Dòng chảy vốn 21/04/2014 14:44

Ngành cơ khí: Ngoại “xơi” hết phần

Chính sách cho ngành cơ khí Việt Nam dù đã có nhưng việc thực hiện chưa nhất quán, ổn định khiến những “miếng bánh” ngon đều rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài. Việc nhanh sửa đổi cơ chế chính sách là biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành cơ khí - ngành có vị trí quan trọng trong mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các dự án cho Trung Quốc làm tổng thầu EPC, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp
Các dự án cho Trung Quốc làm tổng thầu EPC, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Ảnh: ST.

 

Trở ngại Luật Đấu thầu

 

10 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam” (năm 2002), nhìn vào bản báo cáo của Bộ Công Thương có thể thấy được một số kết quả nhất định của ngành này như: Giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí đạt gần 228.000 tỷ đồng vào năm 2012, tăng hơn 6 lần so với năm 2000; ngành cơ khí đã sản xuất được các loại máy cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện, sản xuất láp ráp ô tô với tỷ lệ nội địa hóa 40%, tỷ lệ nội địa hóa xe máy đạt từ 85% - 95%, giá trị XK cơ khí cũng tăng năm 2013 ước đạt 13,18 tỷ USD...

 

Nhìn vào các chỉ tiêu chính về sản xuất, kinh doanh của ngành cơ khí tuy năm sau cao hơn năm trước nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước của ngành năm 2012 mới đạt 32,58% (thấp hơn mục tiêu của chiến lược là đáp ứng 40-50% nhu cầu trong nước vào năm 2010). Đặc biệt, NK của ngành cơ khí tăng chóng mặt, từ 8,7 tỷ USD của năm 2006 lên 24,8 tỷ USD năm 2013.

 

Theo quan điểm của ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của ngành cơ khí là do Luật Đấu thầu giá rẻ, không chú ý đến nguồn gốc xuất xứ, không ưu tiên đúng mức đến tỷ lệ nội địa hóa, nên các dự án lớn đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Ngoài ngành thủy điện với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, tỷ lệ nội địa hóa thiết bị cơ khí thủy công đạt 90%, do đó có thể nội địa hóa được 30% giá trị thiết bị của các dự án thủy điện, còn với các ngành công nghiệp khác tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Ví dụ như ngành xi măng, Việt Nam có 24 nhà máy thì 23 nhà máy do nước ngoài làm tổng thầu EPC (đảm nhiệm từ tư vấn, mua sắm thiết bị và xây lắp) với tỷ lệ nội địa hóa thiết bị cho các dự án Trung Quốc làm tổng thầu không lớn hơn 3%. Dự án bauxite ở Tây Nguyên cũng rơi vào tình trạng tương tự, cả hai nhà máy đều do DN Trung Quốc làm tổng thầu với tỷ lệ nội địa hóa chỉ ở mức... 2%. “Rõ ràng là do cơ chế, cách chúng ta chuẩn bị, chứ không phải năng lực”, ông Sáng cho biết.

 

Một nguyên nhân khác được chỉ ra là cơ chế chính sách đã ban hành để hỗ trợ ngành cơ khí nhưng không được thực hiện nghiêm. Ông Lê Văn An, Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ điện Xây dựng chia sẻ: “Cách đây 5 năm, chúng tôi tự hào rằng tất cả sản phẩm máy bơm là mặt hàng duy nhất trong nước mà Trung Quốc không cạnh tranh. Nhưng 5 năm trở lại đây, các chính sách thay đổi, DN lại chọn bơm ngoại hoặc không chọn sản phẩm của DN nhà nước nên chúng tôi đã bị loại”.

 

“Gỡ” bằng chính sách

 

Một trong những giải pháp để gỡ khó ngành cơ khí được ông Nguyễn Chỉ Sáng đề xuất là rà soát sửa Luật Đấu thầu nhằm tạo điều kiện nhiều hơn cho các nhà thầu trong nước cũng như vật tư, sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước. Luật Đấu thầu cần đưa nguồn gốc xuất xứ hàng hóa vào tiêu chí đánh giá có mức độ ưu tiên thỏa đáng cho phần dịch vụ, thiết bị chế tạo trong nước. Đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước hoặc một phần vốn nhà nước cần triệt để tuân thủ Chỉ thị 494/CT-CP chỉ định thầu hoặc tổ chức đấu thầu trong nước. Nếu DN nước ngoài tham gia thầu phải liên danh hoặc làm thầu phụ với nhà thầu trong nước (nhà thầu trong nước là đơn vị đứng đầu liên danh). Chủ đầu tư các dự án nhiệt điện, bauxite, giấy, xi măng, giàn khoan biển và các dự án nằm trong sản phẩm cơ khí trọng điểm khi lập kế hoạch đấu thầu các dự án có trách nhiệm tách riêng các hạng mục thiết bị sẽ chế tạo trong nước thành gói thầu độc lập và giao cho các DN cơ khí trong nước thực hiện hoặc đấu thầu trong nước.

 

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt  cho rằng, đối với các dự án đầu tư và mua sắm sử dụng vốn ngân sách Nhà nước hoặc trái phiếu Chính phủ, bắt buộc hồ sơ mời thầu phải có tiêu chí đánh giá về tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật tư, thiết bị sản phẩm cơ khí trong nước sản xuất; không NK các sản phẩm, chi tiết, phụ tùng DN trong nước sản xuất được khi sửa chữa, đại tu các công trình.

 

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, cơ chế chính sách cho ngành cơ khí dù có nhiều, nhưng thiếu nhất quán, ổn định. Tuy nhiên, các DN vẫn “hay chê cơ chế chính sách mà ít chịu nhìn lại mình”. Nhược điểm lớn của ngành cơ khí là các DN thiếu hợp tác với nhau để cùng phát triển trong khi tự thân các DN đang rất yếu về quản trị, công nghệ, năng lực… Phó Thủ tướng đề nghị các DN cơ khí tư duy lại, không đầu tư hoành tráng mà cần đầu tư vào từng loại cơ cấu sản phẩm.

 

Trước những vấn đề cấp bách được nêu ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Công Thương nhanh chóng xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển ngành cơ khí Việt Nam, trong đó xác định lĩnh vực ưu tiên, sản phẩm ưu tiên và cơ chế chính sách, đồng thời rà soát lại cơ chế chính sách như: Chính sách thuế, chính sách tín dụng, chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, chính sách cho công nghiệp hỗ trợ... tiến tới mục tiêu tạo thuận lợi cho ngành cơ khí Việt Nam phát triển.

 

Ông Trần Ngọc Hà, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM): Các loại máy nông nghiệp sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm 15-20% thị phần, trong khi thị phần máy Trung Quốc chiếm tới 60%. Loại máy diesel Trung Quốc giá rẻ, chất lượng trung bình do các nhà máy đã hết khấu hao nên nếu DN Việt Nam giờ muốn đầu tư theo đúng chiến lược phát triển ngành cơ khí sẽ rất khó và sẽ không thành công.

Ông Trần Văn Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh: DN cơ khí cần nguồn vốn lớn trong khi lại thiếu vốn. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động đấu thầu của DN. Cụ thể, cơ chế chỉ định thầu hiện nay đã được triển khai nhưng không thực hiện với dự án có nguồn vốn ngoại. Trong khi đó, do nguồn vốn DN trong nước hạn chế nên không thể tham gia đấu thầu theo hình thức EPC. Ngoài khó khăn về vốn, sản phẩm sản xuất ra cũng khó bán. Một số chủ đầu tư vay được vốn nhưng luôn “sính ngoại”, chọn mua sản phẩm cơ khí từ nước ngoài. Cần xử lý nghiêm việc DN NK sản phẩm cơ khí từ nước ngoài trong khi DN trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng.

Ông Phan Tử Giang, Tổng giám đốc Công ty CP Chế tạo khoan dầu khí: Vốn đầu tư cho cơ khí rất lớn nhưng DN lại khó tiếp cận, đặc biệt là vốn lưu động. Như tại Trung Quốc và Singapore, DN cơ khí được hỗ trợ vốn lên đến 93% trong 2-3 năm, chủ đầu tư chỉ cần bỏ 7%, sau khi hoàn thành mới trả nốt. Chúng tôi chế tạo thiết bị cơ khí cho nhà thầu Hoa Kỳ, họ yêu cầu hỗ trợ tài chính 80%, nhưng chúng tôi không lo được vốn nên hợp đồng bị hủy. Trên thực tế, DN đã liên lạc với ngân hàng và nhận được câu trả lời: “Cơ chế cho vay thì có nhưng cơ chế bảo lãnh khó khăn”.

Diệp Anh (ghi)

Theo Phan Thu

Báo Hải quan

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *