Quốc tế 09/10/2020 10:44

Nền kinh tế bị Covid-19 tấn công, Kenya buộc phải đàm phán lại nợ với Trung Quốc

Nằm trong khuôn khổ của Sáng kiến Vành đai và Con đường, Kenya đã hợp tác với Bắc Kinh để xây dựng tuyến Đường sắt Tiêu chuẩn Mombasa-Naivasha dài 580 km. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy đến đã hủy hoại kế hoạch sinh lời của tuyến đường sắt này, đẩy Kenya vào cảnh nợ nần.

Những rắc rối về nợ nần của Kenya trên tuyến Đường sắt tiêu chuẩn Mombasa-Naivasha do Trung Quốc xây dựng là một vấn đề phổ biến đối với các dự án Vành đai và Con đường quy mô lớn do Trung Quốc chủ trì. Mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn nhiều bởi đại dịch Covid-19.

Các luật sư thương mại và nhà phân tích cho biết: Các dự án đầy tham vọng và thường là sai lầm này được đưa vào thực hiện với sự tài trợ hào phóng của Trung Quốc, nhưng cuối cùng, hầu hết chúng đã bị phá sản bởi sự quản lý yếu kém của chính quyền địa phương và đôi khi là do những hành vi sai trái gây ra.

Khả năng sinh lời kém và tình hình kinh tế trở nên tồi tệ hơn bởi Covid-19 chính là nguyên nhân khiến Kenya vào tuần trước đã phải kêu gọi đàm phán lại các khoản vay từ Trung Quốc – đây là những khoản vay được sử dụng để tài trợ cho tuyến đường sắt dài 580 km của Kenya.

Dự án hoàn thành vào năm 2017 nhưng tuần trước, ủy ban giao thông Kenya đã khuyến nghị chính phủ đàm phán lại các điều khoản của khoản vay với Ngân hàng Exim Bank Trung Quốc.

Nguyên nhân lớn nhất khiến Kenya lâm vào tình trạng nợ nần này chính là sự quản lý yếu kém của chính phủ địa phương và việc thẩm định sai lệch tính  khả thi của những dự án.

Ủy ban cho biết chính phủ cũng nên yêu cầu công ty quản lý đường sắt, Africa Star Railway - công ty con của Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC), cắt giảm 50% chi phí quản lý hàng tháng trị giá 10 triệu USD mà Kenya đang phải chịu.

Africa Star Railway là công ty điều hành tuyến tàu chở khách và hàng hóa, trong khi Kenya Railways thì thay mặt chính phủ Kenya giám sát dự án.

Ủy ban cho biết việc nới lỏng các điều khoản cho vay sẽ mang lại cho chính phủ Kenya không gian để thở khi họ đang phải vật lộn với nguồn thu từ thuế giảm do suy thoái kinh tế bởi sự bùng phát của Covid-19.

CRBC, một công ty con của CCCC, đã được trao hợp đồng trị giá 3,2 tỷ USD vào năm 2014 để xây dựng đoạn đường từ Mombasa-Nairobi của tuyến đường sắt. CCCC sau đó đã tham gia xây dựng thêm đoạn mở rộng từ Nairobi đến Naivasha với giá 1,5 tỷ USD khác, mặc dù việc mở rộng thêm tuyến đường tới Malaba đã bị đình trệ bởi khả năng thương mại trên tuyến đường này không có khả quan.

Kenya có hai khoản vay chịu lãi suất từ ​​Ngân hàng Trung Quốc Exim Bank với thời hạn trả 20 năm, một khoản vay 1,6 tỷ USD với lãi suất thương mại và một khoản vay 1,6 tỷ USD mở rộng với lãi suất chiết khấu.

Mặc dù đã trả thành công khoản thanh toán lãi đầu tiên trị giá 350 triệu USD vào tháng 1, nhưng khoản thanh toán tiếp theo của Kenya cho Trung Quốc có khả năng sẽ bị chậm trễ vì hoạt động kinh doanh của tuyến đường sắt không có lãi. Năm ngoái, tuyến đường sắt này đã tạo ra doanh thu 130 triệu USD nhưng phát sinh chi phí vận hành hơn 170 triệu USD, điều này đã dẫn đến khoản lỗ trị giá 40 triệu USD.

Chính phủ Kenya cũng là người đứng sau các khoản thanh toán phí quản lý cho Africa Star Railway, với khoản nợ chưa thanh toán là 380 triệu USD.

Theo báo cáo của Chatham House của Đại học Queen Mary of London’s Jones và chuyên gia khoa học chính trị Shahar Hameiri của Đại học Queensland, nguyên nhân lớn nhất khiến Kenya lâm vào tình trạng nợ nần này chính là sự quản lý yếu kém của chính phủ địa phương và việc thẩm định sai lệch tính  khả thi của những dự án.

Báo cáo cho biết: “Các động lực kinh tế-chính trị và các vấn đề quản trị của cả hai bên đã dẫn đến các dự án được hình thành và quản lý kém. Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường thường được mô tả như một chiến lược địa chính trị khiến các quốc gia mắc nợ không bền vững… tuy nhiên, những bằng chứng hiện có đang thách thức lập trường này.”

“Ở Sri Lanka và Malaysia - hai nạn nhân được cho là điển hình nhất của bẫy nợ ngoại giao với Trung Quốc, các dự án Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường gây tranh cãi nhất đã được khởi xướng bởi chính các chính phủ nước này. Những vấn đề nợ nần của họ chủ yếu phát sinh từ hành vi sai trái của giới tinh hoa địa phương và các thị trường tài chính do phương Tây thống trị ”.

Ông Hameiri nói thêm, Trung Quốc cũng góp phần vào khả năng tăng nợ xấu trong các dự án vành đai và con đường do hệ thống tài chính phát triển manh mún của nước này đã thất bại trong việc thẩm định tính phù hợp và đánh giá rủi ro của nhiều dự án mục tiêu.

Hầu hết mọi khoản vay liên quan đến dự án vành đai và con đường hiện nay đều yêu cầu một số hình thức thương lượng lại, mặc dù việc tịch thu tài sản hoặc xóa nợ là rất hiếm.

Ở Châu Phi, Ethiopia, Cộng hòa Congo và Angola đã thành công trong việc đàm phán lại các khoản nợ của họ với Trung Quốc. Bên cạnh các cuộc đàm phán lại cụ thể trên tuyến Mombasa - Nairobi, các quan chức Bộ Tài chính Kenya cho biết họ cũng đã tìm cách xóa nợ chung từ Trung Quốc.

Thùy Dung

Theo SCMP

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *