Giá hàng hóa "kéo nhau" giảm vẫn chưa hết nỗi lo lạm phát cao

FICA - Theo Cục Quản lý giá, năm 2015 cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh năm 2014, tình hình thiên tai, bão lũ và việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, quan trọng thiết yếu (điện, than cho sản xuất điện, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí...).

Theo nhận xét của Bộ Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Hà Nội tháng 1/2015 giảm 0,17% so với tháng trước và tăng 0,67% so với cùng kỳ, việc CPI giảm trong tháng giáp Tết Nguyên đán không nằm trong quy luật. Con số này cách đây một năm tăng 0,7% so với tháng liền kề trước đó.

Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, nguyên nhân khiến CPI tháng này giảm một phần là do ảnh hưởng của việc giảm giá xăng dầu liên tiếp trong thời gian gần đây, kéo theo giá cước vận tải như xe taxi và một số tuyến xe khách giảm, đã làm cho nhóm giao thông giảm mạnh (giảm 3,78% so với tháng trước).

Bên cạnh đó, cùng với việc giảm giá xăng dầu thì từ ngày 1/1/2015 giá gas cũng giảm 2.750 đồng/kg, tương đương với mức giảm 33.000 đồng/bình 12kg khiến cho nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cũng giảm theo (giảm 1,18% so với tháng trước).

Đóng góp vào mức giảm trong rổ hàng hóa của TP. Hà Nội tháng này có 2/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước. Trong đó, nhóm giao thông giảm mạnh tới 3,78% so với tháng 12/2014; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,18% so với tháng trước.

Có 2 nhóm chỉ số giá không đổi so với tháng trước là nhóm bưu chính viễn thông và giáo dục. Còn lại 7/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước; tuy nhiên mức tăng không đáng kể, trong đó: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38%; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,21%; Nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,14%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng nhẹ 0,06%...

Trước đó, tại hội thảo về lạm phát do Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức vào tháng trước, TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính lo ngại, việc lạm phát giảm xuống mức thấp như hiện nay, ở một mức độ nào đó, là biểu hiện của sự phục hồi kinh tế chưa thật sự mạnh mẽ với mức tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư còn thấp hơn so với mức tiềm năng.

Tuy nhiên, nếu suy xét một cách sâu xa hơn, bản thân lạm phát thấp không hẳn là một thách thức. Lạm phát thấp là hệ quả chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến tổng cầu tăng thấp, mặc dù lạm phát ở mức quá thấp sẽ làm suy yếu khả năng chống đỡ của doanh nghiệp trước các cú sốc.

“Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ khi lạm phát giảm xuống mức thấp mà lãi suất danh nghĩa không thể giảm theo một cách tương ứng, mức lãi suất thực sẽ bị neo ở mức cao và khuyến khích người dân tăng tiết kiệm, giảm chi tiêu, khiến cho cầu nội địa tăng chậm và hệ quả là dẫn đến lạm phát có thể tiếp tục giảm”, TS. Nguyễn Đức Độ cảnh báo.

Theo dự báo của TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, CPI năm 2015 sẽ tiếp tục ở mức thấp, có thể giao động trong khoảng 2 – 3%. Mức lạm phát này sẽ kéo dài trong một số năm, và cũng nhiều khả năng sẽ là suốt giai đoạn 2016 – 2020. Theo ông, lạm phát và tăng trưởng kinh tế chỉ thay đổi mạnh khi nào số nợ xấu và những rủi ro trong nền kinh tế được xử lý và kiểm soát một cách triệt để.

Bà Ngô Thị Ánh Dương Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá Tổng cục Thống kê cũng như ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình cho rằng, không chủ quan trước lạm phát thấp, việc điều hành giá cả vẫn cần phải theo dõi sát sao, khi điều chỉnh giá phải có lộ trình, và trước những phản ứng xấu của thị trường cần linh hoạt, kịp thời điều chỉnh chính sách giá… Bởi vì, giá cả trong 2 năm qua dẫu có ổn định hơn cũng chỉ là tạm thời bởi nền kinh tế Việt Nam thực chất vẫn còn quá nhiều khó khăn, sự phát triển chưa thực sự bền vững.

Theo nhận định của Cục Quản lý giá, áp lực lạm phát từ thị trường thế giới năm 2015 không quá cao, kết hợp với những thành quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được tích cực triển khai thực hiện từ những năm trước là những thuận lợi để phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát năm 2015.

Tuy nhiên, năm 2015 cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh năm 2014, tình hình thiên tai, bão lũ và việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, quan trọng thiết yếu (điện, than cho sản xuất điện, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí...).

Với trách nhiệm và thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ quản lý chuyên ngành; UBND cấp tỉnh trong năm 2015 cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hàng hóa dịch vụ chuyên ngành thuộc Bộ và tại địa phương. Đồng thời, thực hiện giám sát chặt chẽ kê khai giá của DN đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước...

Trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trước mắt, từ nay đến cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, nhất là dịp Tết; tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý... góp phần bình ổn giá cả thị trường.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *