Dòng chảy vốn 18/08/2015 07:24

Kinh tế Việt Nam khi CNY mất giá: Lợi ảo, thiệt thật

Phản ứng lại động thái phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ngay lập tức nới biên độ dao động tỷ giá VND thêm 1 điểm phần trăm, tức làm cho VND yếu đi để bù đắp phần nào ảnh hưởng của một đồng CNY yếu hơn lên cán cân thương mại của Việt Nam với thế giới nói chung và với Trung Quốc nói riêng.

Quyết định trên của NHNN được đánh giá là phản ứng kịp thời của Chính phủ trước ảnh hưởng của đồng tiền Trung Quốc đến kinh tế Việt Nam, trong đó có chính sách tiền tệ và tỷ giá.

Để có thể hiểu rõ hơn về tác động của việc phá giá CNY lên Việt Nam, có thể xem xét ví dụ sau:

Giả sử 1 cái áo khoác của Việt Nam và Trung Quốc sản xuất đều có giá thành là 100 USD. Giả sử cả Việt Nam và Trung Quốc đểu xuất áo này sang Mỹ, với chất lượng và độ hấp dẫn người tiêu dùng tương đương nhau.

Giả sử cơ cấu giá thành sản xuất áo ở Việt Nam là 70 USD giá trị nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc (tính bằng USD) + 20 USD giá trị nguyên liệu sản xuất trong nước (tính bằng VND) + 10 USD chi phí lao động và các chi phí khác (tính bằng VND).

Giả sử cơ cấu giá thành sản xuất áo của Trung Quốc là 85 USD giá trị nguyên liệu (sản xuất tại Trung Quốc, tính bằn CNY, quy ra USD) + 15 USD chi phí lao động và các chi phí khác (tính bằng CNY, quy ra USD).

Khi Trung Quốc phá giá CNY 5% và Việt Nam phá giá VND 1% thì cơ cấu giá thành sản xuất áo của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 95 USD (=100 USD x 0,95), vì toàn bộ chi phí sản xuất đều tính bằng CNY nên quy ra USD sẽ nhỏ đi so với trước khi phá giá.

Với Việt Nam, chi phí sẽ thành: 70 USD x 0,95 + 20 USD x 0,99 + 10 USD x 0,99 = 96,2 USD. So với giá thành áo của Trung Quốc sản xuất là 95 USD như tính ở trên thì mặc dù VND cũng đã bị mất giá 1% nhưng áo của Việt Nam sản xuất vẫn đắt hơn 1,2 USD/cái (cao hơn 1,26%). Do đó, trong cùng một điều kiện thị trường, cùng chất lượng và độ hấp dẫn, rõ ràng hàng Việt Nam sẽ bị giảm tính cạnh tranh so với hàng Trung Quốc.

Ttrong tính toán trên, người viết mới giả thiết rằng tỷ lệ nguyên liệu dùng cho sản xuất tại Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc là 70%. Trên thực tế, độ phụ thuộc này có thể còn cao hơn, có khi lên đến 90%. Khi ấy, giá thành sản xuất của Việt Nam cũng tăng theo tỷ lệ thuận so với sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.

Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam không chỉ ra các thị trường trên thế giới như Mỹ, EU, mà sang ngay chính thị trường Trung Quốc sẽ gặp bất lợi vì giá cao so với hàng Trung Quốc.

Ngược lại, so với hàng Việt Nam sản xuất và tiêu thụ ngay tại Việt Nam, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (như áo khoác trong ví dụ trên) cũng rẻ hơn, nên cũng sẽ đẩy bật hàng Việt Nam ngay tại thị trường Việt Nam.

Những tác động bất lợi trên diễn ra cho dù CNY yếu hơn làm cho đầu vào nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc rẻ hơn.

Cụ thể, nếu Việt Nam có thể hưởng lợi khi CNY mất giá làm cho nguyên liệu, máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam rẻ hơn, thì các đối thủ của Việt Nam trước đây chưa hoặc ít nhập khẩu từ Trung Quốc cũng hoàn toàn có thể lợi dụng sự rẻ đi của CNY để tăng tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu, máy móc từ Trung Quốc nhằm hạ giá thành sản phẩm. Nói cách khác, ở khía cạnh này, Việt Nam không phải là nước duy nhất hưởng lợi khi CNY mất giá.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều nước đã cùng phá giá bản tệ để bù đắp vào việc CNY giảm giá, tương tự như Việt Nam, nhằm tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa, cũng tức là bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động ở nước họ.

Để nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhiều biện pháp khác cũng đã được đề xuất, như cắt giảm chi phí, lệ phí, hạ lãi suất, tăng cường xúc tiến thương mại, cải cách bao bì, marketing, cải cách kinh tế để nền kinh tế hiệu quả hơn, giảm gánh nặng thuế phí cho doanh nghiệp v.v...

Tất cả những biện pháp trên đều là cực kỳ cần thiết. Chúng ta đã, đang và vẫn tiếp tục nỗ lực để thực hiện những biện pháp này. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, nếu chỉ chăm chăm vào các biện pháp phi tiền tệ ấy thì có nghĩa là Việt Nam tự tước đi một công cụ tự vệ hữu hiệu là tỷ giá để hóa giải áp lực cạnh tranh của hàng Trung Quốc và các đối thủ khác.

Tóm lại, việc NHNN phá giá VND như vừa qua đã hóa giải phần nào áp lực phá giá CNY và các bản tệ khác lên hàng Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ phá giá VND như hiện nay, theo người viết, vẫn chưa đủ “độ”.

Theo TS. Phan Minh Ngọc

Doanh nhân Sài Gòn

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *