Độc giả Dân trí "sốt" với phát biểu "Thu phí BOT kiểu trấn lột"

Độc giả dân trí đã nhất loạt ủng hộ sau phát biểu của TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông cho rằng: “Thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột, trả một đồng thôi mà bất công người dân cũng không chịu”.

Bạn đọc đồng lòng ủng hộ

Đồng ý với quan điểm của Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bạn đọc có nickname Con Ngoc cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng quan điểm với đồng chí Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Nếu không minh bạch, không kiểm soát thì nhân dân cứ cho đây là "sân sau" của mấy quan chức. Một đất nước đang phát triển thì không nên lấp lửng, nên công khai minh mạch”.

“Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo mạnh về mấy cái BOT này để nhân dân chúng tôi còn có niềm tin vào chính phủ để ra sức làm việc, học tập và xây dựng đất nước”, bạn đọc Con Ngoc mạnh dạn đề nghị thêm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau khi nghe những lời chia sẻ của TS Nguyễn Sỹ Dũng, bạn đọc Lưu Quốc Tuấn còn phải thốt lên rằng: “Ông phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội nói quá hay, quá chuẩn. Chứng tỏ các lãnh đạo cao cấp cũng đã hiểu, đã biết từ lâu rồi nhưng chưa thể xử lý được”.

“Tại sao lại như vậy? Đôi khi người nói rất đúng nhưng lại động chạm có khi bị vạ lây. Thiết nghĩ xã hội đã đổi mới, người dân cần phải được nói thẳng, nói đúng suy nghĩ, không né tránh cho dù người đó có là ai. Làm được như vậy đất nước mới hoá rồng, mới ngang và hơn Singapore”, bạn đọc Lưu Quốc Tuấn bình luận thêm.

Không phủ nhận lợi ích của các dự án BOT mang lại, độc giả với nickname Phamdinhmui nhận định: “Về lý người dân sử dụng dịch vụ thì phải trả tiền, sử dụng bao nhiêu trả ngần ấy theo đúng đơn giá. Cũng theo lý, dịch vụ phải đáp ứng đúng chất lượng, xứng với đồng tiền người được thụ hưởng đã trả”.

“Cái lý giàng buộc trách nhiệm và quyền lợi của đôi bên, đảm bảo công bằng và minh bạch. Không có chuyện nhập nhằng, lạm dụng, "ít xít ra nhiều". Người dân cần sự công bằng, minh bạch, điều tối thiểu đó không được thực hiện, người dân buộc phải lên tiếng. Và khi ấy, các nhà quản lý hãy học cách "nghe dân"”, độc giả Phamdinhmui khẳng định thêm.

Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Phạm Văn Quyết phân tích: “Tôi cho rằng những người làm BOT vì quá tham lam mà cố tình không hiểu dân Việt Nam. Hãy ra chợ mà quan sát, người dân sẵn sàng bỏ cả triệu đồng làm phúc, ủng hộ người gặp nạn, nhưng ra chợ một bó rau vài nghìn đồng vẫn mặc cả. Rõ ràng người dân cần rõ ràng công khai xin là xin và sẵn sàng cho, còn mua bán thì phải sòng phẳng”.

Nhân dịp sự kiện BOT đang thu hút được sự chú ý của dư luận và cơ quan quản lý Nhà nước, độc giả Nguyễn Thái Bình thẳng thắn đề nghị: “Nhân dân lâu nay rất bất bình mà không biết kêu ai,nhân dịp này đề nghị nhà nước kiểm toán lại tất cả BOT giao thông, từ đó tính lại mức thu, thời gian thu phí và dịch trạm thu cho hợp lý”.

Còn rất nhiều ý kiến độc giả gửi về ủng hộ những phát biểu của nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội mà không thể tổng hợp hết. Nhiều người đã thốt lên: “Ông Dũng này mới thật sự là đại biểu của dân. Còn ông Kiên thì hình như đại biểu của nhóm BOT và 1 số khác thì phải”.

Ý kiến trái chiều quanh phát biểu của 2 đại biểu Quốc hội

Một nickname vô thưởng vô phạt Công Dân (CDNM) đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm cá nhân: “Thưa bác Dũng tôi là 1 công dân Việt Nam có mấy lời như sau: 1, Rất đồng ý với ý kiến của bác, nhưng những điều bác vừa nói ở trên khi bác còn đương nhiệm thì tác dụng sẽ cao hơn nhiều. Tôi cứ thắc mắc tại sao bác không đưa ra ý kiến này khi bác còn đang phục vụ đất nước, chắc chắn bác thấy bất cập từ lâu rồi”.

“2, Sáng nay tôi vừa đọc 1 bài có thấy bác Nguyễn Đức Kiên (Đại biểu Quốc hội). Ông ấy nói rằng, phải điều tra những người cố tình gây rối ở trạm thu phí số 1 quốc lộ 5. Vì lý do họ thanh toán bằng tiền lẻ, rồi ông ấy gán cho họ là có tổ chức, cố tình...”, CDNM nói.

Cũng theo bạn đọc CDNM: “Vì đâu nên nỗi mà người dân họ phản ứng, là đại biểu của nhân dân lẽ ra Quốc Hội phải tìm hiểu tâm tư của họ, đằng này Ông kiên lại mang công an ra dọa họ chỉ vì họ thấy mình bị bất công. Thưa bác! Có lẽ khi sau này ông Kiên lại là "nguyên" thì có lẽ mới lại đấu tranh quyền lợi cho dân thì đã muộn bác ạ. Vài lời tâm huyết mong muốn lãnh đạo hãy vì dân mà làm việc để bảo vệ lấy thành quả mà Đảng đã đổ bao xương máu mới dành được”.

Sau khi đọc bài viết, độc giả Phạm Văn Nghĩa đã đưa ra bằng chứng rất logic: “Nhận xét của Luật sư Trương Thanh Đức và nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận xét, đánh giá rất chính xác về các dự án BOT hiện nay. Các vị trí đặt trạm thu phí toàn chọn những vị trí "đắc địa" nhất, nhằm để "tận thu" triệt để”.

“Cụ thể, Quốc lộ 18, đoạn từ Đại Yên đến Cửa Ông không đến 70 km mà đặt 2 trạm thu phí để 2 lần "chém" khách từ các tính khác muốn đến lễ Đền Cửa Ông. Tuyến đường này được Nhà đầu tư "tráng bánh đa" Quốc lộ 18 để thu tiền của dân. Người dân không có lựa chọn nào khác, vì chỉ có duy nhất một tuyến đường độc đạo”, anh Nghĩa bức xúc cho biết.

Hiện nay, niềm tin của nhân dân đang khá thấp, chính bạn đọc cũng Hung Duong Van cũng phải kết luận rằng: “Nếu Nhà nước và Chính phủ không giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn tại về phí BOT thì sẽ giảm sút nghiêm trọng niềm tin của dân với bộ máy công quyền của Nhà nước”.

Thế Hưng

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *