốc.

“Có phải họ đang thể hiện sự giàu có của mình để nhiều người đến vay tiền không?”, một người khác nói đùa.

Ngay cả khi tăng trưởng nền kinh tế của Trung Quốc chậm lại, tầng lớp trung lưu của nước này vẫn phát triển tới gần 400 triệu người tiêu dùng, dự kiến ​​sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng trong và ngoài nước.

Theo dự báo của Cơ quan Tình báo Kinh tế Trung Quốc, khoảng 35% dân số của đất nước này được dự đoán có hơn 10.000 USD thu nhập khả dụng hàng năm vào năm 2030.

Các dịch vụ “sống ảo” khác ở Trung Quốc cũng cho thấy cư dân mạng sẵn sàng bỏ tiền để được xem những người khác uống trà sữa hoặc ăn gà rán một cách ngon lành, chứ không phải bỏ tiền để chi trả chi phí khám chữa bệnh cho mình.

Hồng Vân
Theo South China Morning Post

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *