Quốc tế 10/10/2023 16:00

IMF nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ, 'bi quan' hơn về châu Âu

Theo IMF, bức tranh tăng trưởng tại khu vực đồng tiền chung euro mang nhiều màu sắc trái chiều tương ứng với từng quốc gia.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất với một số thay đổi đáng chú ý.

Cụ thể, IMF nâng dự báo tăng trưởng đối với kinh tế Mỹ thêm 0,3% trong năm nay, từ 1,8% lên 2,1%. Trong khi đó, mức tăng cho năm 2024 cao hơn trước đó 0,5%, đạt 1,5%.

Ở chiều ngược lại, cơ quan này mang quan điểm bi quan hơn đối với kinh tế Liên minh châu Âu khi hạ dự báo tăng trưởng của khu vực này trong năm 2023 từ 0,9% xuống 0,7% và năm 2024 từ 1,5% còn 1,2%.

IMF nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ trong báo cáo mới nhất

Lý giải cho quyết định nâng dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế số một thế giới, IMF nhấn mạnh vào mức tăng mạnh đầu tư doanh nghiệp trong quý II; tốc độ tăng trưởng tiêu dùng tốt; thị trường lao động hùng mạnh và chính sách tài khóa luôn hướng tới mục tiêu mở rộng nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024 trước những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu; môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt; tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và sự cạn kiệt của khoản tiền tiết kiệm trong đại dịch.

Trong khi đó, bức tranh tăng trưởng tại khu vực đồng tiền chung euro mang nhiều màu sắc trái chiều tương ứng với từng quốc gia. Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, được dự báo “đi thụt lùi” do thương mại giảm sút và tác động tiêu cực từ lãi suất cao. Ở chiều đối diện, Pháp lại nổi lên là một điểm sáng.

Cùng với Mỹ, kinh tế Vương quốc Anh cũng được dự báo tăng nhẹ lên ngưỡng 0,5% trong năm 2023 nhưng lại bị điều chỉnh giảm từ 1% xuống còn 0,6% vào năm 2024 trước “tác động từ những cú sốc do giá năng lượng cao”.

IMF đồng thời giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 ở ngưỡng 3%. Triển vọng cho năm 2024 có phần cải thiện từ 2,8% lên 2,9%.

“Một số cơn gió chướng đối với kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu thoái trào”, IMF ám chỉ tới việc Tổ chức Y Tế Thế giới (WTO) không còn coi Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp; chuỗi cung ứng dần ổn định trở lại và áp lực đối với thị trường tài chính toàn cầu thuyên giảm sau khi Credit Suisse và một số ngân hàng tại Mỹ phá sản.

Tuy nhiên, IMF cảnh báo vẫn còn nhiều thách thức trong thời gian tới, bao gồm xu hướng suy yếu sản xuất; lĩnh vực dịch vụ phục hồi chậm và cuộc đua thắt chặt chính sách toàn cầu nhằm kiểm soát lạm phát.

Sức bật của kinh tế Trung Quốc sau khi dỡ bỏ các quy định phòng dịch cũng dần phai nhạt trước tác động từ cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản. IMF dự báo nền kinh tế số hai thế giới tăng trưởng 5% trong năm nay và 4,2% vào năm sau.

Đại Phú

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *