Quốc tế 30/05/2014 23:00

Chiến tranh mạng Mỹ - Trung leo thang

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder ngày 19-5 bất ngờ thông báo một bồi thẩm đoàn bang Pennsylvania đã quyết định khởi tố 5 bị can là quân nhân Trung Quốc tham gia các hoạt động tin tặc, gián điệp kinh tế qua mạng nhắm vào các tập đoàn Mỹ.

Cuộc chiến tranh mạng Mỹ - Trung đang lật sang một chương mới. Mới đây, sau khi xem xét cáo trạng của cơ quan công tố bang Pennsylvania, bồi thẩm đoàn Hạt Tây bang Pennsylvania cho rằng có cơ sở để xét xử các bị can Trung Quốc tại một tòa án Mỹ và ra quyết định khởi tố.

Mỹ “không dung thứ”

Quyết định này được các chuyên gia Mỹ đánh giá là chưa có tiền lệ trong luật quốc tế. Đây là lần đầu tiên cáo buộc nhắm vào đối tượng không phải là cá nhân hay phần tử “cá biệt” có những hành vi phạm tội hình sự mà là các quan chức quân đội một nước lớn. Đây cũng là một nước cờ được tính toán cẩn thận khi Mỹ quyết định tuyên chiến với Trung Quốc.

Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder không hề giấu giếm điều đó trong một cuộc họp báo. Theo ông, đây là những cáo buộc đầu tiên chống lại các nhân vật nhà nước dùng phương tiện không gian mạng để  thâm nhập các mục tiêu thương mại.


“Những bí mật thương mại và thông tin kinh doanh nhạy cảm bị đánh cắp trong trường hợp này là nghiêm trọng. Nó đòi hỏi phải có biện pháp trả đũa quyết liệt. Thành công trên thị trường thế giới cần phải đặt trên cơ sở duy nhất là khả năng sáng tạo và cạnh tranh chứ không phải dựa trên khả năng làm gián điệp và ăn cắp bí mật kinh doanh dưới sự bảo trợ của nhà nước. Chính phủ Mỹ sẽ không dung thứ  bất kỳ quốc gia nào có những hoạt động phi pháp phá hoại các công ty Mỹ và tính vẹn toàn của sự cạnh tranh lành mạnh trong quá trình vận hành của thị trường tự do” - ông Holder nhấn mạnh.

Sau tuyên bố nêu trên của bộ trưởng Tư pháp, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phát lệnh truy nã quốc tế đối với 5 bị can Trung Quốc là Wang Dong, Sun Kailiang, Wen Xinyu, Huang  Zhenyu và Gu Chunhui, tất cả đều là sĩ quan Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Họ bị cáo buộc 31 tội danh mà nếu xét thấy có chứng cứ, mỗi tội danh có thể bị kết án từ 2 đến 15 năm tù.

Cơ quan điều tra Mỹ cho biết các bị hại cụ thể là 5 tập đoàn công nghiệp và một nghiệp đoàn lớn nhất nước Mỹ có trụ sở đặt tại TP Pittsburg, bang Pennsylvania. Điều này giải thích tại sao Pennsylvania chứ không phải bang nào khác đứng ra khởi tố vụ án nêu trên.

Thiệt hại cả trăm tỉ USD

Pittsburg là một trong những trung tâm lớn nhất nước Mỹ về công nghiệp điện hạt nhân, luyện kim và sản phẩm công nghiệp điện mặt trời. Những nạn nhân của tin tặc nhà nước Trung Quốc bao gồm: Westinghouse Electric Co - một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ điện hạt nhân, chi nhánh tại Mỹ của SolarWorld AG  - tập đoàn Đức chuyên về pin mặt trời, U.S. Steel - tập đoàn thép lớn nhất của Mỹ, Tập đoàn Công nghệ hợp kim Allegheny Technologies Inc. (ATI), Tập đoàn Nhôm Alcoa Inc. và Liên đoàn Lao động ngành thép (USU).

Theo nhật báo Washington Post, tin tặc Trung Quốc đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ mỗi năm từ 24 - 100 tỉ USD. Theo cáo trạng của Pennsylvania, từ năm 2010 đến 2014, các tập đoàn, nghiệp đoàn nêu trên đã bị thiệt hại hàng chục tỉ USD.

Cụ thể, với Westinghouse, năm 2010, khi nhận thầu xây dựng 4 nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc, tập đoàn này đã  bị Sun Kailiang ăn cắp 700.000 trang email chiến lược thương thuyết, tài liệu mật về kỹ thuật và thiết kế đường ống có lợi cho một xí nghiệp quốc doanh Trung Quốc trong giai đoạn đàm phán về việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Với SolarWorld, năm 2012, Wen Xinyu và một số người khác ăn cắp hàng ngàn hồ sơ chứa thông tin nhạy cảm - bao gồm dòng quay tiền mặt, số liệu sản xuất, thông tin dây chuyền sản xuất, giá cả… - giúp Trung Quốc có lợi thế trong việc cạnh tranh với chi nhánh tập đoàn này tại Mỹ. Thị phần của SolarWorld tại Mỹ đã  bị thu hẹp do giá hàng cùng loại của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ quá rẻ.

Trong khi đó, Sun Kailiang đã mạo danh lãnh đạo U.S. Steel gửi email cài mã độc đến nhân viên tại những thời điểm tập đoàn này giao dịch thương mại với các công ty thép Trung Quốc. Sau khi các mã độc này xâm nhập hệ thống máy tính U.S. Steel, Sun ăn cắp tên máy chủ và bảng mô tả hệ thống máy tính của tập đoàn.

Tại ATI, năm 2012, Wen Xinyu ăn cắp giấy ủy nhiệm truy cập mạng nội bộ của hầu hết nhân viên tập đoàn. Ở thời điểm này, ATI đang tranh chấp thương mại với một công ty quốc doanh Trung Quốc.

Cũng trong năm 2012, Wen  ăn cắp email và tài liệu nhạy cảm của nhiều chức sắc cao cấp USU. Đây cũng là thời điểm USU tranh cãi với các công ty quốc doanh Trung Quốc ít nhất trong 2 lĩnh vực thương mại và kinh doanh.

Với Alcoa, 3 tuần sau khi tập đoàn này trở thành đối tác của một công ty Trung Quốc, Sun Kailiang gửi email cài mã độc đến các địa chỉ của tập đoàn. Bốn tháng sau, hàng ngàn tin nhắn qua email và văn bản đính kèm trên hệ thống máy tính của tập đoàn bị những cá nhân không xác định đánh cắp.

Bắc Kinh “ăn miếng trả miếng”?

Theo các nhà phân tích ở Washington, động thái truy nã tin tặc của Bộ Tư pháp Mỹ có hiệu quả pháp lý rất mơ hồ. Tuy vậy, theo ông James Lewis, chuyên gia về an ninh mạng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đó không hề là “một thông điệp rỗng tuếch”. Nó nhắc nhở Bắc Kinh phải hành động mang tính xây dựng thay vì đưa ra những luận điệu phản bác cũ rích. Nó cũng cho thấy tình báo Mỹ “rành sáu câu” mạng lưới gián điệp của PLA, thậm chí từng cá nhân phụ trách.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể “ăn miếng trả miếng” kiểu chiến tranh lạnh. Có thể họ sẽ phát lệnh truy nã một loạt tin tặc Mỹ, thậm chí nêu đích danh James Clapper, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ hoặc Keith Alexander, cựu Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ, để làm xấu mặt Washington.

Theo Nguyễn Cao

Người lao động

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *