Góc nhìn 13/02/2019 15:11

Giấy phép con: Cắt giảm thật hay giả?

Giấy phép con có lẽ là vấn nạn đáng sợ nhất của nền kinh tế Việt Nam. Luật Đầu tư 2014 đã cố gắng khoanh lại còn 267 ngành nghề phải xin giấy phép con và nêu rõ là chỉ Quốc hội mới sửa được cái danh mục đó.

Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế VCCI

Những tưởng đa số các doanh nghiệp sẽ được hưởng quyền tự do kinh doanh, chỉ một số ít rơi vào 267 ngành nghề trên thì mới phải xin phép. Nhưng khổ cái, ngành nghề không phải là một khái niệm rạch ròi.

Ví dụ, luật chỉ có 1 dòng ghi "kinh doanh khí" là kinh doanh có điều kiện. Nhưng đến khi làm Nghị định thì nó được chẻ thành cả chục ngành nhỏ hơn như sản xuất khí, nhập khẩu khí, bán buôn khí, bán lẻ khí, sang chiết khí, vận chuyển khí, sản xuất bình gas, sửa chữa bình gas...

Hay như ngành nghề an ninh, trật tự không chỉ quản lý dịch vụ bảo vệ, mà còn thêm cả dịch vụ in, mát-xa, phẫu thuật thẩm mỹ, con dấu, cầm đồ, súng bắn sơn, casino, karaoke, vũ trường, khách sạn...

Thế nên, trên thực tế, theo điều tra PCI, trong số 600.000 doanh nghiệp Việt Nam, có đến 58% doanh nghiệp phải xin giấy phép con thì mới được kinh doanh.

Đến năm 2016, Quốc hội cắt xuống còn 243 ngành nghề. Những tưởng giảm, nhưng trên thực tế với nhiều ngành thì không.

Ví dụ như Hiệp hội kinh doanh vàng vẫn nhiều lần kiến nghị về vấn đề này. Luật 2014 ghi 3 ngành nghề là: (262) Kinh doanh mua, bán vàng miếng; (263) Sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; (264) Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Đến Luật 2016 giảm xuống còn mỗi ngành (242) Kinh doanh vàng.

Nhưng ai cũng biết, khái niệm "kinh doanh vàng" không chỉ bao trùm 3 ngành trên mà còn thêm nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác nữa ví như mua bán vàng trang sức. Thậm chí, nếu muốn cơ quan nhà nước có thể đưa vào Nghị định để quản lý cả vàng dùng để sản xuất linh kiện điện tử, vàng có trong rượu vảy vàng, dịch vụ thẩm định vàng…

Năm 2018, Chính phủ ban hành hàng loạt Nghị định cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, mức độ cắt giảm khoảng 50%. Nhiều người gọi đây là bỏ 50% số giấy phép con, thực ra không phải. Doanh nghiệp vẫn phải xin giấy phép con, số lượng hầu như không thay đổi. Cái thay đổi là điều kiện để xin được giấy phép giảm đi.

Lần này, BKHĐT mạnh dạn đưa phương án cắt giảm nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đáng chú ý có bãi bỏ các ngành nghề sau:
- Dịch vụ mát xa
- Dịch vụ mua bán nợ
- Sản xuất, sửa chữa bình gas
- Xuất khẩu gạo
- Tạm nhập, tái xuất hàng đông lạnh
- Nhượng quyền thương mại
- Dịch vụ logistics
- Dịch vụ đào tạo môi giới bất động sản
- Dịch vụ đào tạo quản lý nhà chung cư
- Dịch vụ tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng
- Dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư
- Dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hoả táng
- Dịch vụ lập quy hoạch đô thị
- Dịch vụ in
- Đóng mới, hoán cải tàu cá
- Sản xuất mũ bảo hiểm
- Sản xuất, phát hành, phổ biến phim
- Dịch vụ lữ hành
- Dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, thời trang, thi hoa hậu
- Dịch vụ lưu trú, khách sạn

Nếu thực sự bỏ được những ngành nghề này thì số giấy phép con mới có thể thực sự giảm.

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *