Quốc tế 24/12/2023 10:00

Ngày thứ Tư đen tối của Toyota

Toyota vừa trải qua một ngày thứ Tư đen tối nhất trong lịch sử tập đoàn.

Hai tin xấu ập tới với Toyota trong ngày 20/12. Công ty sản xuất ôtô lớn nhất thế giới lần đầu tiên phải dừng toàn bộ công tác bàn giao các sản phẩm được công ty con Daihatsu sản xuất trên toàn thế giới do liên quan tới một vụ điều tra liên quan tới bê bối gian lận an toàn. Ngoài ra, công ty cũng phải triệu hồi 1 triệu phương tiện tại Mỹ do các vấn đề liên quan tới túi khí. 

Hồi tháng 4/2023, Daihatsu lần đầu tiên thừa nhận đã dàn xếp kết quả bài kiểm tra va chạm bên hông đối với phần lớn các sản phẩm mang thương hiệu Toyota. Hành động này đã khởi xướng một cuộc điều tra độc lập, qua đó phát hiện ra 174 điểm bất thường liên quan tới mức độ an toàn của 64 dòng xe thuộc nhiều thương hiệu như Toyota, Mazda và Subaru.

Báo cáo điều tra cho thấy những điểm bất thường đó xuất hiện từ năm 1989 và gia tăng đột biến kể từ năm 2014 trở đi, chủ yếu là hành vi làm giả kết quả kiểm tra an toàn và số liệu. Daihatsu sau đó đổ lỗi cho “kế hoạch phát triển sản phẩm gấp rút”. 

Trong ngày 20/12, Daihatsu đã phải tạm ngừng kinh doanh toàn bộ các dòng xe do công ty này phát triển và sản xuất trên phạm vì toàn cầu. Một ngày sau đó, Bộ Giao thông Nhật Bản đã cho khám xét trụ sở chính của Daihatsu tại thành phố Osaka sau khi công ty xác nhận đã lấp liếm các số liệu bị làm giả thời gian qua. 

Tin xấu liên tục ập đến với Toyota

Daihatsu là doanh nghiệp có bề dày lịch sử của Nhật Bản, ra đời cách đây hơn 100 năm. Công ty bắt đầu sản xuất ô tô cho nhiều thương hiệu khác nhau từ năm 1969, trong đó có Toyota. Sau đó, công ty mở rộng sản xuất sản phẩm cho nhiều đối tác khác, trong đó có Subaru, chủ yếu phân phối các sản phẩm xe có kích thước nhỏ tại thị trường nội địa, Đông Nam Á và Mỹ La-tin. 

Trong thông báo phát đi ngày 20/12, Toyota cho biết tập đoàn đã liên tục gia tăng số lượng sản phẩm được sản xuất bởi các doanh nghiệp khác như Daihatsu đồng thời thừa nhận điều đó có thể là nguồn cơn gây ra áp lực đối với các nhà sản xuất. Toyota “không ý thức được tình hình” và cam kết sẽ cách mạng hóa Daihatsu dù mất nhiều thời gian. 

Toyota là nhà sản xuất xe hơi số một toàn cầu nếu tính theo số lượng xe bán ra. Trong năm 2022, có 10,5 triệu xe mang thương hiệu Toyota được bán ra trên toàn cầu, vượt qua đối thủ xếp thứ hai là  Volkswagen Group với 8,3 triệu xe. Daihatsu và Hino Motors (một công ty con khác của Toyota) đóng góp 909.000 sản phẩm trong số đó. 

Và không chỉ Daihatsu, Hino cũng vướng phải những rắc rối. Năm ngoái, công ty thừa nhận làm giả dữ liệu khí thải đối với một số mẫu động cơ từ năm 2003. Bê bối này ảnh hưởng tới 640.000 sản phẩm, buộc công ty phải dừng sản xuất sau đó. 

Cũng trong ngày 20/12, Toyota thông báo triệu hồi 1 triệu phương tiện tại Mỹ, thuộc cả hai thương hiệu Toyota và Lexus sản xuất từ năm 2020 tới năm 2022. Theo thông báo phát đi, cảm biến túi khí hàng ghế trước có thể không đánh giá đúng trọng lượng của hành khách, dẫn tới rủi ro hoạt động không đúng như thiết kế trong một vài tình huống. Công ty sẽ gửi thông báo tới các chủ xe trong tháng 2/2024. 

Đây không phải lần đầu Toyota gặp vấn đề đối với túi khí. Năm 2024, Toyota đã phải triệu hồi hàng triệu sản phẩm trên toàn cầu do các vấn đề liên quan tới túi khí sản xuất bởi Takata. Một báo cáo cho thấy tổng số lượng xe thuộc diện triệu hồi tại Mỹ lên tới 42 triệu xe tính tới cuối năm 2022. Sự cố liên quan tới túi khí Takata có liên quan tới cái chết của 30 người và hàng trăm người bị thương trên toàn thế giới. Cho tới ngày hôm nay, công tác triệu hồi vẫn chưa kết thúc. 

Sau đó, vào tháng 1/2020, Toyota triệu hồi 3,4 triệu phương tiện trên toàn cầu vì lỗi hệ thống điện khiến cho túi khí không bung. 

Đại Phú
 

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *