Hai "ông lớn" điện và than chịu ngồi lại để "giải cứu" than trong nước

Bộ Tài chính vừa phát đi thông báo về việc thương lượng giá bán than giữa bên bán (Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc và bên mua là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đạt kết quả tốt, các bên đã cam kết bán than với giá thương lượng từ ngày 1/9/2017.

Cụ thể, ngày 22/8/2017, các bên gồm TKV, Than Đông Bắc và EVN đã thống nhất được mức giá than cho sản xuất điện thời gian thực hiện từ ngày 01/09/2017. Bộ Tài chính yêu cầu các bên thực hiện giá bán than cho sản xuất điện theo đúng với thoả thuận đã được thống nhất từ ngày 1/9/2017.


Sau sự cố EVN đề xuất Chính phủ và thông báo ngừng mua thêm 2 triệu tấn than do giá cao, sau 4 tháng hai ông lớn này đã chịu ngồi lại với nhau (ảnh minh hoạ)

Sau sự cố EVN đề xuất Chính phủ và thông báo ngừng mua thêm 2 triệu tấn than do giá cao, sau 4 tháng hai ông lớn này đã chịu ngồi lại với nhau (ảnh minh hoạ)

Trước đó, tháng 5/2017 EVN đã đề xuất Chính phủ và thông báo ngừng mua thêm 2 triệu tấn than của TKV từ chỗ 19,92 triệu tấn, giảm xuống còn 17,92 triệu tấn. Nguyên nhân được EVN lý giải là do than của TKV đắt, sẽ làm cho chi phí, giá thành sản xuất điện tăng lên. Thậm chí là sẽ khiến ngành điện phải gánh thêm khoản lỗ lớn do giá than.

Ngay sau việc EVN thông báo giảm mua than trong nước, lãnh đạo của TKV cho biết sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn này trong năm nay. Theo tính toán từ TKV sẽ có khoảng 4.000 công nhân, lao động của TKV có nguy cơ thất nghiệp.

Thực tế, từ trước đến nay, hai tập đoàn TKV và EVN luôn có mối quan hệ khăng khít với nhau, EVN mua than của TKV để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện chạy than với giá được định sẵn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chi phí sản xuất than tăng cao, giá than thế giới cũng tăng nên giá than trong nước được điều chỉnh tăng. Đây là gánh nặng dồn lên vai không chỉ của EVN mà còn đẩy gánh nặng cho ngành, lĩnh vực phụ thuộc nguyên liệu đầu vào là than như: phân bón, hoá chất, luyện thép và vật liệu xây dựng...

Trên thực tế, theo quy định các DN được chủ động nhập khẩu hoặc đảm bảo nguồn cung ứng than cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, EVN cũng vậy. Nhưng sau sự việc này, Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã vào cuộc để làm việc với các bên.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, nếu TKV muốn tiêu thụ than tốt hoặc muốn đảm bảo việc làm người lao động phải tuân thủ các quy tắc của thị trường: giá bán, năng suất lao động và chi phí khai thác...

Thực tế, hiện ngành than đang hết sức khó khăn do khai thác ngày càng xuống mức sâu, để khai thác được lượng than đủ phẩm chất để bán và xuất khẩu phải khai thác độ sâu và khối lượng đào đất đá lớn. Chính vì thế, đòi hỏi phải có sự cải tổ quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ khai thác than trong thời gian tới để giảm chi phí trong quá trình sản xuất.

Về tình hình than xuất nhập khẩu của Việt Nam, theo báo cáo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết ngày 15/8, cả nước xuất khẩu hơn 1,3 triệu tấn than, tăng hơn 800.0000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với các năm từ 2014 trở lại đây, mức tăng xuất khẩu đã giảm, chủ yếu than được phục vụ nhu cầu trong nước, chỉ 1 số than chất lượng được xuất khẩu.

Về than nhập, tính đến nửa đầu tháng 8/2017, cả nước đã nhập hơn 8,8 triệu tấn, với kim ngạch hơn 870 triệu USD. Lượng than nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước đã giảm hơn 3 triệu tấn, nhưng kim ngạch tăng hơn 170 triệu USD. Điều này minh chứng, giá nhập than của Việt Nam ngày càng đắt đỏ.

An Linh

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *