Đầu tư 09/12/2014 16:12

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào điện gió Việt Nam

Còn nhiều vướng mắc về cơ chế, kĩ thuật và giá thành khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài không dám đầu tư vào điện gió Việt Nam.

Sáng 9/12, Hội thảo về năng lượng gió do Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức đã diễn ra tại TP HCM. Sự kiện này thu hút hơn 120 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, điện gió đến từ nhiều nước trên thế giới.

 

Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, có gần 50 dự án điện gió đã đăng ký trong hơn 3 năm nay với tổng công suất đăng ký 4.876 MW. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 3 nhà máy điện gió phát điện thương mại. Đây là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng về năng lượng điện gió của Việt Nam.

 

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ mong muốn được đầu tư vào điện gió ở Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn băn khoăn vì lĩnh vực này còn mới mẻ với Việt Nam, hầu hết các thiết bị xây dựng, lắp đặt đều phải nhập khẩu. Nguồn lao động có tay nghề trong lĩnh vực này còn thiếu. Đây cũng là những vướng mắc khiến nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư vào Việt Nam để khai thác điện gió trong thời gian gần đây.

 

 
Chưa có thể chế cho đầu tư điện gió tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)
 

Bên cạnh đó, giá bán điện gió được bán cho tập đoàn điện lực Việt Nam hiện ở mức 9,8 cent/1KWh (khoảng 2.100 đồng/kWh) là không an toàn cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này mà phải ở mức 12,8cent (gần 2.700 đồng/1kWh), sau 10 năm khai thác sẽ điều chỉnh giảm xuống 10%.

 

Cũng trong Hội thảo này, Tập đoàn Phú Cường đã ký biên bản hợp tác với tập đoàn Vestas của Đan Mạch về việc đầu tư Dự án điện gió tại tỉnh Sóc Trăng có công suất 800MW với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.

 

Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phú Cường cho biết, đối với việc liên doanh liên kết với các đối tác nước ngoài sẽ còn rất nhiều việc cần phải bàn.

 

“Những điều kiện cho đối tác nước ngoài cần tiếp xúc trực tiếp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam như về tài chính, về vốn đối ứng, về bảo lãnh của Chính phủ và điều kiện ký hợp đồng với điện lực. Do đó cần phải có văn bản cụ thể cho đối tác nước ngoài tìm hiểu để đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, khi triển khai cũng cần lập một cơ cấu quản lý, điều hành và cả giải pháp thi công”, ông Cường chỉ rõ.

 

Theo Thành Trung
VOV
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *