Quốc tế 09/03/2020 07:00

Lần đầu tiên sau 12 năm, Mỹ cắt giảm 50 điểm lãi suất cơ bản

Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã công bố mức giảm lãi suất khẩn cấp vào tuần vừa qua tới một nửa điểm phần trăm từ mức 1,5-1,75% xuống 1%-1,25% để đối phó với mối đe dọa kinh tế đang gia tăng do sự bùng phát của virus corona.

Jerome Powell

Chủ tịch FED và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Vườn Hồng của Nhà Trắng ngày 2/1/2018 (Ảnh: Reuters)

Động thái này là lần cắt giảm mạnh nhất kể từ tháng 12 năm 2008, trong cuộc khủng hoảng tài chính. Trước động thái bất ngờ của FED, các cổ phiếu ban đầu đã tăng mạnh nhưng sau đó lại giảm xuống khi giao dịch biến động.

Trong những ngày trước khi giảm lãi suất, các quan chức FED luôn tự tin về sự vững chắc của nền kinh tế Mỹ khi đối mặt với thảm họa mang tên virus corona. Vào thứ sáu tuần trước, Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết rằng nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì mạnh mẽ mặc dù ông đã nhận ra sự lây lan của COVID-19 và sức tàn phá của nó đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, một tuần đầy khủng hoảng đối với thị trường chứng khoán Mỹ với những phiên giảm trên 1.000 điểm và vốn hóa bốc hơi hàng ngàn tỷ USD có lẽ đã khiến FED phải suy nghĩ lại về quyết định của mình.

Vào đầu giờ sáng hôm thứ ba vừa rồi, ông chủ nhà trắng Donald Trump đã đả kích FED với mong muốn FED sẽ đưa ra một số biện pháp nới lỏng tiền tệ lớn, sau khi ngân hàng trung ương Úc cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục. Ông nói rằng Powell – chủ tịch cục dự trữ liên bang Mỹ đã có một quyết định sai lầm ngay từ đầu.

Cuối cùng, cục dự trữ liên bang Mỹ đã phát biểu trong một tuyên bố  rằng: “Sự bùng phát của virus corona gây ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế thế giới. Đứng trước những rủi ro này và để hỗ trợ nền kinh tế trong nước đạt được các mục tiêu ổn định việc làm, bình ổn giá cả thị trường, Ủy ban thị trường mở Liên bang đã quyết định giảm mức lãi suất cơ bản.”

Trong một cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Jerome Powell cho biết FED đã ra quyết định hành động sau khi các nhà chức trách nhận thấy virus corona đang có tác động lớn đến triển vọng kinh tế thế giới và trong đó có cả Mỹ.

Động thái của FED diễn ra cùng với thời điểm các quan chức G7 đưa ra các biện pháp không xác định để giúp các quốc gia bị ảnh hưởng bởi virus corona và một ngày sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra cam kết tương tự.

Tuy nhiên, tổng thống Trump có vẻ vẫn chưa hài lòng về mức cắt giảm lãi suất trên, ông đã nói trên tweet rằng việc cắt giảm lãi suất của FED vẫn không đủ, mặc dù Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin rất hoan nghênh FED về động thái này.

Solita Marcelli, phó giám đốc đầu tư của Châu Mỹ tại UBS Global Wealth Management cho biết: “Điều cần nhất trong hoàn cảnh này là cải thiện tình hình trên thế giới và các cơ quan tài chính phải dành nhiều thời gian hơn để tìm ra các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế do virus corona gây ra. Các quốc gia trên thế giới rất cần sự hỗ trợ của các biện pháp tài khóa khác. Cắt giảm lãi suất không thể giải quyết được hết các tác động kinh tế tiêu cực.”

Phố Wall đã hy vọng sẽ có sự cắt giảm lãi suất và mong muốn rằng FED sẽ để mức lãi suất cơ bản hoàn toàn về 0 vào cuối năm nay.

Winograd - nhà kinh tế cấp cao tại AllianceBernstein cho biết ông nghĩ rằng FED có thể sẽ tuyên bố cắt giảm thêm lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 17-18/3 sắp tới.

Hầu hết các ông lớn như Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh, Nhật... đều đã nới lỏng hoặc đưa ra những gợi ý về sự thay đổi chính sách tiền tệ trong các cuộc họp sắp tới.

Thùy Dung

Theo CNBC

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *