Quốc tế 21/08/2020 08:12

Mỹ đề nghị khôi phục toàn bộ lệnh trừng phạt Iran

Mỹ chính thức đề nghị Liên Hợp Quốc khôi phục toàn bộ lệnh trừng phạt Iran và tuyên bố Washington sẽ bằng mọi cách khôi phục các lệnh trừng phạt này.

Mỹ đề nghị khôi phục toàn bộ lệnh trừng phạt Iran - 1

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (Ảnh: Reuters)

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/8 chính thức thông báo cho Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về đề xuất kích hoạt lại toàn bộ lệnh trừng phạt Iran. Lý giải cho đề nghị này, Washington cáo buộc Tehran vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015 có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Trả lời phỏng vấn báo chí tại trụ sở Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Mỹ sẽ làm mọi việc có thể để khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Iran. Ông cho rằng, sẽ là "sai lầm lớn" nếu không gia hạn cấm vận vũ khí với Iran. Ông nhấn mạnh thêm, Mỹ sẽ không bao giờ cho phép Iran tự do mua, bán các vũ khí như xe tăng.

Từ năm 2006 đến năm 2010, Hội đồng Bảo an đã thông qua 3 nghị quyết cấm xuất khẩu công nghệ liên quan tới hệ thống vận chuyển vũ khí hạt nhân tới Iran, cấm Iran xuất khẩu vũ khí và cấm các nước bán vũ khí thông thường cho quốc gia này. Năm 2015, Hội đồng Bảo an ra Nghị quyết 2231 trong đó có điều khoản quy định thời hạn ngừng cấm vận vũ khí với Iran. Theo đó, Tehran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy nới lỏng các lệnh trừng phạt. Các lệnh cấm vận vũ khí với Iran sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10.

Kể từ tháng 5/2018, chính quyền Tổng thống Trump đã cáo buộc Iran vi phạm các điều khoản của JCPOA. Mỹ sau đó đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này và áp lại một số lệnh trừng phạt với Iran nhằm cấm vận dầu mỏ của nước này.

Động thái mới nhất của Mỹ có thể làm leo thang căng thẳng với các thành viên của Hội đồng Bảo an, trong đó có Nga. Cuối ngày 20/8, Bộ Ngoại giao Anh, Pháp và Đức đã ra tuyên bố chung phản đối đề nghị khôi phục toàn bộ lệnh trừng phạt Iran. Các nước này đồng thời cũng kêu gọi Iran tuân thủ các cam kết theo thỏa thuận JCPOA.

Minh Phương
Theo Reuters

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *