Góc nhìn 19/08/2018 07:15

Ai tạo ra những “kỷ lục bột nở” vốn đầu tư?

Ai sẽ chịu trách nhiệm? Cá nhân nào, tổ chức nào? Thú thực, người viết chưa thấy ai tuyên bố về điều đó cả, và cũng chưa thấy ai xung phong nhận lỗi, nhận trách nhiệm. Có điều, hệ luỵ toàn dân “gánh” là rõ ràng!

Nhà báo Bích Diệp

Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 51.750 tỷ đồng, sau khi thẩm định đang đề nghị điều chỉnh xuống còn 33.568 tỷ đồng.

Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TPHCM tuyến 1, đoạn Bến Thành - Tham Lương vay nguồn Đức, ADB, EIB dự kiến tăng từ mức 26.116 tỷ đồng lên 47.603 tỷ đồng.

Đặc biệt, dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông tăng từ 8.769 tỷ đồng lên 18.000 tỷ đồng. Hay như dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội vay Pháp, ADB, EIB tăng tổng mức đầu tư từ 783 triệu EUR lên 1.176 triệu EUR.

Trên đây là những số liệu về việc điều chỉnh tổng vốn đầu tư của một số dự án mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa mới tổng hợp, báo cáo Chính phủ, các bộ ngành khác.

Không biết các bạn thế nào chứ cá nhân người viết bài này đang thực sự “hoa mắt”, “chóng mặt”. Toàn những con số khủng khiếp và tốc độ “đội vốn” cũng “quá nhanh, quá nguy hiểm”!

Đành rằng, muốn kinh tế phát triển thì phải có đầu tư, phải có “chi phí cơ hội”. Song, thử hình dung một đoạn đường đi làm từ Hà Đông vào trung tâm thành phố Hà Nội, bình thường chạy xe hết 20 phút, nhưng chỉ vì một dự án kéo dài, gây ách tắc giao thông, khiến giờ cao điểm người dân phải mất 1 tiếng rưỡi đồng hồ trên đường.

Hơn 1 giờ đó quy ra giờ công lao động là bao nhiêu tiền, nhân với gần chục năm kéo dài dự án, nhân với hàng nghìn người là bao nhiêu lãng phí? Đó là chưa kể có những dự án “vẽ” ra, tiêu tốn ngân sách rồi đổi lại là “kém hiệu quả”, là “thua lỗ”, “nguy cơ phá sản”.

Cách đây không lâu, dự án nạo vét sông Sào Khê với phê duyệt ban đầu là 72 tỷ đồng, nhưng sau đó “nở dần, nở dần” lên đến gần 2.600 tỷ đồng (đội vốn 36 lần) tưởng chừng đã là “gây sốc” lắm rồi.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, trước Quốc hội hồi tháng 5 vừa rồi đã phải ví von rằng, những dự án đội vốn, kinh phí ban đầu chỉ là “con chuột nhắt”, ấy thế mà biến hoá thế nào lại thành “con voi”.

“Có thể nói, cả thế giới khó tìm ra được loại bột nở nào để làm nở kinh phí đầu tư lúc đầu chỉ là con chuột nhắt, sau là con voi, mà lại là voi ma mút như vậy” – câu nói hài hước của ông Trí có thể khiến nhiều người bật cười, nhưng cười ra nước mắt. Bởi, rất nhiều dự án đội vốn sử dụng vốn ngân sách, có vốn ngân sách trực tiếp, có vốn vay ODA…

Năm 2018 này, dự kiến mỗi người dân nước ta phải “gánh” tới hơn 35 triệu đồng nợ công, tăng gần 4 triệu đồng mỗi người so với năm 2017. Tiếp tục vẫn là số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được báo Thanh niên phản ánh ngày 17/8.

“Vẫn còn những gia đình 5 người ăn bữa cơm 15.000 đồng. Tại sao lại có những dự án gây lãng phí như vậy?” – đại biểu Trí đã cảm thán như vậy. Dẫu rằng các phép so sánh là khập khiễng, nhưng thật khó chấp nhận được trong bối cảnh đất nước còn nghèo mà vẫn tồn tại quá nhiều lãng phí tại những công trình lớn!

Nguyên nhân thì có nhiều và đã được liệt kê tại tại các báo cáo của các bộ, ngành. Nào là do kéo dài thời gian ban giao mặt bằng, nào là trượt giá nguyên vật liệu, giá nhân công, rồi đến năng lực tư vấn kém…

Ai sẽ chịu trách nhiệm? Cá nhân nào, tổ chức nào? Thú thực, người viết chưa thấy ai tuyên bố về điều đó cả, và cũng chưa thấy ai xung phong nhận lỗi, nhận trách nhiệm. Có điều, hệ luỵ toàn dân “gánh” là rõ ràng!

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *