Dòng chảy vốn 28/04/2015 06:30

Thất bại nội địa hóa ô tô Viêt Nam, vì đâu nên nỗi?

FICA - Do dung lượng thị trường nhỏ hẹp, số lượng một loại xe trong các dòng xe được đưa ra thì trường chỉ vài trăm, vài nghìn chiếc/năm, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đang không khuyến khích các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp xe nội và DN phụ trợ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa

Đó là những điểm nghẽn, những vấn đề được cho là cố hữu khiến sau gần 20 năm, chiến lược nội địa hóa ô tô Việt Nam vẫn chỉ là ước mơ xa vời và mục tiêu trên giấy.
 

Theo thống kê của VAMA, dù dân số đạt 90 triệu người nhưng thị trường ô tô của Việt Nam vẫn chỉ ở tiềm năng. Năm 2014 tổng lượng tiêu thụ xe ô tô của Việt Nam chỉ đạt 150.000 xe, trong đó Thái Lan là 2,1 triệu xe, Indonesia là 1,2 triệu xe được tiêu thụ.

Doanh nghiệp “tham bát, bỏ mâm”?

Theo ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), TGĐ Toyota Việt Nam (TMV), muốn làm được ô tô, Việt Nam bắt buộc phải giải quyết ba vấn đề: thị trường, sản lượng và chuyển giao công nghệ.

Về thị trường, các DN cần nhất là chính sách phát triển thực sự bài bản. Cạnh tranh công bằng từ các ưu đãi đầu tư và không nên ban hành các ưu đãi cho tất cả các DN trong khi không ràng buộc trách nhiệm và xem xét khả năng họ có thể nội địa hóa đến đâu.

Thứ hai, muốn có nền công nghiệp ô tô, phải có dung lượng thị trường lớn, sản xuất một dòng xe chủ lực với số lượng lớn cho thị trường thì mới đòi hỏi các DN nội địa hóa được. Điểm yếu lớn nhất của các DN ô tô Việt Nam chính là tham lợi nhuận thị trường, ôm đồm và không có định hướng phát triển. Các DN Việt Nam quá ham bài toán lợi nhuận thị trường, họ lắp ráp hàng loạt xe, xe nào cũng có, ô tô 9 chỗ, 7 chỗ, 4 chỗ, bán tải rồi xe tải nhỏ… một DN chọn tất cả để làm, mỗi năm ra đời vài trăm, vài nghìn chiếc để tranh thủ kiếm lợi do bảo hộ giá mà quên đi rằng cần phải có dòng xe chiến lược để phục vụ nội địa hóa và chiến lược.

Nếu Thái Lan phát triển rất mạnh dòng xe Pick up (bán tải), thì Ấn Độ, Indonesia họ phát triển mạnh dòng xe ô tô con 4 – 5 chỗ giá rẻ thì Việt Nam tìm đỏ mắt không thấy một sản phẩm đặc thù ngoài Inova 7 chỗ của Toyota và một vài dòng xe tải nhỏ được coi là xe chiến lược. Nhưng các sản phẩm này hiện cũng đang bị cạnh tranh rất mạnh từ xe Suv nhập khẩu và thị trường của dòng xe này đang hẹp lại.

Trùng quan điểm trên, ông Trần Bá Dương – TGĐ Công ty ô tô Trường Hải phân tích: Mỗi loại xe có một thiết bị, linh kiện chuyên biệt. Vì vậy, để có một ngành công nghiệp ô tô, có tỷ lệ nội địa hóa cao, các DN bắt buộc phải sản xuất một chủng loại xe với số lượng lớn, áp đảo thị trường. Dòng xe ấy phải là dòng xe của nền công nghiệp ô tô quốc gia đó thì mới hy vọng nội địa hóa cao.

Với cách làm của các DN ô tô Việt Nam hiện nay, các DN đều có các sản phẩm khác nhau, mỗi sản phẩm, chỉ lắp ráp vài trăm hoặc vài nghìn chiếc chiếc rồi tung ra thị trường nhằm kiếm lợi nhuận trước mắt thì ai dám làm công nghiệp hỗ trợ nữa.

Thuế tiêu TTĐB hiện hành, đẩy khó cho doanh nghiệp!?

Trước nỗi lo từ năm 2018, thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc (CBU) bằng 0 và thuế nhập khẩu linh phụ kiện cho lắp ráp trong nước (CKD) bằng 0% sẽ là sự cáo chung cho các DN ô tô Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Huyên, TGĐ Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) nhấn mạnh: Vẫn còn cách để cứu vãn ngành công nghiệp ô tô của Việt nam bằng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có lợi cho DN trong nước, cho người tiêu dùng mà các nước như Thái Lan, Indonesia đang làm và được Tổ chức Thương mại thế giới WTO cho phép, đó là tính thuế TTĐB theo linh kiện lắp ráp nhập khẩu.

Theo ông Huyên, hiện cách tính thuế TTĐB theo dung tích xe, và giá bán xe mà Việt Nam đang áp dụng đã lỗi thời, không khuyến khích các DN đẩy mạnh nội địa hóa và hơn nữa là chỉ dễ cho quản lý Nhà nước.

Theo đó, các nước đều đánh thuế TTĐB rất lớn vào phụ tùng và linh kiện ô tô có dung tích cao (xe có dung tích xilanh 2.5L trở lên) nhập khẩu từ nước ngoài, mặt khác bỏ thuế TTĐB đối với linh kiện, xe dung tích thấp sản xuất được ở trong nước. Lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về DN nội và từ đó DN ô tô trong nước mới có cơ hội phát triển.

“Chính sách thuế TTĐB với linh kiện nhập khẩu đang được các nước áp dụng vừa giúp các DN phụ trợ có thêm cơ hội, việc làm, các DN lắp ráp, sản xuất trong nước tích cực nội địa hóa. Với cách tính thuế này thì DN nào càng ít nhập khẩu linh kiện, càng có lợi vì không phải chịu thuế TTĐB/ giá thành xe. Chính phủ sẽ không cần ra một chính sách nào về phát triển công nghiệp ô tô nữa cả, người dân được mua xe rẻ, DN cũng tự động nâng tỷ lệ nội địa hóa lên cao bởi đấy là lợi ích đối với họ và chuỗi cung ứng của họ”.

Về khả năng và cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ông Trần Bá Dương, chủ tịch ô tô Trường Hải khẳng định: Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng nền công nghiệp ô tô, bởi thị trường Việt Nam đang được kỳ vọng bởi dân số sắp đạt ngưỡng 100 triệu người, thu nhập đang tăng, tốc độ xây dựng đường sá đang phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ sở hữu xe hơi/dân còn thấp… đây là cơ hội cho các DN ô tô.

“Chúng ta có quyền hy vọng bởi kinh nghiệm của ô tô Trường Hải cho thấy điều đó, từ năm 2002, tôi chỉ là người buôn xe cũ, đến giờ này sau 12 năm chúng tôi đã có được thị trường với dòng xe tải chiếm 40%, xe bus chiếm khoảng 60% và đặc biệt với xe con dù mới tham gia từ 2008 đã có được 30% thị trường. Ô tô là ngành cơ khí chính xác cao, phát triển dựa trên cơ sở khoa học công nghệ vững mạnh. Ngành ô tô Việt Nam đi từ con số 0 nay đã phát triển được một số DN rồi, dù chỉ trong thời gian ngắn 20 năm hình thành và hơn 10 năm có chiến lược phát triển. Chúng ta cần bảo vệ thành quả trước  ngành công nghiệp ô tô Thái Lan và Indonesia vốn có lịch sử hình thành từ gần 40 năm trước và đang phát triển mạnh mẽ”, ông Dương nói.

Nguyễn Tuyền
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *