Số liệu ảo và sự thay đổi tư duy quản lý

Cách tính GDP của các tỉnh thành hiện nay là không xác thực, và so với quốc tế thì không giống ai cả. Ngay cả cách tính GDP trên cả nước cũng cần điều chỉnh lại cho phù hợp.

Theo TS Lê Đăng Doanh, thay đổi cách tính GDP là cần thiết nhằm tạo sự thay đổi trong tư duy quản lý kinh tế, không chạy theo “bệnh thành tích” của những số liệu ảo.

- Vậy đâu là lí do cách tính GDP của các địa phương không chính xác, thưa ông?

Nghịch lý về GDP ảo và đã tồn tại dai dẳng từ nhiều năm qua. Mặc dù, tất cả các cơ quan thống kê và hoạch định chính sách kinh tế đều biết, nhưng tình trạng này không hề được sửa chữa. Nguyên nhân chính là “bệnh thành tích GDP” đã trở thành mãn tính. Các báo cáo về GDP ở địa phương những năm qua hầu như chỉ nhằm mục đích công bố thành tích. Còn mục tiêu để điều tiết kinh tế địa phương đã bị xem nhẹ.

Chính quyền địa phương đã chạy theo các lợi ích cục bộ, tìm mọi cách để tăng tốc GDP trên bảng thành tích. Điều này đã buộc các cơ quan thống kê ở địa phương phải đưa ra những số liệu không xác thực. Có thể nói, số liệu thống kê của các địa phương luôn bị sức ép bởi chính quyền địa phương khiến nó méo mó, thiếu chính xác.

Nhiều số liệu đã được các địa phương cùng cộng vào trong “bảng thành tích” của mình để tính GDP. Một số thì cho rằng, năng lực của các cơ quan thống kê không đủ để loại trừ các số liệu trùng lắp này. Nhưng phần lớn thì nhìn nhận, họ không muốn loại trừ để nâng cao thành tích.

- Hậu quả của việc các địa phương chạy theo thành tích với những chỉ số GDP thiếu chính xác sẽ ra sao, thưa ông?

Việc chạy theo và dựa vào GDP ảo đương nhiên sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế của các địa phương. Chạy theo GDP ảo khiến nguồn lực bị phân bổ không đúng dẫn đến kém hiệu quả. Dùng GDP ảo cũng dẫn đến việc các địa phương không thể nào chẩn đoán đúng sức khỏe của nền kinh tế, và do vậy “kê đơn, bốc thuốc” thông qua các chính sách cũng khó có thể chính xác.

Tăng trưởng GDP trong 10 năm qua

Từ tình trạng GDP của các tỉnh thiếu chính xác những năm qua đã khiến nhiều người cho rằng, các địa phương không cần có thống kê GDP. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, các địa phương vẫn cần có thống kê GDP.

Đây là chỉ số quan trọng giúp họ có những điều chỉnh về chính sách, về đầu tư các nguồn lực một cách hiệu quả hơn. Để những báo cáo thống kê GDP các tỉnh được chính xác thì nó cần có tính độc lập. Có nghĩa là các cơ quan của trung ương sẽ đứng ra thống kê GDP cho các địa phương.

- Như vậy, ông hoàn toàn tin tưởng vào những số liệu thống kê của trung ương về chỉ số GDP?

Tôi chỉ nói, nếu một cơ quan của trung ương công bố thống kê của địa phương thì sẽ khách quan vì có thể nằm ngoài sức ép của chính quyền địa phương. Có nghĩa là chúng ta sẽ thống nhất để một cơ quan tập trung làm thống kê. Tuy nhiên, cách thống kê như thế nào lại là một việc khác.

Theo tôi, cách thống kê của cả nước về GDP cũng cần phải thay đổi vì hai lí do cơ bản. Thứ nhất, là đừng để sức ép thời gian làm biến dạng số liệu thống kê. Tổng cục Thống kê thường công bố các chỉ số cả GDP và nhiều chỉ số khác trước khi kết thúc tháng hoặc năm. Điều này buộc các số liệu phải chốt sổ sách trước khoảng nửa tháng. Những số liệu như vậy sẽ không phản ánh đúng tình hình kinh tế của tháng, hay năm.

Chúng ta chỉ nên tính trên lợi nhuận ròng hay nói cách khác là tổng thu nhập quốc gia. Những phần lợi nhuận mà không mang về cho người dân Việt Nam thì không nên tính. 

Một lí do khác theo tôi chưa phản ánh đúng thực chất chỉ số GDP là còn liên quan đến tính gộp cả lợi nhuận của khu vực DN FDI. Thực tế, chỉ số GDP chỉ tính đến các đơn vị thường trú trên lãnh thổ Việt Nam. Còn cái mà một quốc gia thực sự được hưởng là tổng thu nhập quốc gia (GNI) là bao nhiêu thì ít được chú ý đến. Trong niên giám của Tổng cục Thống kê hiện nay không chỉ công bố số liệu về GDP mà còn công bố cả về GNI. Tuy nhiên, hầu như không có hoặc rất ít người sử dụng số liệu này trong các nghiên cứu hoặc báo cáo. Mặc dù, chỉ tiêu này phản ánh đúng và thực chất hơn cả giá trị mà đất nước được hưởng.

- Theo ông, không chỉ địa phương mà cả trung ương cũng phải thay đổi lại cách tính GDP?

Hiện nay, các đánh giá tình hình kinh tế thường được gắn chặt với chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Trong khi đó, GDP lại được cộng tất cả phần giá trị gia tăng của các ngành trong nền kinh tế và thuế nhập khẩu. Như vậy, toàn bộ giá trị tăng thêm của khu vực DN FDI cũng được tính vào GDP của Việt Nam. Trong khi, lợi nhuận của khu vực này hàng năm vẫn được họ chuyển về nước với nhiều tỷ USD. Đây là lí do cơ bản khiến số liệu GDP không phản ánh đầy đủ bức tranh nền kinh tế.

Tôi cho rằng, cách tính chỉ số GDP nên thay đổi lại và thống nhất trên toàn quốc. Chúng ta chỉ nên tính trên lợi nhuận ròng hay nói cách khác là tổng thu nhập quốc gia. Những phần lợi nhuận mà không mang về cho người dân Việt Nam thì không nên tính. Cách tính này có thể khiến chỉ số tăng trưởng của Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn. Nhưng đây mới là những chỉ số đích thực của nền kinh tế. Việc hoạch định chính sách về đầu tư và phát triển cũng cần căn cứ vào những số liệu này thì nền kinh tế mới đi đúng những gì mà nó đòi hỏi.

- Xin cảm ơn ông!

Lấy tăng trưởng ảo làm mục tiêu phấn đấu là không đúng

 


Ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư:
Cách tính GDP hiện nay không thể chấp nhận được trong kinh tế. Các nước trên thế giới không ai tính GDP cho tỉnh, thành mà chỉ tính GDP chung cho cả quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta đang thời kỳ chuyển đổi nên chấp nhận tính GDP cho các địa phương mà chưa có cách nào khác để đánh giá, so sánh sự phát triển của các địa phương.

Việc chuyển tính GDP từ các địa phương lên Tổng cục Thống kê là bước rất quan trọng nhưng cũng rất nhạy cảm. Quan trọng ở chỗ là nếu như cứ để tình trạng các địa phương cứ tính sai GDP của mình thì dẫn đến sự hiểu lầm. Điều này khắc phục tình trạng tại sao các tỉnh, huyện có mức tăng GDP cao hơn nhiều trong khi GDP cả nước lại thấp. Nghịch lý này khiến các nhà kinh tế cho rằng, mỗi tỉnh của chúng ta là một nền kinh tế.

 

Nếu chúng ta không thay đổi cách tính GDP của các địa phương hiện nay thì hậu quả về mặt chính sách và kế hoạch sẽ rất lớn, tăng trưởng ảo, quyết sách sai. Ví dụ, các tỉnh có cửa khẩu như TP HCM, Quảng Ninh, Lạng Sơn hay Đà Nẵng mỗi năm có thể xuất khẩu được từ 3 - 5 tỷ USD, họ tính cả GDP mặt hàng xuất khẩu vào GDP của địa phương đó. Nhưng trên thực tế, các sản phẩm xuất khẩu không phải của các địa phương này làm ra mà từ các địa phương khác chuyển sang. Như vậy là cả nước đã tính nhưng các tỉnh thành trên lại tính tiếp thì làm ra tăng trưởng ảo. Tăng trưởng ảo làm chúng ta đưa vào nghị quyết chạy theo đó làm mục tiêu phấn đấu là không đúng.

 

Tiến tới các cục thống kê cấp tỉnh không trực tiếp biên soạn GRDP

 

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:
Quy trình tính GDP của các tỉnh hiện bộc lộ hạn chế, bất cập cả về chất lượng số liệu, tính đồng bộ, thống nhất trong phương pháp thu thập nguồn thông tin đổ vào, cách thức tổ chức thực hiện dẫn đến chênh lệch ngày càng lớn giữa GDP toàn nền kinh tế và tổng cộng GRDP tỉnh cho 63 tỉnh, thành. Nguyên nhân là các địa phương chịu ảnh hưởng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của từng thời kỳ và kế hoạch hằng năm. Nhưng kế hoạch này phần lớn không dựa trên cơ sở nguồn lực, dẫn đến con số tăng trưởng cao.

Phương pháp tính GDP mới dựa vào phân tích luồng thu chuyển thu nhập và chỉ tiêu trong nền kinh tế. Biên soạn chỉ tiêu GDP và GRDP (tổng sản lượng khu vực) phải thực hiện nguyên tắc thường trú. Theo nguyên tắc này, sản phẩm được sản xuất ở địa phương nào tính cho địa phương đó, sản phẩm do đơn vị thường trú ở địa phương nào sử dụng tính cho địa phương đó và thu nhập thuộc đơn vị thường trú ở địa phương nào tính cho đơn vị địa phương đó.

 

Từ năm 2016 trở đi, Tổng cục Thống kê sẽ trực tiếp biên soạn và công bố chỉ tiêu GRDP. Tuy nhiên, để đảm bảo tính kịp thời, tính liên tục của số liệu thống kê và có thời gian cho các đơn vị trong hệ thống thống kê tập trung tiếp cận với quy trình biên soạn mới, trong năm 2016-2017, Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê các tỉnh sẽ đồng thời cùng biên soạn số liệu GRDP, song khi công bố số liệu vẫn do Tổng cục Thống kê thực hiện. Từ năm 2018 trở đi các Cục thống kê cấp tỉnh không trực tiếp biên soạn số liệu GRDP nữa.

 

Theo Bá Tú 

Diễn đàn doanh nghiệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *