Quốc tế 26/07/2014 15:16

Chu Vĩnh Khang và bí ấn cuộc "thanh trừng" trong ngành dầu khí Trung Quốc

FICA - Đằng sau những cuộc bài trừ tham nhũng này còn nhiều bí ẩn.

Thời gian qua, liên tiếp các quan chức hàng đầu ngành dầu khí Trung Quốc “bị sờ gáy” trong một loạt vụ điều tra tham nhũng, được cho là nhắm tới cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang. Đằng sau những cuộc bài trừ tham nhũng này còn nhiều bí ẩn.

Trước khi chính thức bị điều tra hình sự hồi tháng này, cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) Tưởng Khiết Mẫn đã thăng tiến “như diều gặp gió”, mà bí quyết chính là neo mình theo một người bảo trợ hùng mạnh.

Ông Tưởng Khiết Mẫn đã bị khai trừ đảng và truy tố hình sự
Ông Tưởng Khiết Mẫn đã bị khai trừ đảng và truy tố hình sự

Và không ai khác, đó chính là Chu Vĩnh Khang, người cũng từng lãnh đạo ngành dầu mỏ Trung Quốc, trước khi trở thành người đứng đầu cơ quan an ninh và pháp luật, đồng thời là một trong những chính trị gia quyền lực nhất nước này.

Theo những nguồn tin thân cận với Tưởng, vị quan dầu khí này đã nhận được sự che chở của ông Chu, để đổi lại việc giúp vị cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị củng cố quyền lực và ảnh hưởng bằng cách sử dụng chính CNPC để ban phát sự che chở. Và đến tháng 3 năm ngoái, Tưởng đã leo lên tới vị trí đứng đầu ủy ban giám sát các công ty nhà nước (SASAC).

Mối quan hệ thân thiết của họ được thể hiện rõ trước dịp đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 18, tháng 11/2012, khi cả hai cùng tham dự buổi tiệc tri ân những cựu thành viên của CNPC những năm 1980, khi tập đoàn này đẩy mạnh việc thăm dò các mỏ tại vùng hoang mạc phía Tây.

Trong bài phát biểu chúc mừng, Tưởng đã liên tiếp nhắc tới Chu như “nhà lãnh đạo”, và kêu gọi các nhân viên trong ngành “đi theo sự lãnh đạo của trung ương đảng” và của cá nhân ông Chu, một vị lãnh đạo từng dự bữa tiệc cho biết. Sự xu nịnh, theo người này, “là quá rõ ràng”.

Nhưng nay, sự trung thành mà Tưởng dành cho Chu đã phản tác dụng. Tháng 9 năm ngoái, ông quan ngành dầu khí bị bãi nhiệm và bắt giam, và được xem như nạn nhân của một cuộc đấu đá giành quyền lực gây chấn động mà ông Chu là mục tiêu chính.

Đến nay, Chu Vĩnh Khang là quan chức cấp cao nhất bị điều tra tham nhũng kể từ khi đảng Cộng Sản Trung Quốc giành quyền lực năm 1949.

Ông Tưởng Khiết Mẫn đã bị khai trừ đảng và truy tố hình sự
Chu Vĩnh Khang (trái) đang là mục tiêu bị nhắm tới trong cuộc chiến chống tham nhũng của chính quyền ông Tập Cận Bình

Để cô lập vị cựu Bộ trưởng công an, chính quyền mới của chủ tịch Tập Cận Bình đã liên tục “triệt hạ” mạng lưới các đồng nghiệp, đồng minh chính trị, người thân, nhân viên, và cả các doanh nghiệp thân cận với gia đình ông Chu, những người có thông tin về cuộc điều tra tiết lộ.

Các điều tra viên đang phanh phui CNPC, nơi ông Chu, 71 tuổi, và là một kỹ sư địa vật lý, đã tạo dựng được mạng lưới các đồng minh và bạn bè rộng lớn sau nhiều thập niên.

Tưởng Khiết Mẫn, 58 tuổi, bị cáo buộc lợi dụng chức vụ và ngân sách khổng lồ của CNPC để giúp ông Chu mua những ưu ái chính trị, và duy trì mạng lưới những người ủng hộ khắp Trung Quốc, những người có quan hệ với giới lãnh đạo Trung Quốc tiết lộ.

Cuộc điều tra “chưa có tiền lệ”

“Quy mô cuộc điều tra đối với CNPC là chưa có tiền lệ, và có lẽ mức độ nghiêm trọng về tham nhũng tại tập đoàn này cũng là chưa từng có”, Qing Yi, một nhà kinh tế học độc lập tại Bắc Kinh cho biết.

CNPC là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới, với doanh thu năm 2013 đạt 432 tỷ USD. Theo giá trị vốn hóa, đây là tập đoàn dầu mỏ lớn thứ tư thế giới.

Các hoạt động của CNPC tại Canada, Indonesia, Trung Quốc và Turkmenistan đều đã bị “mổ xẻ”, những người có thông tin về quá trình điều tra cho biết. Ngoài ông Tưởng, giới chức Trung Quốc đã bắt phó chủ tịch CNPC Vương Vĩnh Xuân, các phó chủ tịch của công ty con PetroChina Lí Hoa Lâm và Ran Xinquan cùng người đứng đầu mảng địa chất của PetroChina, Wang Daofu.

Theo bản tin của Tân Hoa Xã ngày 14/7, ông Tưởng và ông Vương đang bị điều tra vì nhận hối lộ.

Trụ sở của CNPC tại Bắc Kinh
Trụ sở của CNPC tại Bắc Kinh

Các nguồn tin ngành dầu khí Trung Quốc cho biết 6 lãnh đạo cấp cao khác của CNPC đã bị bắt giữ và đang bị điều tra, nhưng các vụ việc không được công bố công khai. Hàng chục lãnh đạo khác bị thẩm vấn.

Mặc dù không bác bỏ các nghi án tham nhũng, một số người Trung Quốc cho biết các quan chức bị “sờ gáy” một phần là nạn nhân của một cuộc đấu đá quyền lực dữ dội.

“Tất cả đều diễn ra không minh bạch, do đó người ta nghi ngờ rằng đây chính là do tranh giành quyền lực”, Mao Yushi, một người ủng hộ cải cách kinh tế và là chủ tịch danh dự của Viện kinh tế học Unirule, một cơ quan tư vấn tại Bắc Kinh, cho biết. “Tôi cũng có nghi ngờ đó”.

Âm mưu thâu tóm quyền lực

Hiện sự lo lắng đang bao trùm tổng hành dinh của CNPC, các nhân viên tại đây cho biết. Nhiều lãnh đạo thường bị triệu tập để thẩm vấn. Một số gương mặt chủ chốt đã trở lại làm việc sau thẩm vấn, trong khi một số khác vẫn bị bắt giam. Các nhân viên CNPC cho biết họ tin sẽ còn nhiều vụ bắt bớ.

Chu Vĩnh Khang trở thành mục tiêu điều tra do bị nghi đã âm mưu thâu tóm quyền lực trước đại hội đảng lần thứ 18, tháng 11/2012 của Trung Quốc, các nguồn tin cho biết. Chu bị cáo buộc đã cất nhắc những người thuộc phe mình vào các vị trí lãnh đạo để có thể giật dây từ hậu trường khi đã về hưu. Và từ cuối năm ngoái, Chu thực tế đã bị quản thúc.

Tưởng Khiết Mẫn chính là một trong những trợ thủ đắc lực giúp ông Chu gây dựng mạng lưới những đồng minh chính trị. Khi còn lãnh đạo CNPC, Tưởng đã phê duyệt đề xuất xây nhà máy lọc dầu tại một số tỉnh để đổi lại sự ủng hộ này.

“Chính quyền các địa phương rất biết ơn bởi các nhà máy đó giúp họ thúc đẩy kinh tế và tạo việc làm”, một nguồn tin cho biết. “Thông qua Tưởng Khiết Mẫn, Chu Vĩnh Khang có được sự trung thành của họ”.

Một ví dụ điển hình cho điều này là quyết định đầy tranh cãi của Tưởng, cho phép xây một nhà máy lọc dầu và dự án hóa dầu trị giá 6 tỷ USD tại Pengzhou, gần thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên. Ông Chu từng là bí thư Tứ Xuyên giai đoạn 1999 – 2002 và nơi này chính là thành trì chính trị của ông.

Dự án lọc dầu tại đây bị chỉ trích dữ dội và nhiều cuộc biểu tình bảo vệ môi trường đã xảy ra, do nơi đây thường xảy ra động đất. Ngoài ra khu vực này cũng không gần bất kỳ cảng biển hay mỏ dầu nào. Nhưng ngay cả sau trận động đất cực mạnh năm 2008, ông Chu vẫn hối thúc chính quyền địa phương tiếp tục dự án.

Tịch thu 14,5 tỷ USD

Đến cuối tháng 8 năm ngoái, phó chủ tịch CNPC Vương Vĩnh Xuân là quan chức cấp cao đầu tiên của ngành dầu khí bị bắt. Vài ngày sau, sang đầu tháng 9, đến lượt quyết định điều tra Tưởng Khiết Mẫn được công bố.

Đến nay, hơn 300 người thân, đồng minh, mối quan hệ làm ăn của Chu Vĩnh Khang bị bắt hoặc thẩm vấn. Cơ quan chức năng cũng đã tịch thu khối tài sản lên tới ít nhất 90 tỷ nhân dân tệ (14,5 tỷ USD) từ các thành viên gia đình và cộng sự của ông Chu.

Sau khi ông Tưởng bị bắt là một loạt lãnh đạo khác của CNPC và PetroChina bị sờ gáy, bao gồm cả kế toán trưởng của CNPC, cựu lãnh đạo của PetroChina tại Indonesia, lãnh đạo PetroChina tại Iran và tháng 5 vừa qua là người đứng đầu mảng kinh doanh ở nước ngoài của “gã khổng lồ” ngành dầu khí này.

Chiếc Ferrari của con trai ông Ling Jihua nát bấy sau vụ tai nạn
Chiếc Ferrari của con trai ông Ling Jihua nát bấy sau vụ tai nạn

Một trong những phi vụ dùng tiền công quỹ vào việc tư tiêu biểu của CNPC được phanh phui đó là vào tháng 3/2012.

Trong một vụ tai nạn ô tô tại Bắc Kinh, con trai của Ling Jihua, một cộng sự đắc lực của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khi đó, đã tử nạn trên chiếc Ferrari khi đang đi cùng 2 phụ nữ trẻ khác. Một trong hai phụ nữ này cũng tử nạn.

Theo chỉ đạo của Chu Vĩnh Khang, Tưởng Khiết Mẫn đã thu xếp chi hàng triệu nhân dân tệ bồi thường cho gia đình người phụ nữ thiệt mạng, cũng như người còn sống để đánh đổi sự im lặng.

Với động thái giúp ém nhẹm vụ tai nạn, ông Chu muốn nhận được sự hậu thuẫn từ Ling Jihua. Tuy nhiên, khi ông Hồ Cẩm Đào được biết về vụ việc, ông đã giáng cấp Ling.

Trong quyết định khai trừ đảng ông Tưởng, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc không đả động tới vụ việc của Ling hay bất kỳ chi tiết nào khác. Thông báo chỉ khẳng định ông Tưởng phạm tội lợi dụng chức vụ làm lợi cho người khác, và nhận hối lộ với số tiền khổng lồ.

Một thời gian sau vụ tai nạn ô tô đình đám, mọi chuyện tưởng như êm xuôi với Tưởng. Tại đại hội đảng tháng 11/2012, ông Tập Cận Bình đắc cử Tổng Bí Thư, còn ông Chu về hưu. Tưởng được bầu vào trung ương đảng, cơ quan quyền lực với hơn 200 thành viên.

Thế nhưng trong khi Tưởng vẫn nghĩ mọi chuyện đang thuận lợi, ông Tập Cận Bình đã nhanh chóng tập hợp lực lượng. Tại quốc hội, một đồng minh thân cận của ông Tập và cũng là người nổi tiếng chống tham nhũng là nguyên phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn được bầu vào thường vụ Bộ chính trị, lãnh đạo Ủy ban kiểm tra kỷ luật và trở thành nhân vật quyền lực số 2, chỉ sau ông Tập.

Và cuộc chiến chống tham nhũng trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhanh chóng diễn ra sau đó, khiến Tưởng và nhiều đồng minh thân cận bị hạ bệ. Và rất có thể không lâu nữa, người từng nâng đỡ cho Tưởng sẽ là quân domino cuối cùng đổ xuống.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *