Dòng chảy vốn 20/06/2014 15:28

Trung Quốc không thể cầm đằng chuôi trong nhập khẩu gạo VN

Trung Quốc ồ ạt thu mua nông sản, thủy sản giá cao rồi đột ngột dừng thu mua khiến giá giảm mạnh song kịch bản sẽ không xảy ra đối với gạo.

GS Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp nêu quan điểm trước thực tế đang diễn ra là Trung Quốc nắm thế chủ động, cầm đằng chuôi trong việc thu mua các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

 

Điệp khúc ồ ạt mua giá cao, đột ngột dừng

 

PV: - Ngay khi những diễn biến căng thẳng trên biển Đông diễn ra, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân do tình hình lương thực của Trung Quốc không mấy sáng sủa, cụ thể là TQ đang thiếu gạo. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, TQ tăng nhập gạo không phải vì thiếu gạo mà do muốn chủ động nhập khẩu gạo với giá rẻ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

 

GS Võ Tòng Xuân: - Theo tôi cả 2 lý do trên này đều đúng vì Trung Quốc không bao giờ có thể tự túc về lương thực với dân số đông hơn 1,4 tỷ người và họ phải nhập khẩu lương thực với mức giá rẻ.

Do đó Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập và họ nhận ra nhập vào thời điểm này có lợi hơn rất nhiều vì giá đang rẻ. Trung Quốc đã nhìn nhận, tại Việt Nam trong tương lai gần sẽ sắp xếp lại cách làm ăn, xuất khẩu chính ngạch thay vì tiểu ngạch như thời gian vừa rồi sẽ khiến giá sẽ tăng lên nên Trung Quốc thu được bao nhiêu hay bấy nhiêu vì vậy Việt Nam yên tâm về mặt nông sản Trung Quốc sẽ tiếp tục lệ thuộc mình.

 

Mặc dù Thái Lan cũng là một thị trường lớn có thể cũng được Trung Quốc chú ý nhưng gạo của Thái Lan đang đắt hơn so với Việt Nam rất nhiều nên Trung Quốc với những đơn hàng của Thái Lan, có thể sẽ chỉ xem xét sau đó lại hủy bỏ và mua gạo của VN vì giá rẻ.

 

PV: - Ở các mặt hàng nông sản như ớt, xoài hay thủy sản như tôm … đã có tình trạng TQ ồ ạt thu mua với giá cao rồi sau đó ngừng thu mua khiến giá giảm mạnh. Cụ thể, với việc thu mua tôm, năm ngoài TQ thu mua tôm giá cao, không quan tâm đến chất lượng, dư lượng kháng sinh thậm chí còn thực hiện bơm chích tạp chất có mục đích vào tôm

Hay với ớt, doanh nghiệp Trung Quốc đã từng cung cấp giống ớt cho các hộ dân, thu mua với số lượng ít rồi sau đó không thu mua nữa. Liệu kịch bản này có lặp lại với mặt hàng lúa gạo hay không, thưa ông?

 

GS Võ Tòng Xuân: - Trung Quốc vào vơ vét các mặt hàng nông sản của Việt Nam là việc đã diễn ra trong nhiều năm và với nhiều mặt hàng khác nhau vì vậy vấn đề đặt ra là phải làm hợp đồng mua bán với những ràng buộc cụ thể.

 

Bây giờ việc Trung Quốc mua nhiều, mua ít không có hợp đồng nên họ luôn chủ động thu mua tùy thuộc vào nhu cầu của họ, có lợi cho họ thay vì đôi bên cùng có lợi.

Trung Quốc ồ ạt thu mua nông sản, thủy sản giá cao rồi đột ngột dừng thu mua khiến giá giảm mạnh song kịch bản này sẽ không xảy ra đối với gạo

Trung Quốc ồ ạt thu mua nông sản, thủy sản giá cao rồi đột ngột dừng thu mua khiến giá giảm mạnh song kịch bản này sẽ không xảy ra đối với gạo

 

Tôi nghĩ mặt hàng thủy sản đúng ra Trung Quốc cũng không thiếu bằng mặt hàng nông sản do Trung Quốc cũng có đội đánh bắt thủy sản tương đối mạnh. Cái mà Trung Quốc làm với thủy sản có phần giống như đối với các mặt hàng nông sản được thu mua với giá cao không rõ mục đích như lá khoai lang, mầm thảo quả, gián đất…. với cách Trung Quốc mua những cái mình nghi là muốn phá hoại mình.

 

Mua lá, mua rễ giá cao không rõ mục đích trong thời gian vừa qua đã được cảnh báo nhiều nên Trung Quốc có muốn mua chắc chắn chúng ta nên có những ràng buộc bằng hợp đồng.

 

Trung Quốc là thị trường dễ tính, thu mua mà không quan tâm đến dư lượng, chất lượng, với sản phẩm tôm Trung Quốc đã ráng mua gom cho nhanh chứ không phải phá Việt Nam vì vậy mới dẫn đến hiện tượng thu mua giáo cao hơn giá doanh nghiệp trong nước thu mua, tiến hành bơm chích tạp chất.

 

Trong khi Việt Nam có thị trường bên các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc cũng muốn giành thị trường đó, họ gom giá rất cao.

 

Các tỉnh nên dè dặt, khi thương lái Trung Quốc vào phải làm hợp đồng đàng hoàng không thể mạnh ai nấy làm khiến nông dân thiệt hại dài.

Kịch bản này theo tôi không lặp lại với mặt hàng lúa gạo, vì lúa gạo là món hàng cơ bản nên Trung Quốc sẽ không muốn chơi theo kiểu kia. Trung Quốc phải tiếp tục mua do đó VN yên tâm vì TQ sẽ còn thiếu gạo và không gạo nào rẻ hơn VN khi xuất sang TQ.

 

Khi lập lại trật tự thị trường, các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng hơn sẽ thấy giá gạo của VN tăng lên, các đối tác khác cũng sẽ mua gạo của VN, tăng giá làm gạo có thương hiệu có chất lượng cao hơn.

 

Loại bỏ doanh nghiệp làm ăn chụt giật

 

PV: - Xin ông cho biết, tại sao Trung Quốc luôn giữ thế chủ động trong buôn bán nông sản với Việt Nam, thưa ông? Điều này dẫn đến hậu quả như thế nào cho xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi mà thị trường phần lớn vẫn chủ yếu là Trung Quốc?

 

GS Võ Tòng Xuân: - Trung Quốc giữ thế chủ động trong buôn bán nông sản với Việt Nam vì Trung Quốc mua không cần chất lượng, các doanh nghiệp Việt Nam bán dễ dàng.

 

Việt Nam phải sửa lại chiến lược phát triển nông sản, thay vì chú trọng số lượng, phải tăng chất lượng thì sẽ không có giá rẻ. Ví dụ một công ty ở Đồng Tháp bán gạo cho Trung Quốc thương lái đến ký hợp đồng chính thức, giá cao cho thấy bên Trung Quốc cũng có những công ty làm ăn đàng hoàng, mua gạo chất lượng cao trong khi có nhiều công ty không đàng hoàng, mua với giá rất rẻ.

Dư lượng kháng sinh trong tôm xuất khẩu đã vượt mức cho phép và giá tôm cũng giảm.
Thương lái Trung Quốc đã từng thu mua tôm giá cao, không quan tâm đến chất lượng, dư lượng kháng sinh thậm chí còn thực hiện bơm chích tạp chất có mục đích vào tôm

 

Cho đến giờ vẫn lặp lại do các doanh nghiệp, thương lái của Việt Nam muốn bán dễ dàng, thu mua cũng ép dân giá rẻ, vận chuyển hàng thay vì xe chỉ được phép chở 10 tấn lại chở quá quy định, 30-40 tấn.

 

Bằng cách làm này một phần hại nông dân, một phần hại nhà nước vì khiến đường hư hỏng, nhà nước phải bỏ tiền ra sửa, tức là tiền thuế do dân đóng. Như vậy Việt Nam đã thiệt đơn thiệt kép vì doanh nghiệp VN lợi dụng nông dân, doanh nghiệp TQ cũng lợi dụng điều đó.

 

Tới đây khi các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng lại, chú ý chất lượng, chuyên chở phải làm đúng giá, giá món hàng tăng thì bên kia giá sẽ cao và có lời hơn cho VN. Tất nhiên ban đầu TQ sẽ trả giá nhưng TQ vẫn sẽ thiếu và chắc chắn sẽ vẫn mua, mà không có nhiều lựa chọn khác cho TQ do gạo Thái Lan giá rất cao

 

PV: - Ông cũng chỉ ra chất lượng của các sản phẩm nông sản cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị thu hẹp và bị động vào thị trường Trung Quốc. Ông nhận xét như thế nào về công nghệ chế biến của các sản phẩm nông sản, thủy sản, thưa ông?

 

GS Võ Tòng Xuân: - Về khâu chế biến chúng ta đã không tôn trọng hết những tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy nguồn gốc sản phẩm trong khi đó doanh nghiệp cũng lừa gạt nông dân.

 

PV: - Với cung cách làm ăn của Trung Quốc, theo ông cần có những biện pháp gì để thay vì bị động, Việt Nam phải nắm được thế chủ động trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản? Các cơ quan chức năng, bộ ngành như Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương cần đưa ra những biện pháp điều hành cụ thể như thế nào để người dân không chịu thua thiệt, thưa ông?

 

GS Võ Tòng Xuân: - Các doanh nghiệp VN phải làm sản phẩm có chất lượng, nắm rõ quy trình làm từ hạt lúa hoặc mớ rau, trái cây, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản chế biến để có chất lượng tốt.

 

Doanh nghiệp cũng phải chỉnh đốn lại cơ sở vật chất để ra được sản phẩm có thương hiệu chất lượng cao hơn và xuất chính quy bằng tàu thủy, tàu hỏa hay vận chuyển đường bộ bằng giá chuẩn thì giá các sản phẩm mới cao.

 

Bắt buộc phải xuất khẩu chính ngạch, không thể tiểu ngạch mãi mãi, sản phẩm phải đạt chất lượng. Bộ Nông nghiệp có quy hoạch, hướng dẫn người dân trong quá trình trồng, chế biến, thu hoạch, Bộ Công thương phải có những quy định lựa chọn các doanh nghiệp xuất khẩu, làm nhiệm vụ xúc tiến thương mại.

 

Riêng với xuất khẩu gạo, phải loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, phải kiểm soát để loại những doanh nghiệp chỉ giỏi nói ra khỏi sân chơi, để những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có máy móc hiện đại, có liên kết với nông dân làm ra các sản phẩm có thương hiệu mới cho xuất khẩu. Nếu cứ tiếp tục xuất khẩu theo tiểu ngạch nông dân sẽ không thể khá lên được.

 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo Nguyên Thảo (thực hiện)

Đất Việt

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *