Dòng chảy vốn 16/11/2013 08:47

Thà bán rẻ còn hơn để vốn nhà nước "chết”

Đó là quan điểm của TS. Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Trao đổi về Nghị định 151/2013/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 20/12/2013, TS. Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc cho phép bán vốn nhà nước thấp hơn mệnh giá đối với doanh nghiệp thua lỗ là “thà bán rẻ còn hơn để vốn nhà nước bị chết”.

 

Ông bình luận thế nào về Nghị định 151/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)?

Nghị định này có rất nhiều quy định mới, trong đó, tôi đánh giá rất cao nguyên tắc cho phép hạ giá khởi điểm khi bán đấu giá vốn nhà nước tại doanh nghiệp không thành công; đấu giá bán cả lô đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng bán hết vốn nhà nước và bán thấp hơn mệnh giá đối với doanh nghiệp thua lỗ nhằm thu hồi tối đa phần vốn nhà nước đã đầu tư.

Với cơ chế bán vốn mới, hy vọng, SCIC sẽ nhanh chóng thoái hết vốn nhà nước đầu tư vào những ngành nghề mà Nhà nước không cần đầu tư hoặc không cần chi phối

Nhưng thưa ông, cũng như SCIC, các doanh nghiệp muốn bán vốn nhà nước rất khó thực hiện nguyên tắc “bảo toàn, phát triển giá trị vốn nhà nước”?

Chúng ta đang xây dựng cơ chế thị trường và đang làm hết sức mình để được các nước trên thế giới công nhận có nền kinh tế thị trường. Khi đó, không chỉ hàng hóa, dịch vụ, mà cả công nợ, vốn cũng phải để thị trường tự định giá, không thể lấy ý muốn chủ quan “bảo toàn vốn” theo nghĩa hẹp trong việc bán vốn nhà nước được. Bởi trong cơ chế thị trường, giá cả không chỉ xoay quanh giá trị, mà còn do cung - cầu quyết định.

Ông có thể cho một ví dụ dễ hiểu để giải thích vấn đề phức tạp này?

Nếu hôm nay, tôi ra chợ bán con gà được 100.000 đồng, nhưng vì lý do nào đó mà tôi chưa bán, ngày mai, cũng con gà ấy, giá trị của nó không hề thay đổi, nhưng giá gà trên thị trường giảm, nên tôi chỉ bán được 80.000 đồng, mà bắt tôi phải bán 100.000 đồng thì làm sao tôi bán được.

Ngay cả người dân bình thường, không có kiến thức về kinh tế, họ cũng quyết định bán con gà 80.000 đồng, thay vì mang về để không có tiền chi tiêu cho những việc vô cùng cần thiết khác, như mua thuốc chữa bệnh hoặc đóng học cho con chẳng hạn, trong khi lại phải chi phí để nuôi gà. “Bảo toàn vốn” phải hiểu theo nghĩa rộng là không được bán con gà dưới giá thị trường chấp nhận, tức là dưới 80.000 đồng.

Như vậy, chấp nhận bán vốn dưới mệnh giá để làm sống lại đồng vốn nhà nước sẽ đem lại hiệu quả cho xã hội?

Trong cơ chế thị trường, nguồn vốn luôn luôn được luân chuyển mới tạo ra của cải cho xã hội, mới tạo thêm công ăn việc làm. Hiện có hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư tại những lĩnh vực không cần phải có “bàn tay” của Nhà nước, nhưng lại không hiệu quả, nếu không bán đi nguồn vốn này, thì coi như bị chết.

Vậy, chấp nhận bán dưới giá trị sổ sách để lấy tiền đầu tư vào lĩnh vực khác hiệu quả hơn không chỉ làm sống lại nguồn vốn nhà nước, mà còn làm sống lại cả nguồn vốn trong xã hội đang được cất giữ dưới dạng tài sản không sinh lời, do chưa tìm được kênh đầu tư hiệu quả.

Với thị trường chứng khoán mà có rất nhiều mã cổ phiếu được bán với giá “rẻ hơn mớ rau muống”, thì liệu bán dưới mệnh giá có bán được không, thưa ông?

Nghị định 151/2013/NĐ-CP có quy định rất hay là cho phép SCIC được đấu giá bán cả lô cổ phần để đảm bảo thành công khi cần bán hết vốn tại doanh nghiệp. Với quy định này, SCIC được bán toàn bộ doanh nghiệp cho một nhà đầu tư.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu 4.000-5.000 đồng vẫn ế là do không nhà đầu tư nào muốn bỏ tiền vào doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, trong khi họ không được quyền kiểm soát. Còn nếu được mua toàn bộ doanh nghiệp (mua cả lô cổ phần), thì nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để sở hữu doanh nghiệp đã ít nhiều có thị trường, có thương hiệu, có khách hàng, có đối tác.

Theo Mạnh Bôn
Báo Đầu tư

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *