Dòng chảy vốn 08/05/2015 12:39

Mỹ giúp Việt Nam tiến dần giảm giá thành điện

FICA – Mục tiêu dự án sẽ tập trung vào cải thiện hoạt động của các đối tượng tham gia như các nhà máy điện BOT, các đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành của thị trường, để hướng tới phát triển thị trường điện bền vững trong tương lai.

Chiều ngày 7/5/2015 tại trụ sở Bộ Công Thương đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc phát triển thị trường điện cạnh tranh của Việt Nam giữa Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương (ERAV) và Vụ Năng lượng và Tài nguyên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (ENR).

Lễ ký Biên bản ghi nhớ là sự kiện mới nhất trong một loạt các thỏa thuận hỗ trợ của Hoa Kỳ nhằm phát triển lĩnh vực năng lượng của Việt Nam, đồng thời nhằm góp thêm một câu chuyện thành công trong mối quan hệ song phương nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, sau hơn 3 năm thị trường điện chính thức hoạt động, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam đã thay đổi rất nhiều và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đưa thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo vào vận hành trước năm 2020 như mục tiêu Chính phủ Việt Nam đề ra.

Trong quá trình thực hiện, Việt Nam cần nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế để xây dựng khuôn khổ pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo lộ trình đã được phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, việc ký kết Bản ghi nhớ sẽ hướng hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ tới mục tiêu chung là phát triển thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam. Thị trường phát điện cạnh tranh ở Việt Nam đã được vận hành trong nhiều năm qua, tuy nhiên để chuyển tiếp sang thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo không phải dễ dàng, và Việt Nam cần nhiều giải pháp để đưa thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo vào năm 2020.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho hay, Việt Nam mới trong giai đoạn đầu của thị trường điện cạnh tranh nên còn yếu cơ sở hạ tầng và nhân lực vận hành các cơ sở điện. Để có chuẩn bị tốt nhất cho thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã có những nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm phát triển thị trường điện của các nước trên thế giới để đưa ra chương trình phát triển phù hợp nhất cho Việt Nam.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Hỗ trợ kỹ thuật này của ENR, Đại sứ Warlick, Phó trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất của ENR cho rằng, việc hình thành một thị trường điện cạnh tranh sẽ khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực phát và truyền tải điện, giảm giá thành điện năng, thúc đẩy cải tiến công nghệ sạch hơn và khuyến khích bảo tồn nguồn tài nguyên.

Quá trình hình thành thị trường điện cạnh tranh là không dễ dàng, đòi hỏi sự hợp tác của các bên tham gia, cần sự vào cuộc của nhiều phía: Bộ, ngành, các công ty mua bán điện, và phải thực hiện từng bước theo lộ trình.

Bà Warlick khẳng định: Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật để Việt Nam thực hiện thành công thị trường điện cạnh tranh này. Mục tiêu dự án sẽ tập trung vào cải thiện hoạt động của các đối tượng tham gia như các nhà máy điện BOT, các đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành của thị trường, để hướng tới phát triển thị trường điện bền vững trong tương lai.

Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Pierangelo cũng bày tỏ sự ngạc nhiên về sự phát triển và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong một thập kỷ qua, nhưng cho rằng, một quốc gia chỉ có thể phát triển tương ứng với mức năng lượng cho phép. Phó Đại sứ cho rằng, Việt Nam cần một số cải cách như tạo dựng một thị trường điện cạnh tranh để đảm bảo nguồn cung điện sẽ có thể đáp ứng được nhu cầu của đất nước trong tương lai.

Thanh Nga

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *